Tham gia lễ hội Bàn Vương của người Dao tại Hà Nội
Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) bày tỏ lòng biết ơn Sư tổ Bàn Vương, người đã sinh ra 12 tộc họ người Dao ngày nay đồng thời cầu nguyện cho mưa thuận, gió hòa, hoa màu tươi tốt cho con cháu đời đời ấm no, hạnh phúc. Trong tất cả các ngành Dao đều có một điểm chung trong tín ngưỡng, đó là tục thờ cúng Bàn Vương. Người Dao coi việc thờ cúng Bàn vương là một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ.
Lễ hội Sư tổ Bàn Vương
Sáng 30/4, người Dao ở huyện Hoàng Su Phì tái hiện lễ hội Bàn Vương tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Trước khi cúng 6 thầy mo tập trung phân công thổi tù và, nổi chiêng trống để mở và treo tranh bàn Vương, tranh hàng sư. (gọi là khoáng sính- Nghi lễ treo tranh). Lễ vật làm lễ cúng gồm: một con lợn, gà trống, bánh dày hoặc bánh gói lá chuối buộc từng cặp, gạo một túm bằng vải trắng (sài chiên), giấy bản theo cúng bình thường và bảy siên (chìn shún).
Nhạc cụ cần thiết là tù và, chuông, hai mảnh tre làm phép âm dương, và một nan tre mỏng để các thầy mo cầm trong buổi lễ.
Đầu buổi lễ là nghi thức Cúng gọi Bàn Vương và thần linh thổ địa, tuyên bố lý do làm lễ.
Thầy cúng cho giấy, vàng bạc nhờ Bàn Vương và thần linh thổ địa phù hộ nhân dân, phù hộ lễ hội.
Người dân dâng hương, dâng lễ tạ ơn Bàn Vương đã phù hộ cho người Dao sống yên ổn nghìn đời.
Nghe về câu chuyện khai sinh ra tộc Dao
Tại buổi lễ, thầy cùng nhắc lại câu chuyện, vào năm Dần mão, nạn hạn hán xảy ra, con cháu người Dao rơi vào cảnh thiếu đói, cơ cực nên phải thiên di vượt biển tìm nơi sinh sống. Với sự che chở của Bàn cổ Đại Vương, 12 tộc họ người Dao vượt biển thành công, một số nhóm đã định cư ở phía bắc Việt Nam, trong đó có Hà Giang.
Để lưu truyền cho đời sau, họ đã viết sách “Quá Sơn Bảng Văn” kể lại quá trình thiên di đầy gian khổ, ca ngợi Bàn Vương, đồng thời tổ chức làm lễ trả ơn, trả nguyện Bàn Cổ Đại Vương.
Sau mỗi nghi thức 6 thầy mo đi thành hình tròn, múa gọi nhờ thiên linh thổ địa nghênh đón Bàn Vương và kể sơ lược tiểu sử, vóc dáng của Bàn Vương từ khi ra đời.
Bắt đầu nghi lễ
Vào hội múa bắt rùa là một phần của nghi lễ.
Màn múa gậy thể hiện Bàn Vương, thần linh, thổ địa xuống đàn nhận lễ vật.
Kết thúc là lễ tiễn đưa Bàn Vương về trời, cũng là lúc các thầy mo gỡ bỏ trang phục, đồng thời vật chày chung vui, vào hội ca hát nhảy múa.
Truyền thuyết thú vị
Truyền thuyết của người Dao kể rằng Bàn Hồ là Long Khuyển mình dài ba thước, lông đen vằn vàng mượt như nhung, được nhà Vua Bình Vương nhất mực yêu quý. Dưới triều đại của Bình Vương, bách tính bình yên và no ấm.
Một hôm Cao Vương dấy binh xâm lược, khiến cho nhân dân lâm vào cảnh lầm than. Nhà vua đã cử nhiều binh hùng tướng mạnh đi trấn giữ biên ải nhưng không thể đánh đuổi được Cao Vương. Trước sức mạnh như vũ bão của quân giặc, Bàn Hồ liền hiến kế sách giúp nhà vua chiến thắng Cao Vương.
Sau khi dẹp yên quân xâm lược, Bàn Hồ bỗng hóa thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, Vua Bình Vương rất đỗi vui mừng đã gả Tam Công chúa cho nên vợ nên chồng và được phong Vương lấy hiệu là Bàn Vương. Họ sinh được 12 người con, được vua cha Bình Vương ban cho 12 họ lưu truyền đến ngày nay. Sau khi Bàn Vương gặp nạn và qua đời, con cháu đời sau tổ chức cúng tạ để tưởng nhớ vị vua anh hùng trong lòng dân tộc.