Những món chè độc lạ có 1 – 0 – 2 tại Việt Nam
Chè trứng gà trà
Chè trứng gà trà tàu từ lâu đã được “tín đồ ăn vặt” xếp vào những món ăn độc lạ của đất Sài Thành. Chè có hương thơm, vị đắng của trà tàu hòa cùng cái mềm, béo của trứng gà tạo nên một sự kết hợp là lạ, độc đáo và khác biệt với các loại chè thông thường. Trứng gà có vị tanh, thường để chế biến các món mặn, làm bánh nhưng để nấu chè thì ít ai nghĩ đến. Nhưng qua một công thức chế biến khéo léo món chè độc lạ này ra đời và thu hút rất nhiều thực khách khi đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Chè trứng gà trà tàu là một món ăn rất nổi tiếng của người Hoa (Trung Quốc), giúp an thận, bổ phổi, đẹp da, thanh giọng. Theo thời gian, món ăn này du nhập vào Sài Gòn và ngày càng trở nên phổ biến. Chị Phùng Hà, chủ quán Hà Ký nổi tiếng với món chè này, trên đường Châu Văn Liêm, quận 5, TPHCM cho biết, chế biến món chè trứng gà khá đơn giản.
Trứng gà sau khi luộc chín, gõ nhẹ vào đầu trứng cho vỏ hơi nứt, rồi cho vào nồi nước trà tàu, luộc thêm 2 tiếng trong lửa nhỏ. Trong suốt quá trình luộc không được mở nắp nồi. Hết 2 tiếng, bóc sạch vỏ trứng, tiếp tục cho trứng vào nồi trà tàu nấu thêm khoảng 10 phút, sau đó thêm đường, hương liệu gia truyền là đã có thể có món chè trứ danh.
Chè củ năng trứng gà
Chè của người Hoa ngoài ngon miệng còn có tác dụng giúp thanh nhiệt cơ thể, giải độc mát gan. Chẻ củ năng trứng gà là món chè nóng, thường bán ở các hàng của người Hoa ở quận 5, quận 11, TP HCM. Món chè còn được gọi là súp ngọt vì trông như bát súp có trứng cút, trứng gà đánh tan nấu với bột năng sền sệt và có vị ngọt.
Món chè chế biến đơn giản, nước lọc pha đường phèn nấu sôi trên lửa nhỏ rồi cho trứng gà đã luộc chín, củ năng cắt hạt lựu vào nồi và nêm nếm vừa miệng. Khi chè đã sôi, củ năng đã chín thì cho thêm bột năng hòa nước, lòng trắng trứng vào nồi rồi khuấy đều. Món chè thưởng thức nóng, cảm nhận vị ngọt thanh của đường phèn, giòn sật của củ năng và béo ngậy của trứng luộc, nếu để nguội có thể có mùi tanh của trứng.
Chè trứng vịt đậu xanh
ũng như chè đậu xanh, chè hột vịt được thực hiện khá đơn giản: Đậu xanh vo sạch, cho vào nồi đun trên bếp lửa riu riu. Khi thấy đậu xanh có chất nhựa (nhừ) thì cho đường cát trắng vào. Hớt bọt nhiều lần đến khi thấy nồi chè sôi, nổi bong bóng thì cho hột vịt vào.
Để món ăn ngon hơn, người ta thực hiện công đoạn cho hột vịt vào nồi một cách khá công phu: dùng dao nhỏ, bén chặt thật nhẹ, thật khéo chính giữa hột vịt. Nhẹ tay tách vỏ, từ từ trút hột vịt vào nồi chè.
Làm như vậy, hột vịt được giữ nguyên vẹn hình thể khi đã chín. Nếu không xử lý khéo như vậy, thì hột vịt khi cho vào nồi sẽ trở thành một thứ “hỗn tạp”, tròng trắng và tròng đỏ trộn lẫn vào nhau, vừa không đẹp mắt vừa mất ngon. Xử lý xong hết số hột vịt đủ dùng cho nồi chè, người ta mới cho phổ tai đã ngâm nở, xắt sợi và gừng xắt sợi vào. Nồi chè sôi vài dạo thì nhấc xuống, múc ra bát.
Tuy công thức nấu loại chè này có vẻ ngược đời, nhưng khi thưởng thức thì rất ít người… chê. Chè hột vịt có mùi thơm của đậu xanh, vị ngọt của chè, vị béo của hột vịt tạo nên một hương vị “lạ” đặc sắc.
Chè bột lọc heo quay
Đây là món chè gợi nhớ xứ Huế mộng mơ, ngày trước, món thường xuất hiện vào các dịp giỗ chạp, tiệc của gia đình người Huế vì món heo quay luôn có trong mâm cỗ. Một phần thịt đùi heo được cắt hạt lựu, trộn đường phèn, thêm nước rồi đem rim cho ngấm vị và phơi bóng râm để thịt trong, sau đó mới trộn ít ngũ vị hương vào thịt để có mùi thơm và đem làm nhân của viên bột lọc nấu chè.
Món ăn lẫn hai vị mặn ngọt của thịt quay mặn nằm trong miếng bột lọc dẻo dai, kết hợp với vị đường cát ngọt thanh, thoảng nhẹ hương gừng, béo của đậu phộng làm thực khách “xiêu lòng”.