Tránh dịch virus Covid-19, Campuchia hủy bỏ mừng Tết cổ truyền

Trên thế giới, các nước đang rơi vào trạng thái phức tạp trước dịch bệnh Covid-19 và Đông Nam Á cũng vậy. Để nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng và nhanh, Campuchia đã hủy bỏ mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.

Ngày 7/4, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố hủy bỏ việc ăn mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay từ ngày 13-16/4. Động thái nằm nhằm hạn chế việc người dân đi lại và tụ tập ăn mừng, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus từ người sang người.

Mọi hoạt động ăn mừng dịp Tết Chol Chnam Thmay đều bị hủy bỏ. Các cơ quan chính phủ và công ty tư nhân tiếp tục làm việc bình thường. Những ngày nghỉ Tết bị hủy sẽ được bù lại khi hết dịch.

Cùng với tuyên bố của thủ tướng Campuchia, Ủy ban Nhà sư Campuchia cũng đưa ra thông báo tất cả ngôi đền trong nước sẽ hủy bỏ mọi hoạt động mừng năm mới. Cơ quan này kêu gọi người dân tuân thủ khuyến cáo không ra đường của chính phủ. Thay vì cúng dường cho các bậc cao tăng, người dân có thể ở nhà biếu cha mẹ thức ăn, và cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho sức khỏe tốt.

Tránh dịch virus Covid-19, Campuchia hủy bỏ mừng Tết cổ truyền

Ly Chan, một người dân 59 tuổi, cho biết: “Các ngôi chùa có không gian rộng lớn là nơi mọi người tập trung nhảy múa và chơi các trò dân gian. Tuy nhiên, sẽ khó kiểm soát những đám đông vì chúng tôi không biết ai nhiễm virus, ai khỏe mạnh“.

Chol Chnam Thmay (hoặc Chaul Chnam Thmay) là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. Lễ Chôl Chnam Thmay cũng là những ngày Tết của Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, Sri Lanka. Ngoài tôn giáo chính là Phật giáo, người Khmer còn tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời (Têvôđa) được sai xuống để chăm lo cho cuộc sống và con người trong năm đó, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới.

Tết Chol Chnam Thmay kéo dài 3 ngày (13 – 15/4 hàng năm). Trong ba ngày này, người dân thường đi lễ chùa cầu mong một năm mới thanh bình và thịnh vượng. Họ mang hoa tươi, đồ lễ lên chùa nghe giảng kinh từ sáng sớm, rồi thực hiện nghi thức tắm Phật, cắm cờ hoa lên bảo tháp bằng cát và đổ ra đường phố, lấy nước tạt nhau chúc mừng năm mới.

Thay cho lời chúc may mắn đầu năm, người dân Campuchia sẽ tưng bừng chào đón năm mới với nghi thức dội nước lên người nhau. Bất kể người lớn, trẻ em, khách du lịch, không phân biệt màu da, ai nấy đều hòa vào màn té nước vui nhộn trong tình thân ái.

Không khí náo nhiệt, đèn hoa sáng rực từ các ngôi chùa kéo dài đến các nẻo đường dẫn đến Hoàng Cung. Thủ đô Phnôm Pênh treo đèn kết hoa lộng lẫy. Người dân và du khách đổ ra đường tham gia vào các hoạt động lễ hội đường phố lễ té nước, bôi bột màu, đốt đèn trời, đốt ông lói, đánh quay lửa…

Tết cổ truyền Campuchia đặc biệt nhất là các điệu múa Apsara quyến rũ, cùng các món ăn truyền thống đậm hương vị Khmer dùng chung với rượu thốt nốt thơm lừng. Đến Campuchia dịp này, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng kỳ quan Angkor vĩ đại nguy nga, thành cổ Angkor Wat với những ngọn tháp chọc trời…

Sau lễ hội té nước buổi sáng, người dân và du khách chìm đắm trong ánh hoàng hôn dịu dàng trên đỉnh đồi Bakheng, và thưởng thức chương trình ca múa nhạc truyền thống của người Khmer… khi đêm về.

Xem thêm: Cảnh đẹp ở những quốc gia ít dân nhất thế giới

Tuy nhiên năm nay Campuchia hủy bỏ mừng dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, không có không khí náo nhiệt, không có nhiều hoạt động tụ tập đón mừng, tất cả đều được khuyến cáo ở nhà hoặc lao động bình thường, giữ khoảng cách an toàn và thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa Covid-19.

Số liệu sáng ngày 10/4 ghi nhận Campuchia có 119 bệnh nhân dương tính với nCoV, trong đó có 72 trường hợp đã hồi phục, chưa có trường hợp nào tử vong.