Du lịch hứa hẹn bùng nổ với kỳ nghỉ Tết 9 ngày
Kỳ nghỉ Tết 9 ngày được chốt sớm kích thích khách Việt đi du lịch, một số công ty lữ hành ghi nhận lượng đặt dịch vụ đạt 30% sau một tuần và tiếp tục tăng.
Hoàng Vũ, sống tại Hà Nội, nghe tin đề xuất nghỉ Tết 9 ngày đã tính tới chuyến du lịch Trung Quốc cùng gia đình từ tháng 9 nhưng chưa chốt vì sợ thay đổi. Khi lịch nghỉ chính thức được thông qua, anh cho biết sẽ sắp xếp để cả nhà cùng du lịch một chuyến đi Cửu Trại Câu từ mùng 2 Tết (30/1/2025). Vũ nhận xét kỳ dài, chốt sớm giúp anh có thời gian vừa chuẩn bị Tết vừa chuẩn bị cho chuyến đi.
Văn phòng Chính phủ hôm 26/11 thông báo Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về phương án nghỉ Tết 9 ngày, từ 26 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng (25/1-2/2/2025).
Các công ty lữ hành đánh giá kỳ nghỉ 9 ngày sẽ tạo tác động tích cực tới ngành du lịch cả trong và ngoài nước sau một năm nhiều khó khăn. Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt nhận xét lợi ích dễ thấy nhất là nhu cầu du lịch được phân bố đều, tránh dồn ứ như những năm trước, gây cảnh tắc nghẽn bến tàu, xe, sân bay.
“Mọi người có nhiều thời gian lên kế hoạch cho kỳ nghỉ, từ về quê tới du lịch trong nước, còn lữ hành hưởng lợi rất lớn”, ông Đạt nói.
Thay vì tất cả khách hàng cùng đặt tour vào những ngày Tết, các công ty có thể chia nhỏ nhiều đợt du lịch trong suốt kỳ nghỉ, giúp tăng trưởng doanh thu, tránh cung không đủ cầu. Điều này cũng giúp giảm áp lực cho các dịch vụ du lịch, từ lưu trú đến các điểm tham quan giải trí.
Phó tổng giám đốc Phạm Anh Vũ của Du lịch Việt nhận xét lịch nghỉ dài kích thích mạnh mẽ nhu cầu du lịch của người dân, đặc biệt khi kỳ nghỉ Tết dương chỉ một ngày, du khách hầu như không đi chơi. Ngoài ra, kế hoạch nghỉ được chốt sớm tạo điều kiện thuận lợi cho công ty lữ hành chuẩn bị các sản phẩm du lịch phù hợp, đàm phán giá với đối tác, tránh những bất tiện từng xảy ra trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua.
80% sản phẩm dịp cuối năm, đầu năm mới của Du lịch Việt hiện tập trung vào dịp Tết Âm lịch. Lượng đặt trước dịch vụ tính tới đầu tháng 12 đạt 30%, dự báo còn tăng tiếp tới cuối tháng. Đại diện công ty nói đang làm việc với các đối tác để cung cấp dịch vụ cho lượng khách “khổng lồ” dịp Tết, ước đạt gần 30.000 lượt, tăng 20-30% so với năm ngoái.
Theo đánh giá của nhiều đơn vị lữ hành, kỳ nghỉ năm nay phù hợp cho những chương trình du lịch dài ngày. Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Danh Nam Travel, nói đã chuẩn bị sớm từ khi có đề xuất nên xây dựng đến 80% tour Tết là các sản phẩm dài 5-7 ngày.
Ông Tùng dự báo các tour Tết với đoàn 25-30 người dễ dàng đạt tỷ lệ lấp đầy 100% từ giữa tháng 1. Các chương trình dự kiến hút khách là Dubai 6 ngày; Bắc Kinh – Thượng Hải, Lệ Giang – Shangri-La hay Trùng Khánh – Cửu Trại Câu.
“Khách hàng không còn bị gò bó với các hành trình ngắn ngày như trước”, bà Phạm Kim Nhung của Startravel Nhung nói. Đơn vị chuyên tour du thuyền này cho biết năm nay sản phẩm của công ty nhận được sự quan tâm từ sớm, kỳ nghỉ dài giúp du khách chọn ngày khởi hành linh hoạt, tránh tình trạng khan hiếm vé hay giá dịch vụ tăng cao cận Tết.
Nhận định khách sẽ đa dạng lựa chọn hơn nhờ lịch nghỉ thoải mái, tuy nhiên, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban tiếp thị Vietravel, đề xuất nên có kế hoạch nghỉ lễ, Tết dài hạn theo tiêu chí 5 năm. Việc này giúp các doanh nghiệp có thể quản lý hiệu quả hơn, đồng thời tạo điều kiện cho người dân có thời gian chuẩn bị kế hoạch nghỉ dưỡng và du lịch. Các điều chỉnh nếu có nên được thực hiện sau mỗi 5 năm để đảm bảo ổn định.
Bà Khanh lấy ví dụ ở Nhật Bản, người dân có khoảng 16 ngày nghỉ lễ trong năm, chưa tính cuối tuần, bao gồm các kỳ nghỉ như Tết Nguyên đán, Tuần lễ Vàng và lễ Ubon. Kỳ nghỉ cố định dài giúp người Nhật có thể lên kế hoạch công việc và du lịch rõ ràng, chủ động sắp xếp thời gian.
Ông Đạt nói thêm người lao động ngày càng vất vả, thiếu thời gian nghỉ ngơi giúp tái tạo năng lượng thể chất lẫn tinh thần. Đại diện hiệp hội cũng lưu ý Việt Nam là nước có ngày nghỉ rất ít so với các quốc gia châu Á khác.
Việt Nam có khoảng 10-12 ngày nghỉ mỗi năm với các ngày lễ lớn như Tết Nguyên đán, Quốc khánh và Giỗ Tổ Hùng Vương. Trong khi đó, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan có số ngày nghỉ lễ trong năm khoảng 15-16 ngày, nhờ vào các kỳ nghỉ dài như Tuần lễ Vàng hay Tết Nguyên đán. Các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia và Indonesia cũng có 11-15 ngày nghỉ với nhiều lễ hội tôn giáo và dân tộc khác nhau.
“Duy trì một kỳ nghỉ dài, ổn định giúp mọi người lên kế hoạch nghỉ ngơi và du lịch sớm, thay vì điều chỉnh từng năm”, ông Đạt nói, nhấn mạnh kỳ nghỉ dài, cố định thúc đẩy người dân du lịch, kích thích tiêu dùng, tác động tích cực đến nền kinh tế.