Bạn biết hết những địa danh từng lên phim tại Huế chưa?
Huế nổi tiếng với rất nhiều những địa danh nổi tiếng, từ phong cảnh cho đến kiến trúc mang tính lịch sử. Nhưng khiến nhiều người biết đến những địa danh này hơn lại là thông qua những bộ phim nổi tiếng. Cùng Focus Asia Travel khám phá những địa danh sau đây nhé.
Cây cô đơn – Phim Mắt biếc
Phim “Mắt biếc” do Victor Vũ đạo diễn, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh. Ra mắt từ ngày 20/12/2019, dự án gây sốt với những cảnh quay bình dị, chân phương, đứng thứ hai danh sách phim Việt ăn khách nhất mọi thời với hơn 172 tỷ đồng. Nhờ thành công của phim, “cây cô đơn” trở thành điểm check-in của nhiều người dân bản địa lẫn du khách.
Đến làng Hà Cảng (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), bạn có thể dễ dàng thấy bảng chỉ đường ra cây cô đơn và trường Đo Đo. Hai địa điểm này nằm ở hướng ngược nhau. Hoặc tới xóm Chùa, bạn chỉ cần hỏi gốc cây nổi tiếng trong phim “Mắt biếc”, người dân Huế sẽ nhiệt tình chỉ đường.
Trên phim, gốc cổ thụ ghi dấu tuổi thơ đẹp của Ngạn và Hà Lan. Chàng trai quê đánh đàn, trò chuyện và lần đầu biết rung động trước người khác phái, nhớ thương nhưng không dám tỏ bày. Vốn yêu thích truyện Nguyễn Nhật Ánh và ấn tượng với bối cảnh bình dị, nhiều du khách trẻ tìm đường đến tận nơi, cùng ghi lại khoảnh khắc đẹp.
Đồi Vọng Cảnh – Phim Mắt biếc
Dù được ekip xác nhận có cảnh quay ở đồi Thiên An, nhưng trong chính đoạn video hậu trường đó vẫn xuất hiện những cảnh ghi hình tại đồi Vọng Cảnh trong phân đoạn Ngạn và Hà Lan đang thong thả dạo quanh. Thậm chí ở gần cuối phim, cảnh Ngạn và Trà Long tình tứ bên nhau cũng được quay tại đây.
Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km, đồi Vọng Cảnh toạ lạc tại số 102 Huyền Trân Công Chúa, phường Thủy Biều, thành phố Huế. Đây là ngọn đồi nằm cách xa Thiên An và thường bị nhầm lẫn là cùng một chỗ với nhau vì khung cảnh khá giống. Trên thực tế, đồi Thiên An cách Vọng Cảnh tới khoảng 10 phút di chuyển bằng ô tô.
Ngọn đồi này được xem là nơi ngắm nhìn cố đô từ trên cao đẹp nhất. Ngọn đồi này cao khoảng 43m, tọa lạc ở phía tây nam thành phố Huế ngay bên cạnh dòng sông Hương thơ mộng nhìn qua núi Ngọc Trản. Đứng từ ngọn đồi, các bạn sẽ nhìn thấy những vườn cây xanh, bóng thông, mái ngói của một vài ngôi làng như Hương Hồ, Hải Cát. Đặc biệt, từ đây bạn cũng có thể thấy được điện Hòn Chén và cực nhiều cảnh quan tuyệt đẹp khác của xứ Huế.
Lăng Khải Định – Phim Mắt biếc
Một địa điểm quen thuộc và nổi tiếng mà bất cứ du khách nào khi đến Huế cũng mong muốn một lần được đặt chân tới nơi này. Lăng Khải Định xuất hiện trong “Mắt Biếc” vẫn giữa nguyên nét trầm mặc và cổ kính của một công trình vô cùng nổi bật nhờ sự kết hợp của nhiều dòng kiến trúc Á – Âu.
Lăng vua Khải Định là nơi Dũng lần đầu nắm tay Hà Lan, đưa cô bé 17 tuổi khám phá thành phố mộng mơ.
Lăng Khải Định được xây dựng trong 11 năm (1920 – 1931), kéo dài 2 đời vua nhà Nguyễn là Khải Định và con mình là Bảo Đại. Dù là công trình lăng có diện tích nhỏ nhất nhưng đây lại là công trình lăng tốn nhiều công sức và tiền của nhất trong các lăng tẩm Triều Nguyễn.
Hoàng Thành Huế – Phim Gái già lắm chiêu 5
Hoàng Thành Huế xuất hiện trong phim Gái già lắm chiêu 5 với nhiều cảnh quay tại Trường Lang, cổng Ngọ Môn, lầu Ngũ Phụng. Tiêu biểu là cổng Ngọ Môn, nơi mà hầu như du khách nào cũng muốn check-in khi tới Huế. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của triều đại Nguyễn, một trong những biểu tượng quan trọng của hệ thống kinh thành Huế.. Đường dẫn vào điện Thái Hòa được tô điểm bởi 2 bên hồ sen Thái Dịch.
Cung An Định – Phim Gái già lắm chiêu 5
Nằm bên bờ sông An Cựu, Cung An Định sở hữu nét kiến trúc vừa cổ kính, đậm dấu ấn truyền thống Việt nhưng cũng mang hơi hướng phương Tây đầy hiện đại. Nơi đây ngày xưa vốn là cung điện riêng của vua Khải Định và vua Bảo Đại. Mệnh danh là “viên ngọc trăm năm của xứ Huế”, Cung An Định được ekip Gái Già Lắm Chiêu 5 “hô biến” thành Cung điện Bạch Trà Viên xa hoa, vương giả của 3 chị em nhà Lý gia, là nơi diễn ra hầu hết các cảnh quay chính trong phim.
Được ví von như là “cung điện mùa hè” của triều đình Huế, cung An Định mang dáng dấp như một tòa lâu đài châu Âu cổ kính tráng lệ, nhưng lại mang họa tiết hoa văn truyền thống cung đình Huế.
Làng cổ Phước Tích – Phim Kiều
Khi bộ phim công chiếu tại Mỹ, nhiều người xem thích thú trước những cảnh đẹp được quay ở Huế xuất hiện trên màn ảnh như hồ Dài ở lăng vua Gia Long, hồ Lưu Khiêm ở lăng vua Tự Đức, hệ thống trường lang trong Tử Cấm thành, vườn ngự uyển Thiệu Phương, làng cổ Phước Tích…
Phim Kiều được chuyển thể từ tác phẩm văn học “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du vừa được khởi quay tại nhiều điểm ở Huế. Theo đạo diễn, Giám đốc sản xuất phim Kiều – Mai Thu Huyền, “Kiều” là một bộ phim cổ trang nên rất cần tìm các bối cảnh có kiến trúc cổ kính, xưa cũ. Huế “hội đủ” các điều kiện đó.
Phước Tích là làng cổ thứ hai được xếp hạng “di tích quốc gia” sau làng cổ Đường Lâm (Hà Nội). Nơi đây lưu giữ 27 ngôi nhà cổ, đa số là nhà rường ba gian hai chái và 10 nhà thờ họ cổ. Trải nghiệm được nhiều du khách ưa thích khi đến đây là đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng…
Chùa Huyền Không Sơn Thượng – Phim Trạng Quỳnh
Chùa Huyền Không Sơn Thượng xuất hiện trong phim Trạng Quỳnh. Chùa được xây vào năm 1989, toạ lạc tại thôn Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà. Huyền Không Sơn Thượng nằm ẩn sâu trong rừng thông xanh tươi khoảng 50 ha, bao quanh bởi những dãy núi, đường vào uốn lượn quanh co nên ít được du khách biết đến.
Sau khi du khách vượt qua đoạn dốc cao, ngôi chùa hiện ra với phong cảnh hài hòa như bức tranh thủy mặc. Không gian ở đây yên tĩnh, âm thanh duy nhất nghe được là tiếng côn trùng kêu lao xao và chim hót líu lo. Cổng vào chùa được viết hai câu đối bằng chữ thư pháp.