Cẩm nang du lịch Quảng Nam 2024
“Du lịch Quảng Nam là điểm đến tuyệt vời với sự hòa quyện tinh tế giữa cảnh đẹp tự nhiên và các di sản văn hóa, lịch sử. Du lịch Quảng Nam hấp dẫn với những bãi biển tuyệt đẹp, những con phố cổ lung linh và nền ẩm thực phong phú.”
Đôi nét về Quảng Nam
Tỉnh Quảng Nam nằm ở khu vực Nam Trung Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cách Hà Nội 820 km về phía bắc, thành phố Đà Nẵng 60 km về phía bắc và TP HCM 900 km về phía nam.
Quảng Nam giáp thành phố Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế, Kon Tum và Quảng Ngãi, đường bờ biển dài 125 km và gần 160 km đường biên giới với Lào. Thủ phủ của tỉnh là thành phố Tam Kỳ, ngoài ra còn có đô thị cổ Hội An, thị xã Điện Bàn và 15 huyện. Quảng Nam cũng là địa phương có nhiều di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận nhất cả nước, gồm phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.
Quảng Nam có hai mùa mưa (tháng 10-12) và khô (tháng 2-8), chịu ảnh hưởng của mùa đông miền Bắc. Nhiệt độ trung bình năm 26 độ C, thấp nhất khoảng 12 độ C. Các tháng trong năm đan xem nhiều kiểu thời tiết và khá nhiều mưa. Thời điểm du lịch Quảng Nam đẹp nhất từ khoảng tháng 2 đến cuối mùa hè.
Di chuyển đến Quảng Nam bằng phương tiện gì?
Đường hàng không
Du khách tới Quảng Nam có thể hạ cánh ở sân bay Đà Nẵng hoặc Chu Lai. Dựa theo điểm đến để chọn sân bay cho phù hợp. Nếu tới Hội An, nên bay Đà Nẵng và di chuyển đường bộ khoảng 30 km, trong khi Chu Lai tới Hội An là 70 km. Nếu tới thành phố Tam Kỳ, khoảng cách từ sân bay là 25 km.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng
Các hãng hàng không nội địa Vietjet Air, Vietnam Airlines, Bamboo Airways đều bay tới Đà Nẵng hàng ngày từ Hà Nội và TP HCM, với nhiều chuyến. Giá vé khứ hồi dao động từ 2,5 triệu đến 5 triệu đồng tùy thời điểm. Đường bay nội địa tới Chu Lai chỉ có của Vietnam Airlines, giá vé khứ hồi từ 2,5 triệu đồng.
Đường sắt
Các đôi tàu Thống Nhất khởi hành từ Hà Nội và TP HCM gồm SE 1-2, SE 3-4, SE 5-6, SE 7-8 và SE 11-12 đều dừng ở ga Tam Kỳ. Giá vé khứ hồi dao động từ 1,5 triệu đồng đến 2,7 triệu đồng, phụ thuộc vào loại tàu, loại toa và vị trí trong toa.
Đường bộ
Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đều chạy qua tỉnh Quảng Nam, thuận tiện di chuyển cho du khách từ ba miền đất nước.
Xe khách từ Đà Nẵng đi Hội An hoặc Tam Kỳ có các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển và du lịch như Hội An Express, Queen Cafe, Đồng Hành Travel Bus, Hạnh Cafe, Sinh Cafe, Hà Linh, Trường Thịnh. Các loại xe gồm có limousine hoặc xe 45 chỗ, giá vé từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng một lượt.
Xe buýt số 14 chạy tuyến trung tâm Đà Nẵng – Hội An và ngược lại, mỗi chuyến cách nhau 15-20 phút. Giá vé 30.000 đồng. Thời gian di chuyển khoảng 1 tiếng 15 phút. Nối chuyến Tam Kỳ tại Hội An.
Taxi hoặc xe dịch vụ 5-7 chỗ chạy tuyến Đà Nẵng – Hội An có giá từ 200.000 đồng. Ngoài ra, du khách cũng có thể chọn những chuyến xe ghép (đi chung với người khác) từ ga hay sân bay.
Đường biển và đường thuỷ nội địa
Quảng Nam có cảng Trường Hải ở khu kinh tế mở Chu Lai. Tuy nhiên, đây chỉ là cảng dành cho các tàu chở hàng cỡ lớn. Tàu du lịch thường cập cảng tại Thừa Thiên Huế hoặc Đà Nẵng, sau đó du khách di chuyển đường bộ.
Từ biển Cửa Đại, khách có thể tới Cù Lao Chàm bằng tàu cao tốc dạng nhỏ (cano) của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Hằng ngày có các chuyến từ 7h30 đến 17h. Giá vé là 100.000 đồng một người một lượt.
Du lịch Quảng Nam không thể bỏ lỡ
Phố cổ Hội An
Hội An chắc chắn là nơi không thể bỏ qua khi đến Quảng Nam. Đây là một trong hai Di sản văn hoá thế giới của tỉnh với giá trị văn hoá và kiến trúc cổ còn gần như nguyên vẹn. Hội An còn là điểm đến cho người yêu ẩm thực, thời trang và nhiếp ảnh. Ở Hội An có nhiều món ăn ngon và đặc trưng như cao lầu, mì Quảng, bánh đập, bánh bao – bánh vạc. Hội An còn có những góc phố đẹp, những bức tường vàng cổ kính, mái ngói rêu phong.
Phổ cổ Hội An được du khách nước ngoài đánh giá là “thành phố đẹp nhất”, có các dịch vụ được du khách thích thú như may quần áo hay đóng giày lấy ngay.
Rừng dừa Bảy Mẫu
Rừng dừa Bảy Mẫu (rừng dừa Cẩm Thanh) là khu du lịch sinh thái nổi tiếng, cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 3 km. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm ngồi thuyền thúng tham quan rừng dừa xanh giữa không gian yên bình, được chiêm ngưỡng tiết mục múa thúng, đua thuyền và thưởng thức đặc sản địa phương.
Giá vé vào cổng 30.000 đồng một người. Giá thuê thuyền thúng là 150.000 đồng đến 200.000 đồng một thuyền. Giờ mở cửa từ 7h đến 17h hàng ngày.
Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc huyện Duy Xuyên, cách Hội An 40 km. Đây là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chăm Pa xưa. Khu vực này được một nhóm lính Pháp phát hiện năm 1885, tiếp sau đó nhiều nhà nghiên cứu và khảo cổ khác cũng đã tới đây.
Thánh địa Mỹ Sơn nằm trong thung lũng có đường kính khoảng 2 km, xung quanh là đồi núi, gồm 70 công trình đền tháp được chia thành nhiều cụm. Kết cấu mỗi cụm gồm đền thờ chính, bao quanh là những ngôi tháp nhỏ. Đền chính tượng trưng cho núi Meru, trung tâm của vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh và thờ thần Siva.
Phong cách kiến trúc ở đây được chia làm 6 loại: phong cách cổ, Hòa Lai, Đông Dương, Mỹ Sơn, Po Nagar và phong cách Bình Định. Các họa tiết thường gặp là hoa lá, động vật như voi hoặc sư tử, hình tượng Kala – Makara (biểu tượng của người Chăm Pa), hoạt cảnh vũ nữ Apsara, nhạc công, chư thiên đứng hộ trì hay thủy quái Makara.
Khu di tích mở cửa từ 6h đến 17h từ thứ 2 đến chủ nhật. Giá vé: 100.000 đồng (người Việt Nam) và 150.000 đồng (người nước ngoài).
Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm cách trung tâm thành phố Hội An gần 20 km, có tổng diện tích khoảng 15,5 km2 với 3.000 dân sinh sống. Nơi đây bảo tồn gần như nguyên vẹn hệ sinh thái biển gồm 950 loài thủy sinh, trong đó có nhiều loài cá, san hô quý hiếm.
Hòn đảo cũng là điểm đến thích hợp để du khách có thể khám phá trong ngày. Chùa Hải Tạng, bến tàu tránh bão, giếng cổ Chăm, di tích Bãi Ông là các điểm đến trên đảo. Du khách có thể đi câu cá, mực, lặn ngắm san hô, thưởng thức hải sản tươi sống. Trên đảo không có khách sạn, du khách muốn ở lại qua đêm, liên hệ trước các nhà dân.
Làng bích họa Tam Thanh
Làng bích họa Tam Thanh nằm ở thôn Hoà Trung, xã Tam Thanh, cách TP Tam Kỳ khoảng 7 km. Ngôi làng toạ lạc ở địa điểm một mặt giáp biển và mặt còn lại giáp sông Trường Giang. Làng có khoảng 30 bức tranh sắc màu rực rỡ phủ trên những bức tường cũ. Những ngôi nhà liền nhau trong làng tạo nên không gian tranh sống động. Các bức bích họa ở làng chài đều toát lên cảnh quan, cuộc sống, con người, sinh vật biển…
Tuy nhiên, các bức tranh được thực hiện từ năm 2021, gần đây nhiều bức tranh đã bạc màu, bị bôi xóa, phủ sơn khiến tổng thể xuống cấp.
Các bãi biển
Cửa Đại, Hà My, An Bàng, Thăng Bình là những bãi biển nổi tiếng ở Quảng Nam. Đây đều là những bãi biển đẹp với nước xanh trong, cát trắng, thoai thoải, thích hợp để tắm. Trong số này, Cửa Đại là bãi biển được khai thác du lịch nhiều nhất, nhưng khoảng 10 năm gần đây bị xâm thực, mỗi năm sóng cuốn trôi hàng trăm mét đất. Chính quyền địa phương đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nỗ lực cứu Cửa Đại. Năm 2022, hơn 2 km đê ngầm chắn sóng được xây dựng, khoảng 500.000 m3 cát được đổ xuống để tái lập bãi biển sau nhiều năm sạt lở. Cửa Đại đang dần hồi sinh.
Bãi biển Cửa Đại
Ngoài ra, còn có một số bãi tắm nhỏ hơn như bãi Rạng, biển Tam Thanh.
Khu di tích quốc gia hồ Phú Ninh
Cách trung tâm thành phố Tam Kỳ 7 km, hồ Phú Ninh là địa điểm du lịch sinh thái nổi bật của Quảng Nam. Với khí hậu mát mẻ, rừng nguyên sinh và hơn 20 đảo lớn cùng mỏ nước khoáng tự nhiên, du khách sẽ được tự do tham quan, tận hưởng không gian thiên nhiên xanh mát và tham gia nhiều trò chơi, hoạt động ngoài trời.
Tượng đài mẹ Thứ
Quảng Nam không chỉ có những địa điểm du lịch thiên nhiên và văn hoá mà còn có các di tích lịch sử, trong đó nổi bật là tượng đài mẹ Thứ. Tượng đài được xây dựng tại xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ với quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Đây là nơi tưởng niệm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Bà là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ: 9 con trai, một người con rể và 2 cháu ngoại.
Tượng chính cao 18,5 m làm bằng đá hoa cương, vận chuyển từ Bình Định, khắc họa hình dáng người mẹ như đang mở rộng vòng tay ôm trọn những đứa con của đất nước. Bên cạnh tượng chính là các khối tượng chạy dài theo hình cánh cung rộng 120 m.
Làng gốm Thanh Hà
Du lịch Quảng Nam không thể không nhắc đến những làng nghề truyền thống. Làng gốm Thanh Hà là nơi bạn có thể ngắm nhìn những sản phẩm gốm mỹ nghệ tinh xảo được làm từ bàn tay của những nghệ nhân xứ Thanh Hà. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự tay làm nên những sản phẩm cho riêng mình để làm kỷ niệm hoặc mang về cho người thân và bạn bè.
Thành phố Tam Kỳ
Tại thành phố Tam Kỳ, du khách có thể tham quan bảo tàng tỉnh Quảng Nam, địa đạo Kỳ Anh, tháp Chiên Đàn. Các điểm du lịch kể trên như tượng đài mẹ Thứ, biển Tam Thanh, làng bích họa Tam Thanh, hồ Phú Ninh đều chỉ vài km di chuyển từ trung tâm thành phố.
Ẩm thực Quảng Nam
Bê thui Cầu Mống
Bê thui là món ăn phổ biến ở các tỉnh miền Trung, nhưng ngon và nổi tiếng nhất phải kể đến Cầu Mống, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn. Nếu đi theo quốc lộ 1A, du khách sẽ thấy các quán bê thui san sát nhau và quán nào cũng đông khách.
Những con bê khoảng 4-5 tháng tuổi, cân nặng 50-60 kg được giết thịt, lấy lòng, nhồi các loại lá cây khử mùi như sả, chanh, rồi dùng dây thép khâu lại, lấy một thân cây dài xiên dọc theo thân bê, gác lên hai đầu bếp than lửa vừa và thui. Khi thui, quay đều bê để thịt chín tái, mềm và ngọt, da bên ngoài vàng. Bê chín được xẻ thành từng mảng lớn, treo trong tủ kính, khi có khách mới thái thành từng lát mỏng, xếp ra đĩa. Ăn bê thui không thể thiếu mắm nêm miền Trung, rau sống và bánh tráng cuốn.
Mì Quảng
Đây là món ăn có nguồn gốc từ Quảng Nam – Đà Nẵng (xưa). Mì Quảng được làm từ bột gạo xay mịn với nước từ hạt dành dành và trứng cho màu vàng, sau đó tráng thành từng lớp, rồi thái để có những sợi 5-10 mm.
Dưới lớp mì là các loại rau sống, đúng kiểu xứ Quảng phải có 9 loại mới tạo được hương vị gồm húng quế, xà lách, cải non, giá chần (hoặc sống), ngò rí, rau răm, hành hoa thái nhỏ và hoa chuối cắt mỏng. Ăn cùng là thịt lợn, tôm, thịt gà, thịt cá lóc (cá quả), trứng cút. Các thành phần phụ khác có lạc rang giã dập, sa tế ớt. Nước dùng được gọi là nước nhân, cô đặc và sệt sệt. Tô mì Quảng luôn được dùng kèm với bánh đa.
Cao lầu
Đây được xem là đặc sản của Hội An. Món ăn có sợi mì to, dùng cùng tôm, thịt lợn, các loại rau sống và một chút nước dùng. Sợi mì vàng là do bột được hòa chung với tro từ một loại cây ở địa phương.
Tên gọi “cao lầu” có nghĩa là món ăn cao lương mỹ vị và được thưởng thức trên lầu cao. Thực khách có thể vừa dùng món ăn, vừa ngắm cảnh đẹp phố phường Hội An từ cao. Cao lầu xuất hiện từ thế kỷ 17, khi các thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản tới Hội An buôn bán. Món ăn được xem là sự pha trộn giữa nền ẩm thực Trung và Nhật. Sau này, cao lầu được biến tấu để hợp khẩu vị với người Việt, rồi trở thành đặc sản miền Trung.
Cơm gà
Tam Kỳ và Hội An là hai địa danh có món cơm gà nổi tiếng. Hàng chục năm trước, cơm gà được bán trên những gánh hàng rong khắp các con đường, ngõ ngách. Dần dần, món ăn phổ biến trong các nhà hàng lớn. Một đĩa cơm gà đúng điệu phải hội tụ đủ các điều kiện, phần cơm dẻo, thơm, thịt gà chắc, ngậy, lòng gà đậm vị, có đu đủ bào giòn, chua hòa cùng rau răm và không thể thiếu chút tương ớt rim. Phần nước luộc gà dùng để nấu cơm, khi gạo chuyển màu trắng đục, se hạt thì thêm nước cốt nghệ đảo đều để gạo nổi màu vàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: VnExpress
ĐỌC THÊM: