Những địa điểm bị bỏ hoang thu hút khách du lịch trên thế giới

Cũng từ lâu đã xuất hiện cái gọi là một hiện tượng du lịch để “ngắm nhìn sự tàn phá” (của thời gian). Đây là thuật ngữ mô tả niềm đam mê của nhiều người với những vẻ đẹp khác lạ ẩn giấu sau những câu chuyện và cảnh vật ma mị của những tàn tích.

Bởi chúng vẫn có sức cuốn hút riêng, như những lời nhắc nhở về cách hành xử của con người và sức mạnh vô hình của thời gian.

Khá đông du khách vẫn bị cuốn hút tới các điểm du lịch, là những thị trấn bị bỏ hoang đẹp nhất thế giới.

Bhangarh – Ấn Độ

Pháo đài Bhangarhb nằm ở rìa khu rừng Sariska thuộc bang Rajasthan nằm ở phía Tây Nam thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Đây được coi là một trong những nơi bị nguyền rủa và ma ám đáng sợ nhất thế giới. Người dân địa phương đồn đại rằng, bất cứ ai cố tình ở lại bên trong pháo đài sau khi mặt trời lặn đều không bao giờ quay trở lại.

Pháo đài Bhangarh là một thị trấn bị bỏ hoang ở bang Rajasthan, Ấn Độ, được thành lập vào năm 1573, trong thời kỳ con trai thứ hai của vua Bhagwant Das cư trú. Pháo đài này có quy mô như một thành phố thu nhỏ, bao gồm các ngôi đền, cung điện và nhiều cổng ra vào. Nó còn sở hữu một khoảng đất rộng lớn dưới chân một ngọn núi.

Vì nhiều lý do bao gồm cả khoa học và tâm linh, các chuyên gia tin rằng nơi đây có thể trở thành khu vực nguy hiểm với bất kỳ ai một khi ánh sáng mặt trời biến mất. Theo lời dân địa phương, nhiều người cố ý ở lại trong lâu đài và sau đó, họ mất tích không dấu vết. Có rất nhiều huyền thoại về pháo đài bị ma ám này. Thế nhưng duy chỉ có hai câu chuyện sau đây là nổi bật nhất.

Tuy nhiên mặc cho những câu chuyện bí ẩn và đáng sợ xảy ra xung quanh Bhangarh, nơi này dường như càng khiến những người ưa mạo hiểm thích thú hơn, khi pháo đài vẫn là địa điểm thu hút đông đảo du khách trên thế giới tới khám phá và tìm hiểu những điều bí ẩn xung quanh lâu đài này.

Làng “ma” Kayaköy – Thổ Nhĩ Kỳ

Khi cuộc chiến tranh Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc vào năm 1923, khoảng một triệu người Hy Lạp sống ở Thổ Nhĩ Kỳ bị buộc hồi hương. Ngôi làng Kayaköy của người Hy Lạp với khoảng 2.000 người sinh sống , nằm ở miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức bị bỏ hoang. Cho đến ngày nay, nơi này vẫn còn hàng trăm ngôi nhà cùng hai nhà thờ lớn, tất cả đều đang xuống cấp và đổ nát.

Ngôi làng Kayaköy ở bán đảo Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bỏ hoang gần 100 năm nay mà không có người sinh sống bất chấp nỗ lực tái thiết của chính phủ.

Công viên Takakanonuma – Nhật Bản

Được xây dựng vào năm 1973, công viên chỉ kéo dài trong 2 năm trước khi nó đóng cửa bởi giá vé quá đắt và từng có ca tử vong trong một số trò chơi nguy hiểm. Sau 10 năm gián đoạn, công viên mở cửa trở lại. Sau khi mở cửa trở lại vào năm 1986, công viên này cũng chỉ tồn tại đến năm 1999 trước khi nó cuối cùng cũng lại bị bỏ hoang một lần nữa.

Công viên đã bị phá hủy vào năm 2006, nhưng một người đàn ông tên là Bill Edwards đã chụp rất nhiều hình ảnh cho thấy một cô bé 6 tuổi trong bộ váy trắng nhìn chằm chằm vào camera với khuôn mặt nghiêm túc, thờ ơ ở lối vào.

Nơi này đang bị bỏ hoang và dần dần bị tự nhiên xâm lấn. Công viên càng thêm rùng rợn do tọa lạc gần khu vực lò phản ứng hạt nhân bị tan chảy ở Fukushima, và quanh năm luôn bị mây mù che phủ.

Nhà thờ Sedlec – Cộng Hòa Séc

Sedlec là nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 14, theo kiểu kiến trúc Gothic. Tọa lạc ở ngôi làng cùng tên thuộc ngoại ô Kutna Hora, Cộng hòa Séc, nhà thờ Sedlec nằm ngay bên cạnh nghĩa trang “Nhà thờ các vị Thánh”. Theo thời gian, cùng với sự gia tăng dân số trong làng, diện tích nghĩa trang trở nên quá chật chội, và từ đó, tầng hầm của nhà thờ được tận dụng để chứa các bộ hài cốt khai quật từ những ngôi mộ cũ nhằm để dành chỗ cho những “cư dân” mới tại nghĩa trang.

Năm 1870 gia đình Schwarzenberg đã mua lại nhà thờ và thuê Frantisek Rint (thợ chạm khắc gỗ) đến để sắp xếp các bộ xương lại cho trật tự, bắt đầu từ đây nhà thờ Sedlec trở nên nổi tiếng.

Bằng bộ óc sáng tạo vĩ đại, cách bố trí, phối hợp cực kỳ tinh tế và táo bạo, Rint đã tạo ra những “kiệt tác xương người” độc đáo có một không hai, khiến người xem vừa rợn tóc gáy, vừa phải nể phục.

Có từ 40.000 đến 70.000 bộ hài cốt được trưng bày tại Sedlec: Từ đầu lâu, xương bánh chè đến những mảnh xương sườn được sắp xếp, bài trí thành những hình ảnh, biểu tượng sống động.

Với vẻ bề ngoài không quá nổi bật, nhưng “nội thất” bên trong lại được chế tác hoàn toàn từ xương người đã làm cho nhà thờ Sedlec trở nên khác thường và nổi tiếng khắp thế giới. Mỗi năm có hơn 200.000 du khách đến đây tham quan để được trải nghiệm cảm giác sợ hãi đầy thú vị.

Rừng tự sát – Nhật Bản

Tọa lạc dưới chân núi Phú Sĩ, rừng Aokigahara rộng 35 km2. Khu rừng quanh năm lá phủ rậm rạp nên người ta còn gọi nơi này là “biển cây”. Trong rừng, rất nhiều hang động là điểm đến thú vị cho du khách như động Băng và động Gió. Tuy nhiên, mọi người thường gọi Aokigahara bằng một tên khác, khu rừng tự sát.

Thống kê tỷ lệ tự sát tại Aokigahara thường dao động bởi rừng quá rậm rạp. Nhiều thi thể không được tìm thấy trong nhiều năm trời, thậm chí mất tích mãi mãi. Tuy nhiên, theo ước tính, khoảng 100 người đã tự tử ở đây mỗi năm.

Nhiều hiện tượng kỳ dị xảy ra khiến người dân địa phương tin rằng khu rừng này bị ma ám. Linh hồn các nạn nhân của hủ tục ubasute và oyasute muốn trả thù nên đã mời gọi con người tiến vào vùng rừng đen tối, thôi thúc mọi người tự sát.

Tình trạng đáng báo động đến mức người ta phải dựng những tấm bảng đề lời khuyên như “Cuộc sống rất quý giá” và “Hãy nghĩ đến gia đình”.

Nếu có ý định khám phá khu rừng, bạn phải chuẩn bị thật chu đáo. Các trầm tích sắt trong đất núi lửa mang từ trường làm nhiễu sóng di động, các thiết bị định vị GPS. Thậm chí, la bàn cũng bị ảnh hưởng.