Khám phá món ăn Lẩu cá Tầm – Đặc sản nức tiếng tại Lào Cai
Đến Sa Pa, Y Tý hay bất kỳ nơi nào khác của Lào Cai, du khách đều có thể dễ dàng thưởng thức món lẩu cá tầm nổi tiếng. Đây là món ăn phù hợp giữa thời tiết se lạnh vào buổi tối của vùng cao. Cùng Focus Asia Travel khám phá món ăn đặc biệt này nhé.
Nguồn nguyên liệu cá tầm tươi ngon
Sapa nằm ở độ cao 1.600m trên mực nước biển, sở hữu bầu không khí mát lạnh quanh năm, mùa đông có nơi nhiệt độ còn có thể ở mức dưới 0 độ C, là điều kiện rất tốt để cho cá tầm sinh trưởng và phát triển. Cá Tầm có thân hình ống, thuộc loài cá xương sụn, da dày, không vảy và có màu sắc thay đổi tùy thuộc vào môi trường sống, độ tuổi.
So với năm 2005, năm đầu tiên thử nghiệm nuôi cá tầm tại Sapa, thì hiện nay đã có trên 1,7 ha nuôi với khoảng 30 cơ sở. Người dân Sapa thường nuôi cá Tầm ở những vùng nước có dòng chảy mạnh và lạnh. Họ thường chắn nước ở những con suối để xây hồ nuôi cá, không nuôi trong ao tù, do vậy mà nước luôn đảm bảo sạch, không bị nhiễm bệnh. Nhiệt độ nước càng xuống thấp, cá Tầm sẽ càng có điều kiện để phát triển mạnh hơn.
Bí quyết tạo nên lẩu cá tầm
Theo các đầu bếp lành nghề, thứ khiến món ăn trở nên hấp dẫn chính là cá. Cá tầm được chế biến phải là những con cá tươi, mắt trong, vảy cá còn dính chặt vào thân khi mới mua về. Thân cá phải bóng khỏe, màu sắc tươi sáng, mang cá hồng và thịt cá phải có độ đàn hồi tốt.
Sau khi sơ chế bằng cách bỏ ruột và mang, đầu bếp sẽ dùng muối, giấm chà xát khắp mình cá khoảng vài phút rồi rửa sạch, để ráo nước. Tiếp đến, cá được cắt thành các khoanh vừa ăn để thả vào nồi lẩu.
Nước dùng ngon cũng là thứ giúp một quán ăn bán lẩu trở nên hút khách. Nước lẩu đạt chuẩn phải trong, ngọt, chua và thơm mùi dứa cùng các loại gia vị khác. Tại khu vực lên đỉnh Cồ San, thay vì dùng mì tôm để ăn lẩu, thực khách sẽ được phục vụ một loại miến làm từ củ mài của người dân địa phương. Loại miến này to bằng ngón tay út, và thường phải thả trong nước dùng hơn 10 phút mới có thể ăn. Đổi lại, món ăn dai dai sần sật, thẫm đẫm mùi vị chua cay ngọt của nước lẩu và được thực khách yêu thích.
Thưởng thức lẩu cá tầm đúng chuẩn
ón lẩu cá Tầm thường được ăn kèm với các loại rau rừng. Người dân Sapa thường vào rừng hoặc lên nương hái các loại rau ăn kèm lẩu phải kể đến như: cả mèo, bắp sú, đọt su hào, rau su su, nấm rừng….Ngoài nấm kim châm, rau cần, cà chua, bắp cải ăn kèm, lẩu cá tầm Lào Cai còn có thêm rau cải mèo và các loại rau mọc trên núi, được bà con hái về để ăn kèm. Những loại rau này có vị đắng, ăn giòn, rất hợp với ăn lẩu. Cá tầm ngoài nấu lẩu, các nhà hàng còn chế biến thành các món ăn khác như rang muối, chiên giòn hay nấu cháo.
Nhờ khí hậu mát lạnh và nguồn nước sạch từ khe núi, cá tầm được nuôi nhiều ở Sa Pa (Lào Cai). Thịt cá tầm Sa Pa có màu hồng nhạt, chắc. Cá tầm thường được nhiều nhà hàng chế biến thành món lẩu nóng hổi. Nước dùng lẩu cá tầm có vị chua cay đậm đà. Ngoài thịt cá tầm phi lê, đồ nhúng không thể thiếu các loại rau như cải xoong, cải mèo, cải thảo, mùng tơi, su su, thì là. Mỗi nồi lẩu có giá trung bình khoảng 300.000-600.000 đồng, phù hợp nhóm 3-6 người ăn.