Những địa phương lưu giữ nguyên vẹn xương cá voi tại Việt Nam

Cá voi là loài vật được ngư dân Việt Nam coi trọng, nhiều nơi xem như thần linh và thờ cúng, gọi là Cá Ông. Việc cá voi xanh xuất hiện trên biển Bình Định khiến nhiều người quan tâm theo dõi. Nếu có hứng thú tìm hiểu về loài vật này và cách chúng ảnh hưởng đến văn hóa của nhiều vùng, bạn có thể tham khảo các điểm dưới đây.

Dinh Vạn Thuỷ Tú

Dinh Vạn Thủy Tú nằm ngự trên con đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết. Để di chuyển đến đây bạn có thể đi từ siêu thị Co.opmart khi qua khỏi cầu Trần Hưng Đạo là sẽ thấy được tấm  bảng hướng dẫn. Rẽ vào đường Ngư Ông đi thêm khoảng 500 mét nữa là bạn sẽ thấy cổng vào Dinh Vạn Thủy Tú.

Khi đến với nơi đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính hàng trăm năm của vạn mà còn có thể biết nhiều thêm về các phong tục, tín ngưỡng của các ngư dân nơi đây.

Dinh Vạn Thủy Tú không chỉ nổi tiếng là một vạn lớn và lâu đời nhất của tỉnh Bình Thuận, nơi đây còn được biết đến với bộ xương Cá Ông lớn nhất Đông Nam Á. Theo truyền thuyết dân gian kể lại rằng sau khi xây xong, Dinh Vạn có một Ông rất lớn trôi dạt vào bờ phía trước Dinh. Các ngư dân trong bổn vạn cùng các bổn vạn khác được huy động mới có thể đưa Ông vào mai táng trong khuôn viên của Dinh Vạn thủy Tú.

Dinh mở cửa từ 7h đến 17h, đóng cửa vào trưa. Giá vé vào tham quan là 15.000 đồng một người lớn, trẻ em 7.000 đồng.

Địa chỉ: 54 Ngư Ông, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.

Lăng Ông Thủy Tướng

Lăng Ông Thủy Tướng ở Cần Giờ, TP HCM thờ bộ xương Cá Ông dài 12 m để tri ân cá cứu người trên biển. Bên trong có riêng một gian phòng đặt bộ xương Cá Ông do Viện Bảo tàng TP HCM phục dựng năm 2001, bảo quản trong tủ kính. Cá Ông lụy (mất) vào năm 1971, được dân làng vớt vào bờ để thờ cúng. Tương truyền cá có phần lưng lõm sâu như một chiếc ghe để giúp nâng tàu thuyền gặp nạn vào bờ.

Lăng đón nhiều du khách thập phương đến tham quan, cúng bái, đông nhất vào dịp cuối tuần. Vào rằm tháng tám hàng năm, huyện Cần Giờ tổ chức lễ hội truyền thống “Nghinh Ông” để tôn vinh Cá Ông và các vị thần. Ngày chính của hội là từ 14 đến 17/8 âm lịch.

Địa chỉ: Duyên Hải, Cần Giờ, TP HCM

Đền thờ ông Nam Hải Đa Lộc

Trong lịch sử cũng như truyền thuyết của những ngư dân đi biển, họ luôn tôn thờ Cá Voi vì Cá Voi là ân nhân cứu mạng mỗi khi họ gặp hoạn nạn trên biển. Vì vậy, Cá Voi còn được coi là một phúc thần của biển cả, được các vua nhà Nguyễn sắc phong là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần.

Theo những người cao niên ở thôn Hùng Thành, xã Đa Lộc chứng kiến kể lại: Năm 2004, vào một ngày sóng to, gió lớn, bầu trời âm u, nhiều mây, một số ngư dân đi biển phát hiện thấy xác một con Cá Voi trôi dạt vào bờ. Bà con trong thôn liền bảo nhau dựng chiếc lều gần khu vực rừng sú vẹt, rồi chôn cất Cá Voi chu đáo. Gần một năm sau, khi xác Cá Voi rữa ra, chỉ còn lại bộ xương, người dân thôn Hùng Thành đã xin Ngài mang bộ xương ấy về trong thôn để thờ. Sau đó, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cùng chuyên gia của Đài Loan cũng đã về tiến hành nghiên cứu, đánh giá đây là bộ xương Cá Voi lớn và còn khá nguyên vẹn, có chiều dài 12m, nặng khoảng 40-50 tấn.

Địa chỉ: Xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa

Làng biển Cảnh Dương

Người làng Cảnh Dương ở Quảng Bình lưu giữ hai bộ xương cá voi kích thước thuộc hàng lớn nhất Việt Nam, tuổi đời khoảng 200 năm. Xương cá được đặt trong miếu làng, gồm hai bộ, đặt trên sạp gỗ hai bên, chính giữa là các bát hương thờ Đức Ông, Đức Bà. Bốn thanh xương hình cánh cung, đặt dựng vào tường, cao 4-5 m gần chạm nóc, là xương hàm của Cá Ông, Cá Bà.

Vào ngày rằm tháng giêng hàng năm, người làng Cảnh Dương tổ chức lễ cầu ngư, tôn vinh Cá Ông, Cá Bà, cầu cho ngư dân ra khơi thuận buồm xuôi gió, một năm bội thu.

Địa chỉ: Làng Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình

Di tích Lăng Tân

Lý Sơn có 7 lăng thờ Cá Ông, mỗi nơi thờ hàng chục bộ xương hay còn gọi là “ngọc cốt”, có niên đại từ vài chục năm đến hơn 300 năm tuổi. Hai bộ xương ở di tích Lăng Tân được công nhận lớn nhất Việt Nam, phong tước Đồng Đình Đại Vương và Đức Ngư nhị vị tôn thần. Chúng đã 300 tuổi nên bị hư hỏng 40%, song được phục dựng thành công vào đầu năm nay.

Đến đây, du khách có thể chiêm ngắm hai bộ xương dài lần lượt 22 và 28 m, cao tới gần 4 m. Mỗi bộ có 50 đốt xương sống, 28 xương sườn dài gần 10 m.

Địa chỉ: Thôn Đông, xã An Vĩnh, đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.