Khám phá các món đặc sản mang về làm quà khi ghé thăm xứ dừa Bình Định
Từ sân nhà ra đến ven đê, những trảng dừa mướt mắt tạo thành tấm lá chắn tự nhiên cho đất Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) khỏi nắng gió, bão bùng… Dừa trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống người Tam Quan, có lẽ vì thế người dân nơi này lưu giữ hương dừa trong mọi món ăn. Từ bánh tráng dừa, bánh hồng, bánh ít đến bánh trụng…, ít nhiều đều có nguyên liệu là nước cốt dừa, hoặc cơm dừa, để bánh luôn thoảng vị quê hương.
Bánh tráng nước dừa
Đây là một loại bánh được làm từ bột gạo xay, có vị béo đặc trưng của dừa. Trong chiếc bánh ấy, người làm ra nó còn tâm huyết cho vào đấy những gia vị khác. Như: tiêu đập dập, hành củ giã nhỏ, chút nước cốt dừa, cơm dừa xay nhỏ, mè, chút muối… Để tổng hòa các gia vị này làm nên hương vị đặc trưng. Khi nướng cần có lửa thật hồng, than đủ độ nóng thì bánh mới chín, giòn tan. Còn không sẽ bị chai ăn không ngon và không thể cảm nhận được tất cả các hương vị có trong chiếc bánh.
Người thợ làm bánh phải là người có kinh nghiệm trong việc xay, lắng bột, nêm nếm gia vị. Và tráng bánh cũng phải khéo sao cho bánh có độ dày đồng đều. Lửa phải thật đượm và người thợ đó phải rất vất vả bởi suốt ngày ngồi cạnh bếp lửa nóng. Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè thì vô cùng khó khăn. Có được chiếc bánh ngon đến tay người thưởng thức là cả một quy trình mà người thợ phải nhọc nhằn, miệt mài lao động.
Trước đây, bánh tráng dừa Tam Quan khá to. Nhưng sau này, để tiện cho việc vận chuyển và sử dụng, kích thước đã được thu nhỏ, dù vậy vẫn to và dày hơn các loại bánh tráng khác, cần nướng lên mới ăn được. Trên bếp than hoa lửa hồng tí tách, miếng bánh tráng phồng lên, lát hành tím và mè chín dậy mùi thơm phức, hòa với hương dừa ngọt ngào.
Bánh trụng
Người dân Bồng Sơn không ai không biết món bánh trụng, hay còn gọi là bánh hòn. Chỉ cần ba, bốn cái cho bữa xế là bụng đã lưng lửng. So với các loại bánh khác, bánh trụng ít được biết đến hơn, một phần vì khó bảo quản hơn. Đây là loại bánh nấu xong ăn liền, nếu để qua một buổi sẽ dễ bị thiu.
Vỏ bánh trụng được làm từ bột mì nhứt. Nhào bột thật kỹ sao cho dẻo và không dính tay. Nhão quá thì bột sẽ chảy mà khô quá thì bánh sẽ bị vỡ. Lấy ít bột vo viên rồi cán dẹt, cho nhân vào và bọc lại. Nhân bánh trụng là dừa bào sợi, đậu đen, hành tỏi, tiêu, gia vị… Đậu đen đã được hầm từ trước cho mềm rồi mới trộn với các nguyên liệu còn lại cho thấm. Sau đó bánh được đem đi luộc hoặc hấp cách thủy khoảng 10-15 phút, khi nào vỏ bánh chuyển màu trong là được.
Có lẽ cái cái tên “bánh trụng” xuất phát từ chính khâu chế biến dân dã này, nấu chín bằng cách trụng bánh. Sau đó, vớt bánh ra, quét lớp dầu hành hoặc dầu hẹ lên trên. Lớp dầu này vừa thơm, vừa giúp bánh không bị dính vào nhau.
Bánh trụng có lớp vỏ mỏng gần như trong suốt, dai nhẹ nhờ vỏ bột mì. Nhân đậu vừa bùi vừa mềm, thêm miếng dừa giòn nhẹ hòa quyện với các gia vị khác rất vừa miệng.
Bánh hồng
Nếu bạn chưa biết thì, bánh hồng cũng là một món đặc sản lâu đời của miền đất võ Bình Định bên cạnh bánh ít lá gai, bánh tráng nước dừa… Món bánh này vốn được coi là biểu trưng cho tin vui, thường xuất hiện vào dịp đặc biệt như đám cưới hỏi của người dân địa phương.
Tương tự như nhiều loại bánh truyền thống khác, nguyên liệu làm ra bánh hồng đều rất dân dã bao gồm gạo nếp, đường kính và dừa. Tại Bình Định có rất nhiều vùng làm bánh hồng. Nhưng chỉ riêng bánh hồng của thị trấn Tam Quan mới được đánh giá là đặc sắc hơn cả vì làm từ gạo nếp Ngự có tiếng thơm và dẻo.
Tuy có tên gọi là bánh hồng nhưng sự thực bánh chỉ toàn một màu trắng từ trong ruột ra đến ngoài vỏ. Thậm chí, thức quà này không hề sở hữu bề ngoài bắt mắt mà lại còn có phần thô kệch.
Tấm bánh to, dày khoảng 2-3 cm lại dẻo nên không hề dễ cắt thành hình thoi đúng điệu. Khi cắt lát, tảng bánh để lộ ra phần ruột màu trắng đục không mấy mịn màng mà lỗ chỗ lỗ khí rỗng.
Bánh không quá ngọt, lại vừa dẻo vừa dai dai, sần sật của dừa cũng như dậy thơm mùi nếp. Tuy nhiên, khi để ngoài ngoài không khí lâu bánh sẽ dần đanh lại, mất đi độ mềm lúc mới mua.
Nếu là người yêu thích hương vị truyền thống thì không gì sánh bằng thú vui uống trà thưởng bánh hồng thanh tao. Ngược lại, với những ai đang mong chờ một điều gì đặc biệt thì có lẽ thức quà quê này chưa đủ cuốn hút, đặc sắc hay gây thương nhớ.
Bánh hồng không thể để nguyên miếng to mà cắn vì sẽ dễ nghẹn, lớp bột năng bên ngoài cũng dễ làm lấm lem. Vì vậy phải đợi bánh nguội, cắt miếng vuông nhỏ rồi thưởng thức. Bên tách trà mạn, ăn miếng bánh hồng thoảng hương dịu nhẹ của gạo nếp, béo thơm sần sật của dừa, vừa dẻo vừa mềm thì mới thấm được độ tao nhã và tinh tế của món đặc sản này.