Tổng hợp tất tần tật kinh nghiệm đi trekking từ A-Z
Leo núi là một trải nghiệm đòi hỏi nhiều sức khỏe và khá gian nan. Nhưng chính vì thế lại đang dần thu hút được đông đảo bạn trẻ muốn tham gia thử sức. Đặc biệt là các địa điểm săn mây nổi tiếng như Lảo Thẩn, Kỳ Quan San hay những nơi có tính thử thách như Tà Xùa hoặc Pu Si Lung. Vì thế, trang bị kinh nghiệm đi trekking trước khi vác balo lên đường sẽ giúp bạn tránh khỏi tình trạng mệt mỏi, không muốn lê bước cùng cảnh “đổ máu” không đáng có. Do bất cẩn và thiếu kỹ năng di chuyển.
5 điều cần chuẩn bị trước khi trekking
1. Tìm hiểu lộ trình, thông tin nơi trekking
Khi khám phá bất cứ một nơi nào, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh gặp phải những rắc rối không đáng có. Đặc biệt là khi đi trekking trên các cung đường có phần hiểm trở và ít người sinh sống. Đối với hành trình leo núi, ngoài các thông tin cơ bản như thời tiết, địa chỉ thì bạn cần lưu ý một số điều như:
- Địa hình đó khó hay dễ? Có khúc nào nguy hiểm? Có phù hợp với sức của mình không?
- Có những cách nào di chuyển đến địa điểm đó? Cần mấy ngày để hoàn thành hành trình?
- Ngọn núi sẽ trekking có cần xin giấy phép không? Nếu có thì xin ở đâu và xin đơn vị nào?
- Nên lựa chọn thuê porter hay đi theo tour. Họ đã chuẩn bị những gì và mình cần mang thêm gì? Mình sẽ ngủ ở đâu, ăn uống thế nào,…
2. Học các kỹ năng cần thiết khi leo núi
2.1. Kỹ năng di chuyển
Leo núi không chỉ cần thể lực mà còn đòi hỏi một chút khéo léo để đỡ vất vả cũng như tránh gặp nguy hiểm. Hãy note lại 3 bí kíp này ngay bạn nhé.
- Phân bổ sức lực: Lỗi nhiều bạn mới hay mắc phải nhất, là lúc đầu leo quá hăng để rồi đến đoạn sau thì bị đuối sức và tụt lại cuối đoàn. Do đó, bạn cần rút kinh nghiệm, luôn cố gắng duy trì tốc độ và điều hòa hơi thở. Khi mệt quá có thể dừng lại một lát hoặc ăn ít chocolate để tiếp thêm năng lượng. Ngoại trừ bữa trưa và các điểm nghỉ, bạn sẽ không có thời gian để nghỉ quá lâu. Bởi ngoài làm ảnh hưởng tới đoàn thì quan trọng hơn, bạn rất dễ bị căng cơ và chuột rút.
- Leo ziczac: Khi gặp những con dốc dựng đứng cao ngất, bạn nên đi theo hình ziczac. Tuy mất nhiều thời gian nhưng bù lại sẽ đỡ mệt hơn rất nhiều. Để lấy đà về phía trước, bạn nên dùng thêm gậy trek. Hoặc bám tay vào các cành cây to chắc chắn hay các mô đá để leo lên.
- Tư thế xuống dốc: Việc xuống dốc đôi khi còn khó khăn hơn khi leo lên. Bởi lúc này đầu gối và mắt cá chân của bạn sẽ phải chịu lực khá mạnh. Đồng thời cơ thể dễ lao về phía trước gây té ngã. Do đó, khi phải trek xuống những con dốc quá cao, bạn có thể xoay người lại. Người áp về phía dốc và dùng tay chân bám vào các mỏm đá hay cành cây để leo dần xuống.
2.2. Kỹ năng sơ cứu
Do địa hình đồi núi, khi leo trèo khó tránh khỏi các trường hợp ngoài ý muốn như: chảy máu, chuột rút hay trật khớp,… Với các ngọn núi khác ở nước ngoài, đôi khi còn gặp cả hiện tượng sốc độ cao. Vì thế, nếu bạn là một người đam mê du lịch thì nên học một chút về sơ cứu. Kỹ năng này không thừa mà còn rất hữu ích ngay cả trong cuộc sống đời thường.
2.3. Sử dụng thiết bị định vị và xử lý khi lạc đường
Trường hợp lạc đường khá khó xảy ra bởi các porter thường khá bao quát đoàn. Nhưng không bởi vậy mà chúng ta có thể chủ quan không đề phòng việc này. Đa phần địa hình đều giống nhau và rất khó phân biệt đối với khách tham quan. Vì thế, bạn nên giữ bình tĩnh, không chạy lung tung và la hét nhiều làm mất sức. Hãy cố gắng xác định phương hướng bằng các thiết bị định vị như GPS, la bàn, hướng mặt trời,… và đánh dấu các ký hiệu trên đường di chuyển hay đốt lửa tạo khói chờ người tới cứu.
3. Rèn luyện thể lực
Nếu bạn là người leo 4, 5 tầng cầu thang đã phải thở dốc thì thực sự nên bắt tay vào việc rèn luyện thể lực từ sớm. Chuyến đi sẽ trở thành cuộc “hành xác” không mấy vui vẻ khi bạn phải thở hổn hển cùng đôi chân chuột rút, không thể cất bước. Đặc biệt, Focus Asia Travel đã có “giáo án” dành riêng cho các đối tượng thường ngày lười vận động nhé. Hãy tham khảo ngay các bài tập chuẩn bị thể lực trekking để sớm ngày lên đường ngay thôi.
4. Kiểm tra thời tiết
Yếu tố thời tiết luôn là nhân tố quan trọng chi phối một phần chuyến đi của chúng ta. Nếu không may gặp phải thời tiết xấu như mưa to hoặc quá lạnh, bạn nên hoãn lại hành trình của mình để tránh gặp phải nguy hiểm. Hãy tham khảo dự báo từ 3 – 4 ngày trước khi bắt đầu. Bạn có thể liên hệ với porter trước ngày đi để xác nhận lại. Đặc biệt, bạn không nên nghĩ tới việc trekking các ngọn núi ở Việt Nam vào mùa hè. Bởi ngoài đúng thời điểm mùa mưa, dễ gây bùn lầy, trơn trượt thì lúc này trời rất nóng. Không phù hợp để bạn có thể dành ít nhất 2 ngày để ở trên núi như vậy.
5. Chuẩn bị trang phục và thiết bị trekking
5.1. Trang phục
- Quần áo, balo: Khi leo núi, cơ thể toát mồ hôi rất nóng nhưng khi dừng lại bạn sẽ cảm thấy rất lạnh. Đặt biệt khi về đêm và rạng sáng. Do đó, bạn nên mang theo các loại quần áo co dãn, giữ ấm và thấm hút tốt. Áo khoác chống gió từ 2-3 lớp. Chỉ mang đủ chứ không đem theo quá nhiều. Nếu có điều kiện và thường xuyên leo núi, bạn nên đầu tư vài bộ quần áo trekking chuyên dụng. Còn đối với balo, tốt nhất bạn hãy mua loại có đai cài trước bụng và đai đeo chắc chắn, chống nước.
- Giầy trekking: Vì di chuyển chính bằng đôi chân nên bạn phải chú ý khi chọn đôi giày của mình. Tiêu chuẩn mua giày là phải vừa chân, có độ đàn hồi tốt, thoải mái và bám đất, chống nước tốt. Trước khi trekking bạn cũng nhớ cắt hết móng tay móng chân để tránh bị đau khi di chuyển.
- Ngoài ra để giữ ấm, bạn cần chuẩn bị thêm khăn (không dùng khăn len), mũ, găng tay và đặc biệt là vài đôi tất dày. Bên cạnh đó nên mang thêm kính râm, áo mưa và một dép tổ ong hay sandal nhẹ để đi lúc sinh hoạt ở lán nghỉ.
5.2. Dụng cụ, thiết bị
- Một số loại thuốc cơ bản: panadol, dầu gió, bông băng, miếng dán nhiệt nếu thời tiết quá lạnh, bột điện giải bù nước, kem chống nắng, dưỡng ẩm và thuốc chống côn trùng.
- Thiết bị điện tử, đèn pin: đa số các lán nghỉ ở Việt Nam đều chưa lắp đặt điện. Do đó, bạn nên sạc đầy các thiết bị trước khi bắt đầu trekking và mang theo sạc dự phòng nhé.
- Lều, bạt, gậy trek: phần lớn các cung đường đã có lán nghỉ nên nếu đoàn bạn không quá đông thì không cần thiết phải đem theo. Tuy nhiên, bạn vẫn cần xác lại với porter nếu không đi theo tour để chắc chắn.
5.3. Đồ ăn, nước uống
Tùy vào từng địa điểm cũng như hình thức trekking bạn lựa chọn đi theo tour, thuê porter hay tự túc mà cần chuẩn bị đồ ăn, thức uống thế nào cho hợp lý. Nếu đã có nhà tour hay porter chuẩn bị sẵn, thì bạn chỉ cần mang thêm ít lương khô, mì tôm hay chocoate để ăn tiếp sức dọc đường. Còn nếu muốn tự chuẩn bị cho hợp khẩu vị, bạn có thể mua thực phẩm dưới chân núi để cho tươi và đỡ phải mang đi lại. Tuy nhiên, nên căn vừa đủ với số người để tránh vác nặng khi di chuyển cũng như không lãng phí đồ ăn.
Một số kinh nghiệm đi trekking cần lưu ý
Ngoài những kinh nghiệm chuẩn bị leo núi kể trên, bạn cần lưu ý thêm một số điều như:
- Tuyệt đối không tự ý tách đoàn: Giữa cảnh núi rừng bao la, không ai mong muốn bị bơ vơ một mình. Đặc biệt là vào đêm tối. Do đó, bạn không nên vì mải mê chụp ảnh hay tò mò mà không để ý hành trình của đoàn mình. Đối với những bạn bị đuối sức, đi top cuối thì nên xin dừng nghỉ hồi sức hoặc nhờ porter hỗ trợ. Đồng thời, mọi người trong đoàn nên chú ý lẫn nhau để tránh gặp phải những trường hợp đáng tiếc.
- Chú ý nghe lời người dẫn đường: có thể bạn đã có một chút kinh nghiệm đi trekking nhưng vẫn không nên chủ quan nhé. Hãy nghe lời hướng dẫn của người dẫn đường khi di chuyển qua các đoạn khó. Đây là những người đã đi cả trăm lần ngọn núi này thì nghe lời họ là không bao giờ thiệt.
- Không xả rác, phá rừng bừa bãi: vì ý thức không tốt của một số người mà một vài ngọn núi ở Việt Nam phải xin giấy phép mới được trekking. Đây là điều chính quyền địa phương không mong muốn khi phải tự giới hạn nguồn thu nhập của người dân bản địa. Tuy nhiên, để bảo vệ những mảnh đất này nên họ buộc phải làm vậy. Do đó, chúng ta cần có ý thức giữ gìn bạn nhé.
Mong rằng, qua những kinh nghiệm đi trekking ở trên sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích cho chuyến đi của mình. Focus Asia Travel xin được chúc bạn có một hành trình vui vẻ, an toàn và thật nhiều kỷ niệm.