Nhiệm vụ của cơ phó trên các chuyến bay là gì?

“Cơ trưởng lái máy bay, vậy cơ phó làm gì trên các chuyến bay?” là câu hỏi đang được quan tâm trên diễn đàn hàng không tại Mỹ trong thời gian vừa qua. Câu hỏi từ một hành khách tên Sam, người Malaysia và cho biết bản thân đã du lịch rất nhiều nơi trên thế giới nên việc di chuyển bằng máy bay là vô cùng thường xuyên.

Thắc mắc của vị khách đã nhận được rất nhiều câu trả lời từ những người đến từ ngành hàng không, trong đó có các cơ trưởng, cơ phó và cả kiểm soát không lưu.

Vai trò của cơ trưởng và cơ phó

John Cox, cơ trưởng đã về hưu của US Airways và điều hành một công ty chuyên về tư vấn hàng không tại Mỹ, đã nói về sự khác biệt giữa cơ trưởng (Capt) và cơ phó (FO). Theo đó, cơ trưởng là người chịu trách nhiệm chính về chuyến bay, và chỉ huy chuyến bay cũng như giao tiếp với hành khách qua loa. Cơ phó là người chỉ huy thứ hai. Cả hai đều được cấp phép và làm việc như một nhóm để lái máy bay an toàn.

Người nắm quyền cao nhất trên máy bay chính là cơ trưởng, là người sẻ quyết định ai sẻ thực hiện chuyến bay (lái máy bay) và người sẻ thực hiện các nhiệm vụ khác. Trong một số trường hợp phát sinh như thời tiết phức tạp thì một số sân bay trên thế giới chỉ cho máy bay hạ cánh khi người lái là cơ trưởng. Thông thường các phi công sẽ hoán đổi nhiệm vụ bay trong từng chặng.

Giải thích cho lý do vì sao cơ trưởng lại không bay suốt hành trình, John nói có nhiều lý do. Đối với những chặng dài, phi công nào cũng cần nghỉ ngơi, không ai có thể ngồi liên tục trong suốt nhiều tiếng đồng hồ. Điều này là để phục vụ an toàn bay. Các cơ phó cũng cần được trao cơ hội bay, điều này là rất cần để họ lên cơ trưởng.

Sự quan trọng của hai vị trí

Sự khác biệt duy nhất là cơ trưởng ngồi ghế trái, cơ phó ngồi ghế phải, theo Ko. Tuy nhiên, trong các tình huống khẩn cấp, hoặc nếu phải đưa ra một quyết định bất thường nào đó, cơ trưởng là người có thẩm quyền cuối cùng. Họ cũng phải chịu trách nhiệm cuối cùng cho quyết định đó, cũng như an toàn của chuyến bay. Hachi Ko, một phi công và đang làm kiểm soát không lưu tại Mỹ, cho rằng capt và FO là hình ảnh phản chiếu của nhau. Trên một chặng, cơ trưởng là người lái và chặng tiếp, vai trò của họ được đảo ngược một cách hoàn hảo.

Cơ trưởng là người có quyền tiếp quản việc bay, nếu cảm thấy cần thiết. “Tôi sẽ đảm nhận lái chính nếu cảm thấy máy bay gặp vấn đề. Tôi không muốn cơ phó của mình phải đối mặt với những rắc rối này”. Ngoài ra, trong buồng lái, cả hai phi công đều có quyền phủ quyết, nghĩa là cơ phó có thể nói “Không” với cơ trưởng, và buộc cơ trưởng từ chối một hoạt động nào đó vì lý do an toàn. Trên thực tế, theo Ko, điều này chưa bao giờ xảy ra với anh vì trong buồng lái, mọi quyết định đều được đưa ra từ sự đồng thuận của cả hai.