Du lịch chùa Hương khám phá các địa danh nổi tiếng
Không giống bất kỳ nơi nào, chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng, trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Khi tới tham quan hành hương du lịch chùa Hương, bạn sẽ được trải nghiệm thiên nhiên sông núi nước non tuyệt vời ra sao.
Tạo hóa đã khéo bày đặt cho nơi đây núi non, sông nước hiền hòa và rồi con người đã thổi hồn vào những điều kỳ diệu đó khiến nó trở lên lung linh, sinh động và nhiều màu sắc hơn, chính điều đó đã tạo nên nét văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của dân tộc.
Đền Trình
Nơi bạn dừng chân đầu tiên trong chuyến du lịch chùa Hương là đền Trình. Tên chữ là Ngũ Nhạc Linh Từ, là một trong những di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng trong khu thắng cảnh Hương Sơn. Ngồi đền gắn liền với truyền thuyết về một vị thần tướng tên Hùng Lang, do trời cao phái xuống cứu giúp đất nước.
Sau khi đã phò trợ Phù Đổng Thiên Vương tiêu diệt xong giặc Ân, ngài đã để lại kim ngân nhà vua ban tặng mình lại cho dân làng Yến Vỹ và bay về trời. Nhà Vua hay tin đã cho lập đền thờ Ngài ở núi Ngũ Nhạc ngàn năm thờ phụng.
Trong chiến tranh, đền Trình đã bị tàn phá khá nhiều và được phục dựng lại từ năm 1992 với phong cách kiến trúc theo kiểu chữ “Tam” (hậu cung – đại bái – tiền đường), nổi bật bởi những bức tứ linh tứ quí chạm trổ tinh xảo tăng thêm vẻ thiêng liêng.
Chùa Thiên Trù
Theo một số sử ký còn lưu lại có chuyện kể rằng, trong một chuyến tuần thú phương Nam lần thứ hai, Vua Lê Thánh Tông cùng tướng sĩ qua vùng núi Hương Sơn nghỉ lại ở thung lũng núi Lão và cho quân lính thổi cơm ăn. Trong lúc thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, Vua xem thiên văn thấy vùng này ở vào vị trí của sao Thiên Trù (Bếp Trời – một sao chủ về ăn uống) nên nhân đấy nhà Vua đặt tên cho thung lũng này là Thiên Trù.
Chùa Thiên Trù có niên đại hơn 400 năm (được xây dựng vào năm 1686). Trải qua nhiều năm chiến tranh, chùa bị phá hủy vào năm 1945, di tích còn sót lại của chùa chỉ còn tháp Thiên Thủy và tháp Viên Công. Kiểu kiến trúc của ngôi chùa có tên là “Ngũ môn tam cấp” – tức năm cửa ba bậc.
Hai bên sân là hai dãy nhà tranh làm cho du khách nghỉ ngơi trong ngày hội. Trước bảo thềm thứ nhất có đặt một đỉnh đồng cao đến 3m lúc nào cũng khói nhang nghi ngút. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng lại theo nguyên bản nhỏ hơn ngôi chùa cũ vào năm 1988.
Động Tiên Sơn
Động được mở mang cùng thời với Chùa Thiên Trù và Chùa Hương vào thế kỷ (XVI – XVII), nhưng do bến cố của thiên nhiên động đã bị đất đá lấp đi. Vào năm 1903 một người dân địa phương cùng với con trai đi đào củ mài trên núi Tiên, đánh rơi con dao xuống một hang sâu lần xuống tìm và phát hiện ra động Tiên Sơn. Đến năm giáp thìn 1904, Hội thiện thôn Yến Vĩ đã quyên công quyên sức mở lại động Tiên Sơn và mở thêm một cửa động thứ hai ở bên phải.
Năm Đinh Mùi 1907 Hội thiện hưng công đức tạc 5 pho tượng từ 3 phiến đá bạch thạch đào được ở trong động (khi mở cửa động thứ 2). Năm pho tượng đó tạc gia đình bà chúa Ba, sau khi đến Chùa Hương chữa bệnh và tu thành chính quả… Động Tiên Sơn tuy nhỏ nhưng có địa thế và nhiều nhũ đá rất đẹp, như: bàn tay phật, ngà voi trắng, trái tim, khánh đá, chiêng đá, khi gõ vào phát ra những âm thanh như tiếng nhạc.
Chùa Giải Oan – Địa điểm du lịch chùa Hương
Trên đường vào động Hương Tích bạn sẽ đến được dòng Hồ Khê (hay suối Giải Oan). Từ đây nhìn lên phía bên trái là chùa Giải Oan tọa lạc trên triền núi thấp, nơi gắn liền với câu chuyện về Phật Bà Quan Thế Âm thờ trong động Hương Tích. Sau khi được thần núi cứu từ pháp trường về Chùa Hương, tại đây Ngài trút bỏ hồng trần để vào động Hương Tích tu hành.
Ngôi chùa Giải Oan cổ xưa với kiến trúc mái ngói đỏ cong vút, từng cánh cửa cổ mộc mạc, gần đó là một giếng nước nhỏ, gọi là giếng Thiên Nhiên Thanh Trì với làn nước trong vắt, thuần khiết.
Đền Trấn Song
Khi xưa đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ do dân làng Yến Vỹ xây dựng để thờ bà “Chúa Rừng“- một vị thần hiện thân cho núi rừng được cho là sẽ mang đến may mắn và của cải. Đền ở trên thế núi cao, dưới chân núi là một thung lũng khá sâu, nhìn qua thung lũng là một võng núi, nên còn được gọi là Đền Cửa Võng.
Ngôi đền này không những là cảnh đẹp của chùa Hương mà còn là nơi lưu giữ những dấu ấn văn hoá, lịch sử của dân tộc. Tiêu biểu là vào năm 1958, khi Bác Hồ ghé thăm Chùa Hương đã nghỉ trưa tại đây.
Động Hương Tích – Điểm trung tâm du lịch chùa Hương
Với độ cao 390m, động Hương Tích được coi là trung tâm của khu thắng cảnh chùa Hương, và được xem là Nam Thiên đệ nhất động – động đẹp nhất Việt Nam. Trong động là nơi thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Pho tượng Phật Quan Âm này được làm bằng đá quý với những đường nét tạc khắc tuyệt đẹp dưới triều nhà Nguyễn Tây Sơn.
Từ cửa động xuống ta phải qua 120 bậc đá, hai bên là rừng cây xanh rờn tựa chốn bồng lai. Bên trong động là những khối thạch nhũ kiều diễm với nhiều dáng hình độc đáo: cái tựa như 9 con rồng gọi là “cửu long Tranh Châu “, Cái tựa như Cây Vàng – Cây Bạc, hay một con trâu,… Nổi bật chính là chiếc bệ đá hoa sen được điêu khắc rất tinh vi, do hai vị phi tần của vương triều Lê – Trịnh dâng tặng . Còn có những pho tượng đồng được đúc từ những năm Ất Dậu (1705), đời Vua Lê Dụ Tông.
Xem thêm: Nhiều hãng hàng không hủy tuyến bay Hàn Quốc – Việt Nam vì dịch lây truyền Covid-19
Chùa Hinh Bồng
Động Hinh Bồng một trong những lâu năm bậc nhất phía bắc Việt Nam được xây dụng vào những năm Nhâm Thân (1932), hội thiện làng yến Vỹ (làng sở tại) đến xin với quan tỉnh để chấp thuận xây dựng một ngôi động ở núi Thung Gạo, mượn tên là động Hinh Bồng.
Được xây dựng từ năm 1932, chùa Hinh Bồng cũng được xem là một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở Hương Sơn. Đường lên động khá dốc và uốn khúc như thử thách lòng kiên trì của những người mộ đạo. Bên trong động thu hút bởi những nhũ đá kỳ vĩ tựa những chiếc đèn chùm sống động.