Biển Quy Nhơn nhộn nhịp ngày trưa nắng dịp tết Đoan Ngọ
Bãi biển Quy Nhơn đoạn từ đường Xuân Diệu đến đường An Dương Vương dài khoảng 4km trưa ngày 6/3 đông kín người. Họ chờ đến giữa trưa để xuống biển tắm. Trong số đó có cả người dân địa phương lẫn du khách.
Phong tục dân gian địa phương
Theo phong tục, người Quy Nhơn quan niệm tắm biển vào đúng 12h trưa trong ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch sẽ giúp rửa đi hết vận xui và đón thêm nhiều tài lộc, may mắn. Vì thế, hoạt động này được duy trì qua rất nhiều năm, đặc biệt là tại các làng chài ven biển.
Thậm chí, với những gia đình cách xa trung tâm TP Quy Nhơn, sau khi tắm biển cầu may, họ tổ chức ăn uống, vui chơi dưới những tán cây ở gần bãi biển. Trong khi đó, nhiều người còn mang theo can, chai để lấy nước biển mang về tắm cho những người già, người bị bệnh, trẻ em còn quá nhỏ không đi tắm biển được để cầu mong bình an, vượt qua bệnh tật.
Ông Huỳnh Anh Tư (ở tận xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) ra tận biển Quy Nhơn để tắm với hi vọng sẽ đem lại may mắn. “Từ thời xa xưa ông bà ta quan niệm rằng tắm biển Tết Đoan Ngọ, đặc biệt phải tắm đúng 12 giờ trưa mới linh nghiệm để rũ bỏ bệnh tật, nhất là những bệnh về da. Vì vậy, hàng năm gia đình tôi đều đi tắm biển ngày này để xả xui, hi vọng may mắn đến với gia đình”, ông Tư chia sẻ.
Đảm bảo an toàn – trật tự ở các bãi tắm
Dù lượng người lớn, nhưng khu vực bãi tắm không xảy ra tình trạng chen lấn hay mất an ninh, trật tự. Người dân đến tắm biển với tâm trạng hồ hởi vì một năm trước hoạt động này gián đoạn do dịch Covid-19.
Hiện tại, Quy Nhơn đang vào mùa cao điểm du lịch. Thời tiết thành phố này nắng đẹp, ít mưa, rất phù hợp cho các hoạt động trên bãi biển. Năm nay, Tết Đoan Ngọ lại gần với hai ngày cuối tuần nên rất nhiều gia đình xin nghỉ việc sớm để đến Quy Nhơn du lịch.
Ngoài việc tắm biển, người dân Bình Định cũng chào đón Tết Đoan Ngọ bằng những mâm cúng đơn giản với bánh tro, xôi chè, trái cây…
Tết Đoan Ngọ là ngày lễ truyền thống tại một số quốc gia như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc… Ngày này còn được gọi với cái tên dân dã là ngày “giết sâu bọ”. Ở Việt Nam, người dân có tập tục đón Tết Đoan Ngọ vào 5/5 âm lịch hằng năm.