Thái Lan không khuyến khích khách đến du lịch chỉ để hút cần sa
Năm 2018, Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa cần sa để sử dụng trong y tế. Vào tháng 6, Thái Lan hợp thức hóa cần sa cho mục đích y tế và sức khỏe.
Cục Trấn áp ma túy (NSB) Thái Lan cho biết cảnh sát sẽ không bắt giữ người hút cần sa tại nhà vì mục đích y tế hay sức khỏe. Tuy nhiên, nếu họ hút cần sa tại các khu vực công cộng và gây rối, họ có thể bị buộc tội.
Người hút cần sa ở nơi công cộng có nguy cơ phải đối mặt với án tù 3 tháng hoặc khoản tiền phạt lên tới 25.000 baht (hơn 700 USD).
Dù vậy, rất khó để phân ranh giới giữa dùng cho mục đích sức khỏe hay giải trí. Chưa kể lo ngại rằng nó có thể làm tăng tình trạng nghiện cần sa.
Ngày 17/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul không khuyến khích du khách đến xứ Chùa Vàng chỉ để hút loại chất cấm này, Reuters đưa tin.
“Chúng tôi không chào đón kiểu du khách đó”, ông Charnvirakul đáp lại khi được hỏi về việc khách du lịch nước ngoài sử dụng cần sa để giải trí.
Lời bình luận trên của ông Anutin được đưa ra trong bối cảnh lượng du khách quốc tế bắt đầu đến Thái Lan gia tăng.
Tháng 6, với nỗ lực thu hút khách du lịch trong thời kỳ suy thoái hậu Covid-19, chính phủ Thái Lan đã bãi bỏ lệnh cấm cần sa, cho phép người dân tự do trồng và bán chúng.
Năm ngoái, đại dịch Covid-19 đã cắt giảm lượng khách nước ngoài xuống còn 428.000 người, so với mức kỷ lục gần 40 triệu người vào năm 2019. Năm nay, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á dự kiến sẽ có 8-10 triệu lượt khách, cao hơn mức dự báo trước đó là 7 triệu.
Cây cần sa giờ đây xuất hiện ở khắp mọi nơi, trên những que kem, trong món ăn truyền thống và công thức sinh tố mới, theo BBC. Điều này cũng dẫn đến sự bùng nổ của các quán cà phê bán ma túy trên khắp thủ đô Bangkok.
Thái Lan đã thành lập một ủy ban truyền thông về cần sa để giáo dục công chúng sử dụng cần sa đúng cách cho mục đích y tế hay thương mại. Theo bộ trưởng y tế, nước này không loại trừ khả năng cho phép dùng cần sa cho mục đích giải trí khi đã có sự hiểu biết rõ hơn.
Chính sách cần sa của Thái Lan cũng thu hút sự quan tâm từ các nước láng giềng trong khu vực như Malaysia, quốc gia đang nghiên cứu việc sử dụng cần sa cho mục đích y tế.