Lần đầu chứng kiến ngôi đình Tân Đông mọc dưới rễ cây bồ đề
Nếu có dịp ghé thăm vùng sông nước Tiền Giang, bạn nên dành thời gian tới xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông để chiêm ngưỡng khối kiến trúc có một không hai – ngôi đình Tân Đông. Hay còn gọi là đình Gò Táo theo cách người dân bản địa thường dùng. Công trình cổ hơn 100 năm tuổi trải qua biết bao sóng gió lịch sử, nay tuy đã mai một nhiều nhưng vẫn thu hút các du khách bởi cảnh tượng khó tin, khi hàng trăm búi rễ của ba cây bồ đề ôm trọn khắp cả ngôi đình.
Lịch sử đình Tân Đông
Không có ai biết chính xác đình được xây dựng từ khi nào nhưng theo những gì tìm thấy trên vòm cửa có ghi 1907. Dù vậy, các già làng lại cho rằng đình có từ thời vua Minh Mạng (1791 – 1841) và thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (1746 – 1832). Ông là công thần trong giai đoạn vua cha Gia Long trị vì nhưng tới khi vua con Minh Mạng lên ngôi thì không được tin dùng. Rồi đình bắt đầu sụp nát dưới thời Pháp.
Tới năm 1907, Hoàng Thái hậu Từ Dũ cho người trùng tu lại quê hương của mình, trong đó có đình Tân Đông. Những người thợ trong đoàn tu sửa đều là các nghệ nhân từ Huế tuyển vào. Do đó, mặc dù hiện nay ngôi đình đã đổ nát đi nhiều nhưng vẫn có thể thấy được vài nét tinh xảo trong các chi tiết trang trí.
Số phận ngôi đình lại một lại nữa bị lãng quên khi chiến tranh nổ ra mà người dân lại không có điều kiện để tu sửa. Nhưng thật may mắn, có lẽ bởi cảnh hoang tàn, đổ nát từ lâu đã khiến những đàn chim tha nhau tới làm tổ và mang tới hạt giống bồ đề để lại trên mái đình. Chính giống cây có sức sống kiên cường lại mạnh mẽ ấy, chỉ sau 30 năm đã làm nên kì tích. Hàng trăm rễ cây chằng chịt, len lỏi khắp ngôi đình. Đặc biệt là năm vòm cửa, tạo nên cảnh tượng ngoạn mục, lôi cuốn các du khách hiếu kỳ.
Vẻ đẹp của ngôi đình Tân Đông
Có thể ngôi đình Tân Đông đã bị lãng quên hoàn toàn nếu như không xuất hiện quang cảnh ngoạn mục bởi các bộ rễ cây chằng chịt bao bó các vòm cửa và vách tường. Kiến trúc biến dạng bởi những bộ rễ bồ đề khỏe khoắn bao trọn 5 vòm cửa, chen chúc cùng các trang trí vữa đắp khéo léo.
Chạm khắc trang trí trên vì kèo gỗ của đình cũng mang những nét đặc trưng khá điển hình thời Nguyễn. Đồ án hoa lá nào cũng kèm một con chim hay hươu nai làm điểm nhấn. So với chạm khắc các thời trước đó thì chạm khắc trang trí thời Nguyễn có xu hướng chỉ chạm nông một lớp, hình hoa – lá – chim – thú ít dần sự cách điệu mà ngày càng hiện thực hóa, rất nhiều khoảng trống quanh các họa tiết, gây cảm giác thoáng đãng.
Đôi rồng chầu hoa trên vì nóc cũng là kiểu điển hình thời Nguyễn – Pháp thuộc ở khu vực Nam Bộ: gốm men kiểu gốm Cây mai với màu men xanh đặc trưng hoặc rất có thể là gốm Biên Hòa mới được Pháp gây dựng theo xu hướng bảo tồn và phát huy kiểu cách trang trí Á Đông. Nếu bộ mái đình được khôi phục đầy đủ thì đôi rồng cùng các lớp ngói âm dương sấp ngửa sẽ là một hợp thể đẹp đẽ và trang trọng.
Về cảnh quan, ngôi đình um tùm trong vòm lá giữa đồng bằng mênh mông thẳng cánh cò bay, xanh mướt màu lúa đã hấp dẫn du khách từ xa. Đó cũng là cảnh quan theo quy ước từ xưa của các đình làng Việt: Thường ở đầu làng, tách khỏi khu dân cư, có sân bãi và ruộng đồng rộng rãi bao quanh để thánh thần ngự trị nơi thoáng đãng và đủ không gian cho hội làng với các hoạt động đám rước, múa hát, đấu vật võ, vui chơi của cả làng. Chỉ có ngày nay, sau bùng nổ dân số thì một số đình làng cổ mới đành phận chen chúc sâu trong khu dân cư đầy phức tạp của đời thường…
Và mới đây, ngôi đình đã khoác lên mình diện mạo khác sau thời gian trùng tu, sửa chữa. Bức tường được gia cố cứng cáp, thay cửa gỗ, không gian trong ngôi đình sẽ là điểm để người dân địa phương đến thờ cúng mỗi dịp lễ.
Ngôi đình Tân Đông không đồ sộ về quy mô hay có kiến trúc xây dựng hoành tráng, mà chủ yếu mang nét đẹp hoài cổ, rêu phong cũng như mang trong mình những câu chuyện lịch sử, văn hóa riêng. Du lịch Tiền Giang và dành thời gian để ghé thăm ngôi đình, chắc chắn bạn sẽ có một hành trình tuyệt vời.