Những loại trái cây đặc trưng “Made in Miền Tây”

Trái bần

Miền Tây sông nước với sự ưu đãi của thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái thực vật, vồ vàn những loại cây gắn liền với đời sống của người dân nơi đây, trong đó có cây bầnỞ miền Tây có câu ca dao “Muốn ăn mắm sặc bần chua. Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm”. Dường như con nước tháng 9 không chỉ đem đến nguồn cá tôm trù phú mà còn là mùa bội thu của các loại cây trái hoang dại và là mùa để đi du lịch Miền Tây đẹp nhất. Người ta thường nhớ đến bông súng, bông điên điển nhưng quên mất rằng, trái bần cũng là một đặc sản quý giá mà thiên nhiên đã dành tặng cho vùng đất này.

Không biết bần đã có mặt từ bao đời và tại sao lại được đặt cho cái tên “thô kệch” như thế. Chỉ biết chúng là loại quả dại đặc thù ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sống trong môi trường bùn nước, có rễ phụ mọc nhô lên khỏi mặt bùn. Chẳng những bần là biểu tượng nhà quê, mà còn có nhiều công dụng không ngờ. Đất miền Tây quanh năm ngập ngụa phù sa. Những con sống lớn dạt vào bến lở khiến cho đất rã ra, chuồi đi. Chính vì thế, để giữ vững đất, người ta trồng cây đước, cây bần trải dài hai bên bờ sông.

Trái Bình bát

Bình Bát là loại cây dại, thân gỗ thuộc họ na, mọc ven mương, rạch ở nơi có đất nhiễm phèn miền Tây. Trái có vỏ mỏng, khi chín trái chuyển vàng, dễ nứt vỏ và có mùi thơm nhẹ, vị ngọt. Quả có thịt mỏng, nhiều hạt nhưng rất được trẻ em miền quê yêu thích.

Người tha hương, có lúc bồi hồi nhớ tiếng võng kẽo kẹt với lời ru ngọt ngào của mẹ: Người dân miền quê sinh sống chủ yếu bằng kinh tế tự túc, tự cấp. Đặc trưng cơ bản của cuộc sống ấy đó là kiếm được gì ăn nấy. Trẻ con lâu lắm mới được vài miếng bánh hay vài viên kẹo mẹ đi chợ về mua cho. Còn lại, cứ mỗi sáng ngày các em chạy ra vườn, dọc theo bờ kênh, mé rạch lượm bình bát chín bẻ ra ăn ngay vừa chua vừa có mùi đặc trưng.

Cầu kì hơn thì đem những trái bình bát ấy về, dùng tay bẻ ra, gợt bỏ vỏ rồ bỏ vô ly dầm với đường, thêm ít viên nước đá là thứ giải khát tuyệt diệu lúc trưa hè. Có người làm sạch vỏ, ướp ít đường cát hay đường phèn trộn đều đợt đêm xuống phơi ngoài trời để hứng sướng. Sáng hôm sau được ly bình bát ngọt lịm và mát lạnh.

Thanh trà

Nguồn gốc của thanh trà xuất hiện đầu tiên là ở vùng Bảy Núi (An Giang). Ban đầu chúng chỉ là một loài cây hoang dại, nhưng khi người ta phát hiện ra hương vị độc đáo của trái thanh trà thì họ đem về ươm mầm tại các khu vườn ở Vĩnh Long. Dần dần, cái tên này trở thành một đặc sản nổi tiếng và tạo nên nhiều nguồn lợi kinh tế cho người dân nơi đây.

Vẻ ngoài của thanh trà cũng đáng yêu như chính tên gọi. Với kích thước cỡ trứng gà non nhỏ gọn trong lòng bàn tay, phần thịt bên trong mọng nước tuy nhiên cơm lại không nhiều vì hạt to. Khi còn non, thanh trà có lớp vỏ xanh mướt nhưng đến độ chín cây thì dần chuyển sang màu vàng cùng với mùi thơm thoang thoảng tỏa ra khiến ai cũng ngất ngây.

Không chỉ chiếm ưu thế về màu sắc, mùi thơm, hương vị của trái thanh trà còn khiến người ta phải mê mẩn. Khi chín phần cơm mềm mang đến vị chua ngọt đầy kích thích. Chẳng phải nồng nàn, bừng tỏa trong cổ họng mà thực khách cứ từ từ cảm nhận cái dịu nhẹ tinh tế đan xen vào nhau. Lớp cơm mọng nước đọng lại chút man mát thanh thanh nên ăn bao nhiêu cũng không hề ngấy.

Cà na

Miền Tây mùa nước nổi không chỉ mang đến nguồn cá tôm dồi dào mà còn xuất hiện nhiều loại cây trái đặc trưng, đậm chất miền quê. Vào thời điểm này, nếu bạn du lịch Miền Tây về các tỉnh như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… sẽ bắt gặp một loại quả được bày bán khắp nơi, từ các khu chợ đến các xe hàng rong ven đường. Không gì khác đó chính là cà na, thức quà bình dị, mộc mạc của tự nhiên ban tặng và được người dân tận dụng để chế biến thành nhiều món ngon.

Cà na không phải là loại quả có quanh năm mà nó có theo mùa vụ. Mùa cà na hay còn gọi là mùa trám xanh có vào khoảng tháng 8,9 đúng vào thời điểm lũ nước dâng cao tại vùng đồng bằng sông cửu long. Người dân miền Tây kể rằng, khi lũ về, nhiều cây trái không thể sống được qua mùa nước nổi nhưng chỉ riêng cây cà na lại có thể sống được mà còn cho ra những trái căng tròn, rất sum xuê.

Cà na cho trái giống như trái muỗn ở ngoài Bắc, có hình thuôn tròn, dài cỡ 2 lóng tay. Trái cà na có hình bầu dục, kích thước to gần bằng đầu ngón tay cái và lớp vỏ trơn láng căng mịn. Khi còn non, cà na có màu xanh mướt và ngả về vàng nhạt khi đạt đến độ chín. Mùa lũ về người dân miền Tây lại cùng nhau thu hoạch cà na để chế biến thành nhiều món cực kì hấp dẫn. Người ta dùng thanh tre dài, rung lắc cho chúng rơi xuống rồi nhặt về rửa sạch.

Trái trâm

Đây có thể được xem là món quà thiên nhiên của núi rừng ban tặng, nó là món ăn yêu thích làm ngất ngây bao người và đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân.

Ở nước ta, trái trâm là loại một cây rừng mọc hoang dã có từ rất lâu, đặc biệt là vùng Bảy Núi (An Giang), trong đó tập trung nhiều ở 2 xã Núi Tô và Cô Tô của huyện miền núi Tri Tôn.

Trái trâm còn có tên gọi khác là trâm mốc, trâm vối hay vối rừng. Thường vào mùa hè, khi trời bắt đầu mưa cũng là lúc cây trâm đơm hoa kết trái. Trái trâm thường kết lại từng chùm, trái to bằng đầu ngón tay, có màu xanh; khi chín, vỏ căng bóng, màu tím.

Mùa trâm chín rộ từ khoảng cuối tháng 3 – 6 âm lịch. Trâm chín có vị chua chua, ngọt ngọt kèm theo vị chát đặc trưng. Trái vừa hái từ cây xuống là ăn ngon nhất. Theo kinh nghiệm của nhiều người thì trời mưa càng nhiều vị trái này sẽ càng chua.

Đối với loại trái cây đặc trưng này, tùy vào sở thích mà mỗi người sẽ có cách ăn khác nhau, chúng ta có thể ăn nguyên chất, nhưng có người lại thích chấm với muối để tăng thêm hương vị. Dù là loại quả mọc đầy rẫy trong rừng nhưng công dụng đối với sức khỏe của trái trâm không hề thua kém đối với những loại trái khác.