Ba địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Bình Phước
Núi Bà Rá
Ở độ cao gần 750m so với mực nước biển, núi Bà Rá (thị trấn Thác Mơ, huyện Phước Long, Bình Phước) cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp huyền bí và lạ lùng.
Giữa một vùng đồi thấp nhô lên một ngọn núi cao, cây cối xanh tươi, rậm rạp, tạo cho núi Bà Rá một dáng vẻ hùng vĩ. Ðứng trên lưng chừng núi có thể nhìn thấy cả một khu vực rộng lớn, bao gồm thị trấn Thác Mơ xinh đẹp (trước đây là tỉnh lỵ của tỉnh Phước Long), hồ Thác Mơ rộng tới 12.000 ha, mà trong mùa mưa trông như một biển nước xanh thẳm xa tít, hòa quyện chập chờn giữa rừng núi, tạo một cảm giác bồng bềnh mênh mông. Dưới chân núi, bên cạnh thị trấn Thác Mơ là di tích của nhà tù Bà Rá, nơi nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị giam cầm.
Núi Bà Rá nổi tiếng với dòng sông Bé uốn quanh co, với Thác Mẹ, Thác Mơ, với hệ thực vật đa dạng phong phú được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xếp vào hệ thống rừng đặc chủng của cả nước.
Từ Đồi Bằng Lăng, bước lên 1.767 bậc đá là lên đến đỉnh núi. Đường lên núi được bao phủ bởi một màu xanh của lá trúc, lồ ô, đặc biệt hai bên đường đi có nhiều cổ thụ khoảng vài trăm năm tuổi. Đứng trên đỉnh núi Bà Rá, du khách có thể nhìn thấy trung tâm thị xã Phước Long, thị trấn Thác Mơ và thuỷ điện Thác Mơ rộng 12.000 ha và được hòa mình vào không khí thiên nhiên, cảm nhận luồng gió mát lạnh từ hồ Thác Mơ thổi vào. Trên đỉnh có ngọn ăng ten của Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước, cao 48m. Ở đây còn có một miếu thờ Đức Phật thánh mẫu Thiên Hậu và bà chúa xứ (núi Bà Rá).
Núi Bà Rá còn có hang Dơi, hang bà Bảy Tuyết sâu, rộng. Đây là nơi ẩn trú của quân, dân ta trong suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và giờ đây trở thành điểm tham quan cho khách du lịch với không khí mát mẻ, nước suối trong xanh…
Chùa Quang Minh
Chùa Quang Minh hiển bày trong nắng sớm như một đóa hoa sen ngát hương giữa lòng thành phố Đồng Xoài -, Bình Phước; là điểm sáng tâm linh trong trái tim Bình Phước thân yêu. Chùa Quang Minh tọa lạc tại số 322 Quốc lộ 14 phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1952, được trùng tu năm 1990. Tấm bia lễ đặt đá trùng tu cho biết ngôi chùa được trùng tu vào ngày 25 – 8 – 1990 dưới sự chứng minh của ba vị Hòa thượng lãnh đạo Phật giáo là: HT Thích Thiện Hào, HT Thích Trí Tấn và HT Thích Diệu Tâm.
Chùa Sóc Lớn
Chùa Sóc Lớn còn có tên Retchamaha Chettava NaRam (nghĩa là vị vua và là Thủy tổ của người Khmer), tọa lạc tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Đây là ngôi chùa Khmer lâu đời nhất ở Bình Phước, được xây dựng năm 1931 đến năm 1937. Năm 1972, trong chiến dịch Nguyễn Huệ, chùa bị trúng bom của đế quốc Mỹ và bị sập hoàn toàn. Phật tử và bá tánh cho lập một ngôi nhà tranh để thờ các bức tượng. Năm 1995, Đại đức Lý Sang đã vận động các phật tử cùng nhân dân đóng góp làm ngôi Sa La (nơi để sư dùng cơm và ở) như hiện nay.
Kiến trúc của chùa Sóc Lớn đã thể hiện được kiến trúc tổng thể của một ngôi chùa Khmer, bao gồm nơi dạy học, Sa La, chánh điện, tháp thờ đức Phật… Đây là ngôi chùa theo phái Phật Giáo Nam Tông nên tượng thờ hầu hết là tượng Thích Ca đã có từ năm 1937 trở về trước.
Chùa Sóc Lớn là nơi diễn ra các lễ hội lớn của người Khmer ở Bình Phước, thu hút đông đảo phật tử khắp nơi. Các ngày lễ chính trong năm tại chùa Sóc Lớn gồm: Tết nguyên đán (mùng 4 tết), lễ Magha Puja – lễ Phật Định (15/1 âm lịch), Tết Chol Chnăm Thmây (14 – 16/4 dương lịch), lễ Visakha Puja – lễ Phật Đản (15/4 âm lịch), lễ khai giảng lớp học chữ Khmer hè (25/5 dương lịch), lễ Nhập Hạ (15/6 âm lịch), lễ Dolta báo hiếu – Vu Lan Khmer (15 – 30/8 âm lịch), lễ Mãn Hạ (15/9 âm lịch), lễ dâng y Kathina (20/9 âm lịch), lễ Oóc Om Bóc cúng trăng (15/10 âm lịch).
Ngày 15/12/2004, chùa Sóc Lớn đã được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Năm 2016, chùa Sóc Lớn vào “Top 100 điểm du lịch văn hóa tâm linh được yêu thích” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức bình chọn.