Khám phá thị trấn bị bỏ hoang vì “quá lạnh”

Thị trấn vùng cực Bắc nước Nga

Lại gần, từng chi tiết siêu thực hiện ra rõ ràng hơn, từ những khối băng giá phủ kín đèn đường hay ghế đá, những tảng băng tràn vào nhà qua cánh cửa đang mở. Đây chính là những “thị trấn ma” bị bỏ hoang, bao quanh trung tâm khai thác than Vorkuta ở phía bắc vùng Bắc cực của Nga.

Nhiếp ảnh gia Maria Passer, từ Moskva, đã đến Vorkuta ghi lại ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt lên các ngôi nhà bị bỏ hoang. Passer biết đến Vorkuta sau khi xem các bức hình của người bạn Lana Sator, một nhiếp ảnh gia. Chỉ một tuần sau đó, cô quyết định tới nơi này cùng Sator. Lang thang trong những không gian bị lãng quên này là một trải nghiệm thực sự ấn tượng với họ.

Trị trấn có lịch sử lâu đời

Thị trấn Vorkuta là một trại cải tạo lao động khét tiếng thời Liên Xô cũ, hoạt động từ những năm 1930 đến 1960. Cuối thời kỳ Liên Xô, người dân từ khắp nước Nga đổ xô đến đây để khai thác mỏ. Passer nói: “Để thu hút các thợ mỏ sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như thế này, mức lương ở đây thời đó thực sự rất tốt”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, các mỏ than bắt đầu đóng cửa, vận may của thị trấn một lần nữa thay đổi. Thất nghiệp, nhiều người rời bỏ nơi này và cuộc di cư này dẫn đến vô số tòa nhà bị bỏ hoang tại các ngôi làng quanh Vorkuta, nơi Passer đã dành 3 tuần qua để chụp ảnh.

“Đó thực sự là bi kịch khi nhiều người phải rời bỏ nhà cửa của họ và đến một nơi khác sinh sống. Nhưng những địa điểm này có vẻ đẹp riêng. Tôi đang cố gắng tìm ra điều này, và thể hiện chúng qua các bức ảnh của mình”, cô nói.

Nghệ thuật ở “Thị trấn ma”

Với cô, những tác phẩm nổi bật nhất được chụp tại làng Severny, bên trong một tòa nhà màu xanh lá cây phủ đầy tuyết. Ngày nay, khu vực này vẫn có người sinh sống nên những tòa chung cư không hề bị cắt điện nước.

Nhưng tại một số căn hộ bỏ hoang, đường ống bị vỡ, nước tràn vào các phòng và nhiệt độ băng giá của vùng Bắc Cực khiến chúng bị đóng băng ngay lập tức. Một số lối vào đã bị chặn hoàn toàn bởi những thác nước đóng băng này. Passer nói: “Tôi chưa bao giờ thấy thứ gì đó như vậy ở bất cứ đâu”.

Chụp ảnh trong nhiệt độ -38 độ C là một thách thức. Máy ảnh của Passer dễ bị chai pin hơn và cô phải để máy trong áo khoác để giữ ấm. Bàn tay lạnh cóng, không thể cử động nên cô buộc phải đeo găng.

Vài bức toàn cảnh được Passer chụp ở làng Cementozavodsky, nơi cô miêu tả là gần như không có một bóng người. Trong ngôi làng này chỉ có một tòa nhà chung cư không bị bỏ hoang. Nơi đây không có cửa hàng, ngân hàng hay bất kỳ tiện ích nào.

Thị trấn hoang vắng dần

Passer trò chuyện với vài người trong làng về cuộc sống của họ. “Cảm giác là họ rất buồn bực khi nơi họ sinh ra và lớn lên lại đang chết dần mòn. Những người muốn chuyển khỏi vùng này cũng không bán được nhà nên đành bỏ hoang”, cô cho hay.

Một số người dân hy vọng chính phủ sẽ giúp họ tái định cư nhưng khả năng cao họ sẽ được cung cấp nhà ở Vorkuta, thay vì những nơi khác tại Nga. “Chỉ có một gia đình ở đó và họ sẽ sớm được chuyển đến sống trong một căn hộ khác ở một tòa nhà khác”, cô nói.

Những bức ảnh của Passer được lan truyền khắp thế giới trong vài ngày qua. “Khi khám phá tòa nhà đóng băng này, tôi có hai suy nghĩ: ‘Trời ơi, quả là thảm họa!’, ý nghĩ còn lại là ‘Chúa ơi, đẹp đến nghẹt thở!’. Tôi muốn người xem nhìn vào bức ảnh và có cùng cảm giác đó.

Vẻ đẹp im lìm trong băng giá của chúng thu hút trí tưởng tượng của người xem và dường như chiếu lên tia sáng trong cuộc sống ở một góc Bắc Cực này. Nơi này hứa hẹn là một điểm đến khám phá thú vị cho những vị khách muốn thám hiểm hay trải nghiệm cảm giác mạnh sau đại dịch.