Ý nghĩa của những món ăn cổ truyền ngày Tết
Những món ăn ngày Tết tuy đơn giản như bánh chưng, giò chả, canh khổ qua… lại được ông cha ta gửi gắm vào đó biết bao ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Đây đều là những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết cổ truyền của người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Cùng Focus Asia Travel tìm hiểu ý nghĩa món ăn cổ truyền ngày Tết này nhé.
Ý nghĩa món thịt đông ngày Tết
Thịt đông – Trong trẻo vạn niên, tình duyên tốt đẹp. Trong cái se lạnh của tiết trời Bắc Bộ, miếng thịt đông nhừ tươm cùng dưa hành là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết. Món thịt đông thường bao gồm thịt lợn, bì, chân giò hoặc có thể là thịt gà. Sau khi nấu, muốn nồi thịt đông ngon, người nấu bắt buộc phải đậy kín vung; đem phơi sương cho nồi thịt hấp thụ tinh hoa đất trời. Như thế mới làm nên hương vị đặc biệt của nồi thịt đông.
Bánh chưng – Món bánh ý nghĩa ngày Tết
Bánh chưng – Biết ơn cha ông và đất trời xứ sở. Bánh chưng là món ăn ngày Tết không thể thiếu trong dịp xuân về ở Bắc Bộ. Bánh chưng thể hiện tinh hoa của trời đất, lòng thành của con cháu dâng lên tổ tiên. Vị dẻo của gạo nếp, thơm lừng của đậu xanh cùng vị béo của thịt lợn điểm xuyết vị cay của hạt tiêu, tất cả đã đã tạo nên hương vị miếng bánh chưng ngon độc đáo.
Xem thêm: Những phong tục ngày Tết cổ truyền của người dân Việt Nam
Món ăn không thể thiếu trong ngày Tết: Giò – Chả
Giò chả – Trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà: Đây là món ăn không thể thiếu trong mọi mâm cỗ ngày Tết. Ông cha ta quan niệm rằng miếng giò tượng trưng cho sự phú quý và giàu sang. Một miếng giò hòa quyện cùng nước mắm nhĩ điểm thêm miếng dưa hành là những hương vị khó quên trong dịp Tết.
Thịt gà luộc – Món ăn quan trọng trong mâm cỗ ngày Tết
Cầu gì được nấy, phúc đức đủ đầy. Thịt gà luộc là món ăn ngày Tết không thể thiếu trong mâm cỗ của người miền Bắc. Thông thường gà sẽ được luộc nguyên con trước là để cúng tổ tiên, sau cũng là để đoán vận mệnh qua chân gà luộc. Gà sau khi cúng được chặt miếng thật đẹp, ăn cùng lá chanh, muối tiêu.
Ý nghĩa món Tré
Tré – Tình cảm khăng khí, gia đình hòa thuận. Tré là món ăn xuất phát từ cung đình vốn chỉ dành cho bậc vua chúa vương giả. Người ta quan niệm rằng ăn tré trong ngày Tết sẽ tạo bầu không khí ấm cúng, sum vầy trong gia đình. Vị ngậy của thịt ba chỉ cùng cái sần sật của thịt đầu heo hòa quyện cùng các gia vị dậy mùi như tỏi, ớt, mè… khiến ai ai cũng mê mẩn trong ngày Tết.
Xem thêm: Sự khác biệt trong mâm cỗ ngày Tết ở ba miền đất nước
Ý nghĩa món thịt kho hột vịt
Vạn sự vuông tròn, hạnh phúc ngọt ngào. Nhắc đến món ăn ngày Tết cổ truyền miền Nam, phải kể đến món thịt kho trứng. Miếng thịt thái vuông tượng trưng cho đất, trứng tròn tượng trưng cho trời. Món thịt kho trứng tượng trưng cho vạn sự vuông tròn hài hòa. Thịt ba chỉ thấm đẫm vị béo ngọt của nước dừa cùng với vị bùi bùi của trứng đảm bảo sẽ “hao cơm”.
Canh khổ qua nhồi thịt – Muộn phiền tiêu tan, mọi sự như ý
Đúng như tên gọi, người miền Nam cho rằng khi ăn món canh khổ qua thì mọi nỗi khổ trong năm cũ đều sẽ qua; những điều may mắn hạnh phúc sẽ đến trong năm mới. Vị ngọt đậm đà của nước súp hòa quyện cùng vị đắng đặc trưng của khổ qua tạo cho món ăn này một hương vị khó quên
Củ kiệu ngâm mang ý nghĩa gì trong mâm cơm ngày Tết?
Tiền bạc đầy nhà, thăng quan tiến chức. Củ kiệu ngâm là món ăn đặc trưng riêng trong Tết cổ truyền của người miền Nam. Củ kiệu ngâm tượng trưng cho tiền bạc, sự vinh hoa phú quý trong năm mới. Củ kiệu ngon đúng điệu là khi được ăn kèm với bánh chưng, bánh tét, thêm chút dưa món sần sật
Trên đây là ý nghĩa món ăn cổ truyền ngày Tết bạn nên biết. Đây là lý do tại sao đây là những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết cổ truyền của người dân Việt Nam. Hãy lưu giữ và truyền lại những ý nghĩa tốt đẹp này con cháu mai sau để gìn giữ nét đẹp văn hoá nhé. Focus Asia Travel chúc bạn có những bữa cơm thật vui vẻ bên gia đình và bạn bè.
Xem thêm: So sánh sự khác biệt phong tục ngày Tết ở ba miền: Bắc – Trung – Nam