Kinh nghiệm trekking Nhìu Cồ San cập nhật mới nhất 2021

Rời xa xô bồ nơi phố thị, hành trình trekking Nhìu Cồ San là chuyến đi “F5” hiệu quả cho những tâm hồn đang thiếu một liều vitamin “thiên nhiên” hàng xịn. Cảnh đẹp nên thơ, thời tiết se lạnh, độ khó vừa tầm là những gì lý tưởng của một chuyến đi ngắn ngày cuối tuần. Nếu bạn đang kiếm tìm địa điểm như vậy thì còn chần chừ gì mà không tham khảo ngay bài viết dưới đây nào.

Nhìu Cồ San ở đâu?

Nhìu Cồ San là tên gọi do người dân bản địa đặt cho ngọn núi có hình dáng như cái sừng trâu ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Với độ cao 2.965m so với mặt nước biển, đây là ngọn núi cao thứ 9 của Việt Nam. Vừa lắm cảnh đẹp lại không quá gian nan, Nhìu Cồ San là địa điểm quen thuộc của giới treker trong những năm gần đây. 

Nhìu Cồ San ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

Nhìu Cồ San ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

Nên chinh phục Nhìu Cồ San vào thời điểm nào?

Thời gian tuyệt vời nhất để chinh phục Nhìu Cồ San là từ tháng 1 tới tháng 5. Lúc này trời thường ít mưa. Hơn nữa, rất dễ chịu và mát mẻ, thuận lợi cho hành trình leo núi. Ngoài ra vào các tháng 11 và 12, bạn cũng có thể tới đây. Mặc dù lạnh thấu xương nhưng đổi lại sẽ có cơ hội ngắm tuyết rơi, cùng khung cảnh tráng lệ khi cả cánh rừng phủ trong sương giá.

Ngoại trừ mùa hè, các tháng còn lại bạn đều có thể cân nhắc trekking Nhìu Cồ San

Ngoại trừ mùa hè, các tháng còn lại bạn đều có thể cân nhắc trekking Nhìu Cồ San

Cũng bởi điều kiện khắc nghiệt như vậy nên bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh gặp nguy hiểm. Đặc biệt những ai không có kinh nghiệm trekking thì nên đợi đến khi thời tiết ấm hơn. Còn 5 tháng mùa hè từ tháng 6 – 10, trời mưa nhiều dẫn đến đường trơn trượt, bùn lầy. Vì thế để bảo đảo an toàn, tốt nhất bạn nên lựa chọn các địa điểm du lịch khác. 

Cách di chuyển tới Nhìu Cồ San

Chặng 1: Hà Nội – Sapa

Ở chặng đường đầu tiên, bạn có thể lựa chọn xe khách để tiết kiệm thời gian và sức lực. Đây là phương tiện di chuyển phổ biến nhất và có nhiều chuyến vận hành. Đối với những bạn thích trải nghiệm tàu hỏa thì sẽ phải bắt thêm một chuyến bus lên thị trấn. Bởi vì tàu chỉ dừng lại ở ga Lào Cai. 

Bạn nên đi xe khách đêm để tới Sapa

Bạn nên đi xe khách đêm để tới Sapa

Chặng 2: Sapa – Bản Nhìu Cồ San

Từ trung tâm thị trấn Sapa, bạn phải thuê xe máy qua đèo Ô Quy Hồ nổi tiếng để đến bản Sàng Ma Sáo. Quãng đường di chuyển khoảng 60km mất tầm 2 tiếng. Thường thì những bạn không đi theo tour leo núi Nhìu Cồ San sẽ hẹn với porter của mình ở cây xăng Sàng Ma Sáo. Để họ làm thủ tục giấy phép, cũng như giúp đỡ cả đoàn vượt qua đoạn đường offroad khó nhằn chả kém gì so với Pha Luông. Đây cũng cung đường phải trải qua cho những bạn muốn trekking con đường đá cổ Pavi.

Kinh nghiệm leo Nhìu Cồ San 2 ngày 3 đêm

Ngày 1: Hà Nội – Sapa 

Giống như đa số mọi người, bạn nên khởi hành từ Hà Nội lên chuyến xe đêm để đến với thị trấn Sapa mù sương. 7 tiếng hành trình vừa tròn một giấc ngủ, đủ để tỉnh táo cho cuộc chinh phục phía trước. Hơn hết, đây là một lựa chọn hợp lý để tối ưu quỹ thời gian của chuyến đi. 

Ngày 2: Sapa – Bản Nhìu Cồ San – Lán nghỉ

Buổi sáng

Qua một giấc ngủ dài trên xe, cả đoàn có mặt tại Sapa khoảng 5h sáng. Sau khi hít thở chút không khí trong lành, tất cả nhanh chóng đi ăn sáng, bổ sung năng lượng. Tiếp đó, mọi người nhận xe đã thuê, kiểm tra lại và bắt đầu cuộc hành trình. 

Nếu đi sớm, bạn sẽ có cơ hội ngắm bình minh trên đèo Ô Quy Hồ. Cảnh tượng tráng lệ ấy là một khởi đầu tuyệt vời cho chặng đường kế tiếp. Sau khoảng hơn 2 tiếng, đoàn có mặt tại cây xăng Sàng Ma Sáo và gặp gỡ porter dẫn đường. Tiếp đó, tất cả di chuyển tiếp đến đồn biên phòng, nộp lệ phí 20.000VNĐ/người và chụp ảnh, làm thủ tục để thông qua. 

Ngắm bình minh trên Ô Quy Hồ sẽ là một khởi đầu hoàn hảo

Ngắm bình minh trên Ô Quy Hồ sẽ là một khởi đầu hoàn hảo

Sau đấy, mọi người lên xe vượt qua quãng offroad dài 7km để vào bản Nhìu Cồ San. Đường đi khá gian nan với nhiều sỏi, đá nằm ngổn ngang, uốn lượn lên xuống. Vì thế, bạn cần bình tĩnh và chắc tay lái. Phải mất kha khá thời gian để đi hết được quãng đường, đoàn dừng chân lại nhà dân để gửi xe và đồ đạc trước khi bước chân vào cuộc hành trình chinh phục Nhìu Cồ San.

Cung đường trekking Nhìu Cồ San được đánh giá không quá khó

Cung đường trekking Nhìu Cồ San được đánh giá không quá khó

Buổi trưa

Có hai cung đường để lên xuống Nhìu Cồ San. Hôm nay, Focus Asia Travel sẽ hướng dẫn bạn đi theo đường qua thác Ong Chúa và về xuống bãi thả dê. Tuy lúc lên có lâu hơn chút nhưng rất đáng giá. Bởi ngọn thác tựa tiên cảnh này có giá vé rất rẻ. Chỉ 20.000VNĐ nhưng đổi lại một khung cảnh quá huyền ảo và kỹ vĩ. 

Thác Ong Chúa tuyệt đẹp

Thác Ong Chúa tuyệt đẹp

Tạm biệt ngọn thác, cả đoàn lại theo porter tiếp tục hành trình. Leo qua đoạn dốc đến non nửa thấm mệt, mọi người dừng lại ở một con suối nhỏ để dùng bữa trưa. Chút xôi hay cơm nắm muối vừng cho chắc bụng, nghỉ ngơi một lúc, tất cả lại lục đục vác balo lên đường.

Buổi chiều tối

Thảm thực vật trên Nhìu Cồ San trải dài khá đa dạng. Dưới chân núi là các đồng cỏ và cây bụi. Lên cao một chút là những khu rừng thảo quả cùng cánh rừng nguyên sinh đầy cây gỗ lớn. Còn phần đỉnh là nơi sinh trưởng của rừng hỗn hợp và cây lá kim. Theo dự kiến, nếu xuất phát từ 9h thì khoảng 4h sẽ tới lán nghỉ. Nhưng nếu đoàn có kinh nghiệm và sức khỏe tốt có thể tới sớm hơn 2 tiếng. Thời gian đó, bạn có thể nghỉ ngơi, dạo quanh lán hoặc lựa chọn lên luôn đỉnh Nhìu Cồ San trong ngày.

Thảm thực vật ở Nhìu Cồ San khá đa dạng

Thảm thực vật ở Nhìu Cồ San khá đa dạng

Khoảng gần 5h chiều là thời điểm hoàng hôn bắt đầu buông lơi xuống Nhìu Cồ San. Lúc này, chỉ cần đứng lẳng lặng ở đấy, ngắm nhìn bầu trời nhuộm dần sắc đỏ, mũi hít hà chút hương thơm nức từ thịt nướng xa xa khiến lòng ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản tới lạ. Thưởng trời, tắm gió chán chê, cả bọn lại quay lại lán dùng bữa tối. Gà nướng, lợn bản chất lượng do đích thân porter trổ tài đã phần nào vỗ về cơ thể rã rời của mọi người. Lán nghỉ ở đây có điện nhưng khá yếu, sau khi ăn xong bạn cũng không nên thức muộn mà hãy đi ngủ sớm để giữ sức nhé.

Món thịt nướng thơm nức do porter trổ tài

Món thịt nướng thơm nức do porter trổ tài

Ngày 3: Lán nghỉ – Đỉnh Nhìu Cồ San – Sapa – Hà Nội

Buổi sáng

Sáng sớm trên núi khá lạnh nhưng vẫn không ngăn được những tín đồ xê dịch thức dậy. Sau khi vệ sinh, mọi người tranh thủ dùng bữa sáng với mì gói và trà gừng hay cà phê nóng. Dù mới tờ mờ 5h sáng nhưng tất cả đã kéo nhau, dùng cả đèn pin lẫn đèn flash điện thoại để trekking nốt quãng đường lên đỉnh. 

Một chút cà phê trong cái se lạnh của núi rừng Tây Bắc

Một chút cà phê trong cái se lạnh của núi rừng Tây Bắc

Dốc cao, không khí loãng và gió rất to khiến cho hành trình khá vất vả. Sương nhiều che lấp hết vẻ đẹp của rừng đỗ quyên đang khoe sắc nở rộ. Từ lán nghỉ lên tới đỉnh khoảng 3km, cả đoàn đi hết tầm 2 tiếng rưỡi. Tới khi chạm tay tới chóp nhọn inox đánh dấu đỉnh Nhìu Cồ San, đa số ai cũng đã kiệt sức nhưng trong lòng lại ngập tràn cảm giác vui sướng và tự hào. 

Check-in cùng chóp inox trên đỉnh Nhìu Cồ San

Check-in cùng chóp inox trên đỉnh Nhìu Cồ San

Buổi trưa

Sau khi chụp ảnh, nghỉ ngơi và ăn trưa trên đỉnh, tất cả lại dọn dẹp để quay về lán lấy đồ. Đường trek xuống theo hướng bãi thả dê tuy tiết kiệm thời gian nhưng lại dốc hơn. Do đó, bạn vẫn nên cẩn thận trong mỗi bước di chuyển. Đặc biệt nhất trong cung đường này có lẽ là view bãi thả dê siêu đỉnh. Bạn nhớ tranh thủ check-in vài tấm trước khi về nhé. 

Bãi thả dê trên đường về

Bãi thả dê trên đường về

Nếu đi theo hướng này sẽ chỉ mất khoảng 3 tiếng để tới được chân núi. Sau đó, bạn có thể lựa chọn quay lại Sapa chơi tiếp hoặc nghỉ ngơi rồi lên xe quay về Hà Nội.

Khi leo núi Nhìu Cồ San cần lưu ý điều gì?

Hành trình trekking Nhìu Cồ San tuy không quá khó nhưng vẫn cần lưu ý cả về sức khỏe lẫn vật dụng. Đặc biệt, bạn nhớ mang theo CMT để làm thủ tục giấy phép tại đồn biên phòng nhé. Và đừng quên tham khảo bài viết Tổng hợp kinh nghiệm khi trekking để có sự chuẩn bị tốt nhất. Cuối cùng, Focus Asia Travel xin được chúc bạn có một chuyến đi an toàn, vui vẻ và thật ý nghĩa.