Lạc Bước Tới Vườn Hồng Đà Lạt
Mùa hồng giòn Đà Lạt là khoảng thời gian vườn hồng đẹp nhất. Khi chạy xe máy tới đèo Minosa, nhìn từ xa là một không ngập tràn sắc cam chín mọng. Tuy vườn hồng ở Đà Lạt không lớn lắm, nhưng cũng đủ không gian cùng nhau ngắm vườn, chụp hình, hái, ăn thử và chọn những trái hồng giòn ngon ngọt nhất về làm quà.
Vườn hồng Đà Lạt vào thời điểm đẹp nhất
Mùa hồng Đà Lạt bắt đầu từ giữa tháng 9 và kéo dài đến đầu tháng 12. Dưới thời tiết se lạnh của cuối thu và đầu đông, những vườn hồng ngoại ô đã tràn ngập sắc cam, đỏ của những quả chín mọng, lôi cuốn biết bao ánh mắt của người đi đường.
Hãy thử một lần ghé thăm những vườn hồng để tận mắt ngắm nhìn xem cách các chủ vườn thu hoạch chúng. Tự tay mình hái để mang về làm quà cho người thân.
Các địa điểm săn lùng vườn hồng Đà Lạt
Bạn có thể săn lùng được những vườn hồng dọc theo các con đường sau:
– Đường vào đồi chè Cầu Đất.
– Đường Triệu Việt Vương hay quanh khu vực Dinh III Bảo Đại, có rất nhiều cây hồng mọc dại quanh đường…
– Đường Khe Sanh (từ trung tâm Đà Lạt, theo đường Trần Hưng Đạo, cứ đi đến khi thấy chân đèo Mimosa là đến ).
Dọc theo quốc lộ, những vườn hồng rung rinh trong nắng và nếu nhìn kĩ hơn sẽ thấy các lối mòn nhỏ dẫn vào nhà dân. Người Đà Lạt rất ấm ấp và thân thiện, bạn có thể xin phép để được xuống thăm vườn,vừa tung tăng hái hồng vừa chụp ảnh thỏa thích.
Vườn hồng Đà Lạt mình vừa đi là của chú Hòa, sau khi đồng ý cho vào thăm, chú còn gửi thêm cái giỏ tre và một cây hái hồng. Sau khi ăn tại vườn, nếu thấy ngon, bạn có thể hái và mua về với giá là 12.000 VND / kg nhé.
Những lưu ý khi tham quan vườn hồng tại Đà Lạt
Đừng hái những quả còn non hay bẻ cành hoặc trèo lên thân cây để không làm hỏng vườn, điều này không chỉ ý thức cá nhân mà còn giữ gìn vẻ đẹp của vườn hồng và tạo cơ hội cho nhiều khách tham quan khác nữa.
Những quả đã ngã sang màu cam hoặc đỏ ấy đã chín, ăn sẽ có vị ngọt và mềm. Riêng các quả màu vàng bạn đừng ăn ngay tại vườn, vì chúng rất chát và cần trải qua quá trình ủ hơi thành hồng giòn thì mới ăn được. Những quả màu vàng này thì lại phù hợp để bạn mua về làm quà vì khi không sợ bị dập.
Cách ngâm hồng giòn không bị chát
Cách đơn giản nhất đó là cho hồng vào một túi nilong trắng, sạch, lót một lớp báo xong đến lớp hồng. Cứ xen kẽ nhau như thế cho đến khi đầy bịch thì cột thật chặt lại, để tầm 10 ngày sau thì ăn được. Cách bọc hồng cẩn thận bằng giấy báo cũng là một phương pháp nhằm đảm bảo chất lượng hồng trong quá trình vận chuyển.
Ngoài ra, nếu bạn muốn rút ngắn thời gian ủ hồng lại, thì có thể ngâm chúng trong nước ấm ở nhiệt độ 35 độ C. Hoặc có thể cho thêm một chút muối, khi nước nguội thì thay nước, và cứ thế lặp lại quá trình này trong 2 ngày. Cách này giúp hồng chín sớm hơn so với cách ủ bằng báo thông thường.
Cách khác tiện hơn nữa là bạn chỉ cần rửa sạch chúng, sau đó cho vào thùng gạo, sau khoảng thời gian từ 4 đến 5 ngày là được.
Đang vào mùa hồng rồi, bạn đã tranh thủ thời gian du lịch Đà Lạt nhấm nháp miếng hồng giòn này chưa? Cùng Focus Asia Travel thưởng thức những quả hồng chín mọng ngay thôi nào.