Tìm hiểu cách các quốc gia xác định không phận bay
Không phận là gì?
Không phận quốc tế là khoảng không gian bao trùm trên biển cả, châu Nam Cực và những vùng không thuộc chủ quyền của quốc gia.
Phương tiện bay của các quốc gia đều được hưởng quyền tự do bay trên không phận quốc tế nhưng phải tuân thủ các quy định bay của luật hàng không quốc tế.
Giới hạn chiều cao không phận bay các quốc gia
Vùng trời quốc gia là vùng không phận thuộc chủ quyền của quốc gia, bao gồm vùng không phận phía trên toàn bộ lãnh thổ đất liền, nội thủy và lãnh hải của một quốc gia. Giới hạn theo chiều dọc của vùng trời quốc gia là một mặt cắt dọc theo đường biên giới trên đất liền và trên biển. Vùng trời quốc gia sẽ bao gồm toàn bộ khoảng không đến giới hạn ngoài của khí quyền trái đất – nơi bắt đầu của không gian vũ trụ, được điều chỉnh bởi các quy định khác.
Biên giới trên trời của một quốc gia về cơ bản được xác định theo biên giới đất liền và hải giới nước đó. Không có điều lệ về việc giới hạn chiều cao vùng trời của một quốc gia, song thông thường, không phận được xác định theo độ cao tối đa của máy bay dân dụng là 10-12 km và máy bay quân sự ở khoảng 21 km. Ở độ cao từ 100 km so với mặt nước biển, bầu khí quyển trở nên quá loãng để cung cấp đủ lực nâng cho các máy bay thông thường duy trì hành trình. Vì thế, Liên đoàn Hàng không Quốc tế cũng xác định vùng trời từ 100 km trở lên được xem như vùng không gian.
Quyền kiểm soát không phận bay
Với chủ quyền hoàn toàn và độc quyền, quốc gia có thể có thẩm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp với mọi hoạt động trong vùng trời quốc gia, trừ trường hợp có quy định khác trong luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động trong vùng trời này đều cần phải được sự đồng ý của quốc gia có chủ quyền, bao gồm cả việc bay vào, bay ra và bay ngang qua của các máy bay quân sự và dân sự. Việc thực hiện các chuyến bay trên vùng trời quốc gia bởi các máy bay thuộc hay được kiểm soát bởi một quốc gia khác mà không được sự cho phép của quốc gia có chủ quyền sẽ vi phạm trực tiếp nguyên tắc tôn trọng chủ quyền lãnh thổ.
Trong không phận của mình, quốc gia có quyền tự do quyết định ai được phép và không được phép bay qua. Quốc gia có quyền cấm hoặc hạn chế các chuyến bay qua lãnh thổ của mình. Ngoài ra, quốc gia này cũng có nghĩa vụ đảm bảo an ninh cho các tàu bay mà họ đã cho bay ngang qua lãnh thổ của mình, ví dụ, cho phép chúng hạ cánh để bảo dưỡng hay xử lý sự cố.
Chủ quyền vùng trời không thể được chuyển giao hoặc cho đi, nhưng quyền kiểm soát không phận có thể được uỷ quyền. Đất nước Liechtenstein nhỏ bé đã uỷ quyền vùng trời của mình cho láng giềng Thuỵ Sĩ.
Trả phí khi bay qua vùng trời nước khác
Thông thường, các hãng hàng không phải trả một khoản phí để bay ngang qua các quốc gia khác. Hầu hết các quốc gia đều cho “thuê” vùng trời nhất định cho các hãng hàng không nước ngoài, cho phép họ bay qua. Các hãng đôi khi chọn đường bay dài hơn để tránh bị tính phí cao, song trên thực tế việc này khó hơn tưởng tượng, do không phận của một quốc gia có thể lớn hơn diện tích đất liền vì liên quan đến các hòn đào, ví dụ, không phận Mỹ kéo dài tận Philippines.
Một số quốc gia cũng cung cấp thêm dịch vụ kiểm soát không lưu. Không có phí tiêu chuẩn quốc tế chung cho dịch vụ này. Tại Canada, phí này dựa trên trọng lượng của máy bay và khoảng cách di chuyển trong khi tại Mỹ, phí chỉ dựa trên độ dài hành trình.
Không phận quốc tế
Vùng trời bên ngoài ranh giới ngoài của lãnh hải được xem là không phận quốc tế. Công ước Geneva về Biển cả năm 1958 và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đều công nhận quyền tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và trên biển cả.
Công ước Chicago quy định trên vùng trời phía trên biển cả các quy định liên quan đến hàng không sẽ được ghi nhận trong Công ước này. Nói cách khác quyền tự do hàng không, ít nhất trong lĩnh vực hàng không dân dụng, sẽ được quy định chi tiết trong Công ước. Với 191 quốc gia thành viên, những quy định trên có thể là nguồn duy nhất và đã hình thành quy định tập quán quốc tế.
Vùng trời không thuộc về quốc gia nào như trên Nam Cực hoặc đại dương được coi là không phận quốc tế. Bất kỳ ai cũng có thể bay ngang qua đó, song phải tuân thủ luật hàng không quốc tế.