Phố sủi cảo lớn nhất Sài Gòn tấp nập trở lại sau dịch

Đường Hà Tôn Quyền, quận 11, là địa chỉ bán sủi cảo gốc Hoa có tiếng, với các cửa hàng dọc hai bên đường từ số nhà 150 đến hơn 200. Cả khu phố lúc nào cũng tấp nập, đông đúc người ra vào, nhất là chiều và tối. Các món ở đây phong phú gồm chiên, khô (sốt dầu hào), mì sủi cảo, tôm mực, thập cẩm, cá viên, mì kéo… với giá trung bình khoảng 55.000 đồng/phần.

Khách đến đây thường chạy xe dọc phố, sẽ có người từ hàng quán hai bên đường ra chào mời khách, hướng dẫn chỗ để xe miễn phí rồi vào nhà gọi món. Sau gần 5 tháng không phục vụ tại chỗ để phòng chống Covid-19, tối 28/10, nhiều thực khách đã đến ngay con phố nổi tiếng này để thưởng thức món sủi cảo thanh ngọt và ít dầu mỡ.

Con đường sủi cảo lớn nhất Sài Gòn

Đường Hà Tôn Quyền nằm trong khu Chợ Lớn từ lâu đã được định danh gắn với món sủi cảo tôm được xem là ngon nhất ở Sài Gòn. Dọc hai bên đường, từ số nhà 150 đến số nhà hơn 200, hai bên đường đều là hàng quán bán sủi cảo. Tính sơ sơ, con đường này có tới hơn hai chục tiệm sủi cảo tôm, tiệm nào ít cũng hai đời, nhiều cũng 3 – 4 đời truyền nối.

Cứ cữ xế chiều, xe máy để gọn gàng phủ đầy trước các quán và các con hẻm lân cận, các shipper nườm nượp tấp vô lề đợi mua, tiếng muỗng, nĩa xôn xao, những nồi nước lèo khói bốc nghi ngút kéo theo hương thơm khiến những chiếc bụng đói thêm sôi sùng sục. Tiệm nào cũng dán những tấm giấy đỏ nổi bật, đèn sáng choang, phía trước là bếp và xe kiếng xếp cơ man các nguyên liệu hấp dẫn. Càng về tối, người đến ăn sủi cảo càng đông dần.

Những viên sủi cảo vàng óng và tròn ụ với phần nhân đầy đặn bên trong đã theo bước chân di cư của những người Việt gốc Hoa hàng trăm năm trước, bước vào đời sống ẩm thực Việt. Không ai nhớ sủi cảo tôm đã rù quến người Sài Gòn từ khi nào, chỉ biết là, sủi cảo được coi như một món ăn đường phố đâu chừng hơn kém ba chục năm về trước.

Nguyên liệu ngon lành, hấp dẫn

Trong một tô chạp (thập cẩm), các thành phần khác cũng có câu chuyện riêng: Cá viên, mực ngâm tro, da heo và rau cải, có thể thêm mì hoặc hủ tiếu. Hầu hết nguyên liệu đều được nấu bằng công thức truyền thống của người Hoa, như mực thì phải được ngâm trong nước tro rồi phơi khô.

Miếng mực mềm dai như thạch rau câu, trở màu tím trong, khó phân biệt được là mực khô hay mực tươi. Dùng nước tro tàu để nấu nướng, đặc biệt các món có hải sản như tôm, mực là một nét văn hóa ẩm thực tinh tế của người Hoa.

Da heo được chiên nổ mặt rồi hầm trong nước lèo nên vừa có cái béo vừa sừn sựt vui miệng, cùng với cá viên, rau cải, giống như bạn đang mở một bữa tiệc vị giác trong miệng vậy.

Nhiều người cũng thích ăn thêm mì, hủ tiếu để có thêm tinh bột. Gắp cọng mì trứng tròn tròn, nhâm nhi các nguyên liệu nấu nướng kỹ, cắn một miếng sủi cảo chiên giòn ít nhân, chiếc nhỏ hơn, chấm với tương ớt xí muội hoặc sa tế, nhai cùng lúc, bạn sẽ lập tức hiểu sao con đường Hà Tôn Quyền nhộn nhịp khách hàng đến vậy. Chưa kể giá sủi cảo cũng khá hợp túi tiền, dao động từ 55.000 – 70.000 đồng/phần.

Cùng công thức như mỗi quán mỗi vị

Theo tiết lộ của một người bán hàng, hầu hết quán hàng trên con đường sủi cảo tôm đều lấy chung một mối nguyên liệu, vì thế bí quyết cạnh tranh là đao công (cách băm chặt) và hỏa công (canh lửa) cùng với nêm nếm nhân, chế biến nước lèo sao cho nước có vị thanh, ngọt, trong veo.

Nước lèo của món sủi cảo trong vắt, loáng một lớp mỡ mỏng, vị ngọt nhẹ và hơi lạt. Nó không đậm vị như nước lèo trong các món nước của người Việt, cũng không dậy mùi, nhiều gia vị như nước chan mì vằn thắn ở Hà Nội, mà chủ yếu nhấn vào vị nhẹ, béo ngậy của nước ninh xương.

Gần như nước lèo sủi cảo không được nêm nếm gia vị gì. Khi ăn, khách sẽ thêm nước tương, tương ớt, tương đen, sa tế, giấm… để tạo ra hương vị nước lèo phù hợp với mình.

Lựa chọn mang đi của thực khách

Trong số đông thực khách đến phố Hà Tôn Quyền, nhiều người vẫn chọn mua mang về vì vẫn còn e dè khi ăn tại chỗ. Ông Long ở quận 3 đi cùng vợ cho biết: “Chỗ này tôi ăn quen rồi, hay ra đây mua sủi cảo lắm. Nghe tin cho bán là chở vợ ra đây, nhưng tới nơi thì thấy đông người quá, nhìn nhộn nhịp cũng vui lắm nhưng mình cũng hơi sợ. Trải qua đợt dịch vừa rồi nên giờ phải cẩn thận hơn, ý thức hơn. Ăn uống tôi vẫn nấu tại nhà, có thèm món gì thì mua mang về chứ ngại ngồi tại quán”.

Trước đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, con phố sủi cảo hoạt động cả ngày, đông đúc nhất là từ 17h đến 22h và nhiều tiệm cũng mở đến khuya. Hiện các hàng quán chỉ được phép bán đến 21h và phục vụ tối đa 50% công suất. Khách đến thưởng thức sủi cảo nên đi sớm để có thể chọn lựa đầy đủ món hơn vì có nhiều món rất nhanh “cháy” hàng.