Sự kiện lừa bán tháp Eiffel chấn động một thời
Lịch sử hình thành tuyệt tác thế giới
Kỹ sư Gustave Eiffel đã thiết kế ra tòa tháp cùng tên cho Hội chợ Thế giới năm 1889 ở Paris. Trước đây chưa từng ai xây dựng một công trình cao như vậy, nên việc hoàn thiện tháp Eiffel trong 2 năm được xem là một kỳ công kỹ thuật vào thời đó.
Ngay cả khi những nhà phê bình khó tính nhất cũng phải công nhận rằng tháp Eiffel là một kiệt tác, chính quyền Paris vẫn không mặn mà với ý tưởng giữ lại nó mãi mãi. Hợp đồng xây dựng quy định rằng tòa tháp chỉ được phép đứng đó trong 20 năm để thu hồi vốn đầu tư một triệu USD và sinh lời. Nếu không, công trình sẽ bị tháo dỡ.
Lọt vào tầm ngấm của “Siêu lừa đảo”
Vài năm sau khi hoàn thiện, tòa tháp xây từ 7.000 tấn sắt và 60 tấn sơn bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, chi phí bảo dưỡng vô cùng tốn kém. Nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ tương lai bất định của tháp Eiffel bấy giờ, “Bá tước” Victor Lustig lên kế hoạch bán nó cho người trả giá cao nhất, không chỉ một mà tới hai lần.
Lustig là một chuyên gia lừa đảo có tới 45 bí danh khác nhau. Không ai biết ông ta tên thật là gì hay đến từ đâu. Bước vào nghề từ những mánh cờ bạc, Lustig bắt đầu sự nghiệp lừa đảo khi biết rõ lối sống của giới thượng lưu. Hắn tập trung làm tiền giả, và thậm chí lấy được 5.000 USD của trùm mafia khét tiếng người Mỹ Al Capone trong một vụ gian lận tài chính, với những lời hứa về một dự án “ma”.
Khi bị cảnh sát truy ra dấu vết tại Mỹ, Lustig bỏ trốn sang Paris và từ đây, kế hoạch cho phi vụ bán tháp Eiffel ra đời. Theo hồi ký của mật vụ Mỹ James Johnson, trong thời gian ở Paris, Lustig đã làm một công việc văn phòng phẩm, từ đó lấy được con dấu của chính phủ Pháp và đóng giả là một quan chức.
Kế hoạch tinh vi
Lustig đến đặt một căn phòng trong khách sạn sang trọng Hôtel de Crillon, nổi tiếng là nơi thực hiện các giao dịch ngoại giao và chính trị. Những người thu mua sắt thép lớn nhất tại thành phố đã được ông ta triệu tập cho một đề xuất kinh doanh bí mật. “Do lỗi kỹ thuật, bảo trì tốn kém và các vấn đề chính trị mà tôi không tiện thảo luận, việc phá bỏ tháp Eiffel đã trở thành bắt buộc”, Lustig nói với họ.
Bá tước gây sốc cho những người trong căn phòng khi thông báo tháp Eiffel sẽ được bán cho người trả giá cao nhất. Ban đầu không ít thương nhân hoài nghi thông tin này, nhưng Lustig thuyết phục họ rằng thương vụ này sẽ giúp xoa dịu làn sóng phản đối từ người dân, nếu chính phủ có thể thu được lợi nhuận từ đó. Tòa tháp cao 300 m có đến 2,5 triệu đinh tán, hơn 7.000 tấn sắt sẽ đem lại cả gia tài kếch sù cho với những người kinh doanh sắt thép.
Kết thúc bữa trưa, Lustig đưa 5 ứng viên tiềm năng cho thương vụ mua bán trên một chiếc xe limousine đến tháp Eiffel để xem xét. Một đội công nhân tình cờ xuất hiện để đo đạc và kiểm tra tòa tháp, chuẩn bị sơn sửa lại. Điều này không làm khó Lustig, ông ta thản nhiên nói rằng đây là các công nhân đang chuẩn bị tháo dỡ tòa tháp 7.000 tấn sắt. Lustig xuất trình giấy tờ giả của mình ở lối vào để đưa các ứng viên lên thăm tòa tháp, đồng thời yêu cầu họ báo giá ngay hôm sau.
Nạn nhân đầu tiên
Với thâm niên lừa đảo của mình, Lustig có tài đọc vị người khác rất nhanh. Ông ta không mất quá nhiều thời gian để xác định nạn nhân là André Poisson, một người đàn ông tự ti vào bản thân, khát khao tạo dấu ấn riêng trong ngành công nghiệp tại Paris – thị trường ông mới chân ướt chân ráo bước vào.
Lần gặp thứ 2 với Lustig, Poisson đã tâm sự rằng vợ mình nghi ngờ thương vụ này và phân vân không biết có nên tiếp tục không. Lustig sử dụng mánh khóe để Poisson tin vào mình, “thú nhận” bản thân chỉ là một viên chức chính phủ được trả lương thấp, tiếp đãi khách VIP bằng những thứ xa xỉ, còn thực chất chỉ muốn kiếm thêm chút đỉnh. Lustig gợi ý rằng nếu có tiền bồi dưỡng, ông ta sẽ đảm bảo để hợp đồng này rơi vào tay Poisson. Vốn không có niềm tin vào quan chức chính phủ, và cho rằng những kẻ lừa đảo không bao giờ xin tiền lẻ, Poisson an tâm rằng hợp đồng mua bán này hợp pháp. Và thương nhân non trẻ tên Poisson, trong tiếng Pháp nghĩa là cá, đã cắn câu.
Cái kết
Sau nhiều lần thất bại khi đòi quyền sở hữu tháp Eiffel, Poisson cuối cũng đã nhận ra mình bị lừa. Tới lúc này, Lustig đã bỏ trốn khỏi Pháp. Kẻ lừa đảo đã trông đợi các trang báo loan tin về “Người đàn ông cố gắng bán tháp Eiffel”, bối rối khi chuyện này đã không xảy ra. Sau đó, ông nhận ra Poisson xấu hổ vì bị lợi dụng và để giữ thể diện, anh ta không báo cảnh sát.
Nhận ra cơ hội vẫn còn đó, Lustig đã tiếp tục vận may của mình bằng cách quay trở lại Paris và tiếp tục… bán tháp Eiffel. Tuy nhiên, lần này may mắn đã không mỉm cười với Lustig, bởi người mua tiềm năng phát hiện đó là trò lừa đảo trước khi giao tiền và báo cảnh sát. Lustig kịp trốn thoát nhưng không kiếm được tiền từ phi vụ thứ 2.
Sau một thời gian tại Mỹ, cuối cùng cảnh sát cũng bắt được Lustig và tống giam trong nhà tù Alcatraz. Lustig chết vì bệnh viêm phổi vào năm 1947, giấy chứng tử ghi nghề nghiệp là “nhân viên bán hàng”.