Top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam đang đợi bạn khám phá
Nếu như các anh em miền Nam có thể dễ dàng tới những địa điểm hot như Đà Lạt hay Phú Quốc,… thì mọi người ngoài Bắc lại có cơ hội trekking Top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam đơn giản hơn. Không những thuận tiện về đường đi, các bạn này còn dễ thích nghi với khí hậu trên núi. Tuy nhiên, không vì thế mà những ai ở miền Bắc được phép chủ quan và trong Nam thì không thể chinh phục. Vậy 10 ngọn núi này ở đâu và có gì thú vị? Note lại ngay vài cái tên vào kế hoạch năm nay của mình bạn nhé.
1. Fansipan – Lào Cai (3.143m)
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta đã quá quen thuộc với nóc nhà Đông Dương – Fansipan. Mặc dù là ngọn núi cao nhất Việt Nam nhưng quá trình trekking nơi này lại không quá khó. Đặc biệt, ngay cả những người có sức khỏe yếu cũng có cơ hội chinh phục cột mốc 3.143m một cách dễ dàng, nhờ hệ thống cáp treo hiện đại. Để leo núi Fansipan, bạn có thể lựa chọn tuyến đường từ Cát Cát (3N2Đ). Hoặc giống như đa số mọi người đi theo hướng Trạm Tôn (2N1Đ).
Giá vé cáp treo Fansipan tính tới tháng 01/2021, cụ thể là:
- Người lớn và trẻ em cao trên 1.4m: 750.000VNĐ (Người Lào Cai: 550.000VNĐ)
- Trẻ em cao từ 1 – 1.4m: 550.000VNĐ (Người Lào Cai: 350.000VNĐ)
- Trẻ em cao dưới 1m: miễn phí
Còn đối với các trekker, các bạn sẽ phải nộp tổng cộng 190.000VNĐ/ngày cùng CMT cho Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn để xin giấy phép trekking nơi này.
2. Pu Si Lung – Lai Châu (3.083m)
Pu Si Lung là một trong những nơi xa tận cùng phía Tây Bắc nước ta. Ngọn núi đứng thứ 2 Việt Nam cao 3.083m, thuộc địa phận huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Nằm tiếp giáp với Trung Quốc, Pu Si Lung sừng sững như bức tường thành tự nhiên khổng lồ bảo vệ cho tổ quốc thân yêu. Có lẽ chính bởi thế mà quãng đường trekking “nóc nhà biên giới” này lại khó nhằn tới vậy. Để chinh phục ngọn núi này, bạn phải xin giấy phép của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh làm thủ tục. Sau đó, nộp lại giấy này cho trạm biên phòng Pa Vệ Sử để được phép leo núi nhé.
3. Pu Ta Leng – Lai Châu (3.049m)
Trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, có tới 7 đại diện đến từ Lai Châu. Và vị trí thứ 3 cũng là một cái tên của mảnh đất này – Pu Ta Leng với độ cao 3.049m. Nhờ vào sự ưu ái từ thiên nhiên, “người đẹp” này luôn biết cách lôi cuốn lữ khách với thảm thực vật phong phú cùng khung cảnh tuyệt vời của mình. Thời điểm thuận lợi nhất để trekking Putaleng là từ tháng 11-12 hoặc tháng 3-5 hàng năm.
4. Bạch Mộc Lương Tử – Lai Châu + Lào Cai (3.046m)
Bạch Mộc Lương Tử hay còn gọi là Kỳ Quan San nằm ở độ cao 3.046m so với mực nước biển. Ngọn núi cao thứ 4 Việt Nam là “tài sản” chung của hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Cụ thể là ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Do đó, bạn có thể trekking nơi này từ cả hai hướng. Nếu đi theo phía Lào Cai thì không cần có giấy phép. Nhưng bên Lai Châu thì phải có. Vì thế, bạn có thể cân nhắc xem đi theo đường nào nhé.
5. Khang Su Văn – Lai Châu (3.012m)
Khang Su Văn thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu và là ngọn núi cao thứ 5 Việt Nam. Do nằm tiếp giáp với biên giới Việt – Trung nên nơi đây là vị trí hành chính quan trọng. Vì thế, bạn sẽ phải xin giấy phép để trekking Phàn Liên San. Hành trình chinh phục đỉnh núi hơn 3.000m này được dự báo không hề dễ dàng. Nhưng lại rất đáng giá với vô số cảnh đẹp từ các loài hoa cùng thảm thực vật phong phú. Đặc biệt hơn, trong chuyến đi này bạn sẽ có cơ hội check-in với cột mốc biên giới số hiệu 79 cao nhất nước ta.
6. Tả Liên Sơn – Lai Châu (2.996m)
Ngọn núi cao thứ 6 Việt Nam – Tả Liên Sơn thuộc địa phận xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Tới với cuộc chinh phục ngọn núi 2.996m này, bạn sẽ phải ngỡ ngàng với cánh rừng phong rực đỏ cả góc trời hay những khu rừng nguyên sinh bám đầy rêu phong. Từng tán cây cổ thụ đan xen, mọc nghiêng ngả khiến cho khung cảnh trở nên hết sức kì bí và huyền ảo.
7. Tà Chì Nhù – Yên Bái (2.979m)
Tà Chì Nhù hay còn gọi là Chung Chua Nhà hoặc Phu Song Sung là ngọn núi cao thứ 7 Việt Nam. Với những con dốc dựng đứng cao ngất, cộng thêm địa hình trống lộng gió, cuộc chinh phục đỉnh núi cao 2.979m thu hút đông đảo các trekker đam mê thử thách từ khắp nơi đổ về. Để bắt đầu trekking Tà Chì Nhù, bạn phải tới huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái và dành thời gian khoảng 3 – 4 ngày nếu khởi hành từ Hà Nội.
8. Pờ Ma Lung – Lai Châu (2.967m)
Đỉnh núi cao thứ 8 Việt Nam – Pờ Ma Lung còn có tên gọi khác là Bạch Mộc Lương hoặc Bạch Long hay Bức Tường. Tuy được đặt rất nhiều tên nhưng trên thực tế, Pờ Ma Lung được khai phá chưa quá lâu và là một trong những nơi phải tốn nhiều thời gian nhất để chinh phục. Để trekking ngọn núi 2.967m này, bạn phải tới bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
9. Nhìu Cồ San – Lào Cai (2.965m)
Đỉnh Nhìu Cồ San thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đứng thứ 9 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam nhờ độ cao 2.965m so với mực nước biển. Với thảm thực vật đa dạng trải dài từ chân núi lên tới đỉnh, cùng thác Ong Chúa kì vĩ và bãi thả dê siêu đẹp, địa điểm này hứa hẹn là một nơi tuyệt vời để bạn có thể quên đi những mệt mỏi nơi phố thị mà thoải mái thả hồn, đắm chìm trong thiên nhiên. Thời gian thích hợp trekking Nhìu Cồ San là từ tháng 11-5 hằng năm.
10. Chung Nhía Vũ – Lai Châu (2.918m)
Đỉnh núi cuối cùng trong bảng xếp hạng lại là một cái tên đến từ mảnh đất Lai Châu – Chung Nhía Vũ. Từ khi được khai phá, “tân binh” mới thuộc xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ này đã đẩy Lùng Cúng xuống vị trí phía dưới. Hành trình trekking ngọn núi 2.918m tuy không quá vất vả nhưng cần phải có giấy phép từ trạm biên phòng Nậm Xe.
Trên đây là toplist 10 đỉnh núi cao nhất nước ta. Mong rằng, qua những thông tin Focus Asia Travel chia sẻ vừa rồi sẽ giúp bạn chọn được điểm đến phù hợp với tính cách của mình. Xin chúc bạn sẽ có một chuyến đi an toàn và thật vui vẻ nhé.