Khám phá lễ hội nước Bon Om Touk đặc sắc tại Campuchia
Nếu như Thái Lan có lễ hội té nước Songkran nổi tiếng thì Campuchia cũng có lễ hội nước Bon Om Touk vô cùng đặc sắc và vui nhộn. Sự kiện kéo dài 3 ngày dự kiến thu hút hơn 1 triệu người dân tham dự.
Tiếng reo hò vang dội từ đám đông tập trung bên bờ Biển Hồ (Tonle Sap) ở Phnom Penh, Campuchia khi các thuyền gỗ bắt đầu cuộc đua. Nhìn từ xa, những chiếc thuyền có hình dáng thon, dài với đủ màu sắc lướt đi nhanh chóng trên mặt nước nhờ tay chèo của 80 người đủ cả nam nữ.
Đó là một trong những hình ảnh vui nhộn nhất trong lễ hội nước Bom Om Touk ở Campuchia. Lễ hội năm nay được tổ chức từ ngày 21 đến 23-11 là một trong những lễ hội được coi trọng nhất, dự kiến thu hút hơn 1 triệu người dân Campuchia từ các tỉnh, thành phố về Phnom Penh.
Bon Om Touk và những điều bạn cần biết
Còn được gọi là lễ hội Nhật Nguyệt, Bon Om Touk cũng trùng với dịp trăng tròn trong tháng Phật giáo Katdeuk, đánh dấu sự chấm dứt của mùa mưa và cầu mong cho một mùa vụ sau tốt tươi.
Biển Hồ và sông Mekong từ lâu đã có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân đất nước Chùa tháp vì là nơi cung cấp nguồn cá dồi dào để làm thực phẩm và cung cấp nguồn gia súc, bồi đắp phù sa cho mùa vụ. Lễ hội đánh dấu một sự kiện thiên nhiên đặc biệt đó là dòng nước của Biển Hồ chuyển hướng. Trong năm, nước từ Biển Hồ luôn đổ vào sông Mekong, tuy nhiên đến mùa mưa, nước sông Mekong tăng lên và đẩy nước ngược lại về Biển Hồ khiến lượng nước nơi đây tăng lên gấp 10 lần.
Có một sự kiện đáng buồn đã xảy ra vào năm 2010, thảm họa xảy ra tại lễ hội khi đám đông chen chúc, giẫm đạp lên nhau trên cây cầu tại Koh Pich khiến 340 người thiệt mạng và 750 người khác bị thương. Sau vụ việc đã khiến lễ hội phải tạm dừng 3 năm. Khi được tổ chức lại, sự kiện được bảo đảm an ninh hơn với nhiều cảnh sát tuần tra và các biện pháp kiểm soát đám đông.
Lễ hội nước của Campuchia có gì đặc sắc?
Trong khi các lễ hội nhỏ diễn ra ở khắp Campuchia, sự kiện chính là lễ hội đua thuyền lại được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh với sự tham gia của hơn 400 thuyền đua. Ngoài ra, một số sự kiện khác cũng được tổ chức tại Siem Reap.
Tại Phnom Penh, đông đảo người dân tập trung bên bờ sông cổ vũ cho những đội thuyền yêu thích, sự kiện diễn ra dưới sự chứng kiến của Quốc vương Norodom Sihamoni. Sau khi cuộc đua kết thúc, người dân có thể tạt vào các quầy hàng để thưởng thức những món truyền thống, tham gia các buổi trình diễn âm nhạc miễn phí hay…
Khi màn đêm buông xuống, người dân lại đổ về bờ sông để theo dõi màn trình diễn thuyền đăng dưới ánh trăng mờ ảo. Kết thúc một ngày lễ hội là màn pháo hoa rực rỡ.
Truyền thống
Đua thuyền không chỉ là một cuộc thi cho vui, đây là sự kiện mà các làng phải dành nhiều tháng để chuẩn bị. Trong khi thợ thủ công bắt tay vào việc trang trí tỉ mỉ các chi tiết trên thuyền trước khi sơn màu, các đội thi hăng hái tập luyện và dân làng chuẩn bị kinh phí để tham gia lễ hội cũng như cổ vũ cho đội nhà. Không chỉ cuộc đua thuyền, các lễ kỷ niệm đặc biệt cũng được tổ chức trong lễ hội nước để người dân bày tỏ lòng thành kính với thần đất và thần sông.
Sampeah Preah Khae diễn ra vào ngày cuối cùng của lễ hội, còn được gọi là lời chào mặt trăng và là dịp để người dân cầu nguyện về một mùa bội thu sau đó. Tại lễ này, sau thời khắc nửa đêm khi người dân Campuchia tập trung tại các đền thờ để cầu nguyện dưới ánh trăng, họ sẽ cùng nhau ăn món “auk ambok” – món cơm được cán dẹt, chiên lên và ăn kèm với chuối, dừa.
Chuẩn bị tham gia mùa lễ hội nước Campuchia
Trong dịp lễ hội nước Bon Om Touk, các khách sạn và nhà nghỉ nhanh chóng kín chỗ nên bạn cần lựa chọn thời điểm thích hợp để đặt vé. Việc tìm kiếm phương tiện đi lại cũng khá khó khăn nên du khách cần lên kế hoạch đặt xe taxi hoặc xe buýt. Phần lớn các khu vực trong thành phố Phnom Penh là phố đi bộ trong dịp lễ nên bạn cần phải kiểm tra vị trí khách sạn sao cho thuận tiện cho việc di chuyển.
Trong trường hợp bạn muốn theo dõi lễ hội từ phía xa, bạn có thể đặt trước bàn tại các quán bar trên tầng mái như Le Moon, FCC hay The Quay Boutique. Các lễ hội tại Siem Reap sẽ được tổ chức xung quanh sông Siem Reap, tuy nhiên lượng người đổ về nơi đây không đông đúc bằng khu vực thủ đô Phnom Penh.