Đền Nen thờ Lý Nhật Quang – Ngôi đền cổ 600 tuổi ở Hà Tĩnh

Thông tin về đền

Được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ 15, có diện tích 5 ha ở hôn Phúc Tiến, xã Thạch Tiến, nay là xã Việt Tiến huyện Thạch Hà. Đền Nen hay còn tên gọi khác là đền Tam tòa Đại vương hay đền Cả là đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ) cùng một số nhân vật lịch sử khác của nơi đây.

Đền có bố cục hình chữ nhật, gồm ba tòa thượng điện, trung điện và hạ điện. Quần thể kiến trúc ngoài đền còn có nhà bái đường, nhà chuông, nhà bia, nhà tiền tế, miếu cộng đồng, tắc môn, cột nanh, hồ sen và sân vườn… Công trình được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 2009.

Lịch sử hình thành ngôi đền

Theo truyền thuyết nơi đây, Lý Nhật Quang là người thông minh, hiếu học, tài cao. Ông được vua cha Lý Thái Tổ cử vào trông coi tô thuế ở nơi đây vào năm 1039. Chính xác là khu vực vùng Hoan Châu, tức Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay. Ông liên tục thăng tiến, năm 1044 giữ chức Uy Minh Vương, đứng đầu trấn Nghệ An, thay nhà vua định đoạt mọi chuyện chính sự tại vùng đất xứ Nghệ.

Sử sách miêu tả ông là một con người của sự giản dị, gần gũi với người dân. Ông góp phần không nhỏ vào việc phát triển nông nghiệp; xây đường bộ, đường thủy giao thương với các vùng; mở nhiều trường học; lập các di tích và đền chùa ở nơi này. Dưới thời Lý Nhật Quang, triều đình không phải đưa quân vào đồn trú, mà lực lượng do ông xây dựng tại chỗ đủ sức đảm đương việc vảo vệ biên cương xứ Nghệ thành “Thành đồng vách sắt”.

16 năm làm việc tại xứ Nghệ, Lý Nhật Quang xây dựng vùng đất này thành một pháo đài kiên cố cả về quân sự, kinh tế. Năm 1057, khi mất, nhân dân trong vùng lập nhiều đền thờ ghi nhớ công lao của ông.

Trên ảnh là tượng thờ Lý Nhật Quang đặt trong tòa thượng điện.

Kiến trúc ngôi đền

Cổng vào

Cổng tam quan dẫn vào đền có kiến trúc hai tầng tám mái, hai bên đều khắc câu đối chữ Hán.

Ông Nguyễn Trí Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Tĩnh cho biết, đây là một trong những hệ thống cổng tam quan đẹp của tỉnh, mang mô tuýp kết cấu thời Lý.

Dễ dàng nhận ra hình ảnh của rồng được điêu khắc rất nhiều ở ngôi đền này một cách tinh xảo, tỉ mỉ. Đây cũng là hình ảnh thể hiện sụ quyền uy của Lý Nhật Quang.

Ông Đặng Hữu Cư, Trưởng ban Lễ nghi đền Nen cho biết, đây là một trong những đền cổ đẹp và linh thiêng nhất của Hà Tĩnh với kiến trúc nghệ thuật được bố trí đăng đối hài hòa qua bàn tay khéo léo của những người thợ xưa.

“Trong đền có một câu đối khắc ở nghi môn mô tả về cảnh đẹp như sau: ‘Thịnh cảnh hà dĩ gia. Mục giới bất khả hộ’. Nghĩa là cảnh ở đền Nen tươi đẹp, hoàn hảo đến mức không biết phải thêm gì”, ông Cư nói.

Ngoài hệ thống câu đối đa dạng, đền có một số lượng ban thờ lớn với hơn 25 chiếc. Tòa thượng điện là nơi đặt tượng thờ Lý Nhật Quang cùng một số nhân vật lịch sử và tín ngưỡng dân gian.

Kiến trúc xung quanh

Chếch bên phải đền là nhà chuông được phục xựng, làm mới với kiến trúc hai tầng mái, bên trong đặt chiếc chuông cổ.

Nhà bia cách nhà chuông tầm 5m. Là tấm bia ghi rõ tiểu sử, công lao lúc sinh thời của Lý Nhật Quang ở vùng đất Nghệ Tĩnh này lúc bấy giờ.

Nhà bái đường được ôm trọn bởi dãy cây si. Theo ông Đặng Hữu Cư, trước kia tại đền có một rừng si, qua thời gian, chỉ còn sót lại các cây bám lại trên một số hạng mục của đền, tạo nên vẻ cổ kính hiếm có.

Tại đền, kiến trúc khắc nổi được sử dụng nhiều, tương ứng với hình tượng các vị tướng quân, tứ linh, hoa văn họa tiết cách điệu…Một bên cổng tam quan là tạo hình con ngựa được khắc nổi, nay đã sơn mới.

Ở lối ra vào cổng là hai con voi đá được xây hàng trăm năm trước, có ý nghĩa bảo vệ ngôi đền.

Điểm tham quan tâm linh

Khởi dựng từ thời nhà Hậu Lê, đền được tu tạo quy mô lớn vào năm 1724, thời vua Lê Dụ Tông. Đến năm 1921, thời vua Khải Định, triều Nguyễn, thì hoàn chỉnh các diện mạo. Lần gần nhất vào năm 2010 đến 2012, nhà chức trách chi hàng chục tỷ đồng cải tạo, làm mới nhiều hạng mục.

Đền thường được chính quyền địa phương chọn làm nơi tổ chức mộ số lễ hội trong vùng. Hội đền Nen diễn ra thường niên vào dịp đầu năm mới, nhân dịp tưởng nhớ ngày mất của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

Hàng năm đền đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến thắp hương, tham quan, nghiên cứu các giá trị lịch sử, kiến trúc và tôn giáo.