Ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của rừng tràm Trà Sư dưới ánh hoàng hôn

Rừng Trà Sư (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) gây ấn tượng với sắc vàng lấp lánh của ánh nắng chiều tạo nên khung cảnh nên thơ. Trà Sư được ví như tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ bàn tay tạo hóa. Nếu bạn đang cảm thấy mỏi mệt và cần một buổi chiều thư giãn, đắm mình trong không gian yên bình của ánh hoàng hôn thì đến với rừng tràm Trà Sư sẽ là một gợi ý.

Hòa mình cùng thiên nhiên tươi đẹp

Rừng tràm Trà Sư An Giang là khu rừng ngập nước mang đậm nét thiên nhiên hoang dã, đặc trưng của miền Tây. Với diện tích khoảng 845 ha, đây là nơi trú ngụ của nhiều loài động thực vật quý hiếm của thuộc hệ thống rừng đặc dụng tại Việt Nam. Hiện nay đây là địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng ở An Giang, thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan mỗi năm.

Trà Sư thu hút du khách bởi hương đồng cỏ nội, những điều chân phương. Chẳng ồn ào, náo nhiệt, về Trà Sư, du khách có thể tận hưởng những ngọn gió mát của rừng, lắng nghe hương thơm dược liệu thoang thoảng từ hoa tràm, tận mắt thấy “kỳ hoa dị thảo” của đất Phương Nam. Thưởng lãm phong cảnh sơn thủy lúc hoàng hôn, hòa mình vào thiên nhiên và thưởng thức những sản vật đồng quê mà tạo hóa đã ban tặng cho khu rừng có tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long, mang lại trải nghiệm khó quên cho du khách.

Giải thích tên gọi “Trà Sư”

Nhiều du khách không khỏi thắc mắc tên gọi “Trà Sư” khi khám phá khu rừng độc đáo này. Rừng tràm Trà Sư là tên gọi của khu rừng trồng rất nhiều cây tràm, nằm gần khu vực núi Trà Sư ở An Giang. Tên gọi Trà Sư được nhiều người cho rằng có nghĩa là ông thầy tu. Từ “trà” là biến âm của từ “tà” – có nghĩa là ông trong tiếng Khmer. Từ “Sư” được hiểu theo nghĩa Hán Việt là ông thầy tu. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng “Trà Sư” có ý nghĩa là 1 ông sư (thầy chùa) có tên là Trà.

Con đường nước mênh mang ôm trọn cánh rừng già nằm giữa thiên nhiên. Vi vu theo gió thuyền nan nhẹ lướt, chẳng mấy chốc du khách đã lạc vào miền cảnh sắc non nước. Trên đường đi vãn cảnh, bạn có thể bắt gặp thảm bèo nhung phản chiếu trong ánh nắng chiều giữa sóng nước đại ngàn Trà Sư. Đứng sừng sững là những bóng cây tràm cổ thụ của cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước, có cây nghiêng đổ hẳn như mái tóc xõa buông dài của thiếu nữ.

Chim rừng như những “nhạc sĩ” tạo nên nhưng bản hòa tấu của thiên nhiên. Tiếng chim hót có cung bậc trầm bổng, nhịp nhàng, có lúc hòa vào nhau, có lúc tách riêng ra, cả một bản ca đa âm sắc hòa cùng cảnh rừng núi trong nắng chiều. Xa xăm vọng về thứ âm thanh du dương như “khúc hát hoàng hôn” tạo nên nét đặc trưng ở Trà Sư.

Vẻ đẹp của rừng trà cùng hoàng hôn

Ráng chiều cứ thế phủ cả khu rừng là lúc du khách có thể cảm nhận rõ nhất sự êm ả, thanh bình. Trong sự chuyển mình của hoàng hôn, đàn cò bắt đầu bay về chấp chới trên những ngọn tràm. Khi ráng chiều càng sẫm đỏ, đàn cò càng đông đúc trú ngụ trên rặng cây trắng xóa một vùng khiến nhiều người thích thú ngắm nhìn.

Những cánh cò nghiêng bay về gợi bao nhiêu cảm xúc cho du khách và nhiếp ảnh gia sẽ không thể nào bỏ lỡ khoảnh khắc bình yên này. Du khách cũng có thể trèo lên tháp canh dùng kính viễn vọng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoàng hôn từ trên cao với hàng vạn chú chim con cò bay về tổ như tấm lụa trắng phủ trên nền rừng xanh.

Hoàng hôn trải dài hiện lên như một chiếc gương lớn soi rọi cả khu rừng trùng điệp, những đám mây màu vàng vần vũ trên bầu trời khi nắng chiều buông. Không ít du khách đến Trà Sư chỉ một lần cũng thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp thiên nhiên, khúc nhạc của khu rừng. Tận hưởng không gian xanh nơi đây khiến tinh thần thư thái biết bao, lắng nghe âm thanh nội tại từ tâm hồn mình để có nhân sinh quan tích cực.