5 Địa điểm đi chơi Tết nguyên đán 2020 ở Hà Nội
Dịp Tết đến xuân về là lúc người thân, gia đình quây quần bên nhau. Focus Asia Travel chia sẻ 5 địa điểm đi chơi Tết nguyên đán 2020 ở Hà Nội cho du khách tham khảo để du xuân nhé.
Phủ Tây Hồ – phường Quảng An, Tây Hồ
Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây; nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Phủ Tây Hồ thờ Chúa Liễu Hạnh.
Trong hệ thống điện thần Việt Nam, Chúa Liễu Hạnh là một trong tứ bất tử (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu), là vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ, mà bản chất là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo của Việt Nam.
Người dân tin rằng khi đến đây sẽ được xá tội. ban phúc, giải ách. Đó đó đây là một trong những địa điểm đi chơi Tết quen thuộc và có tiếng bao đời nay. Khi đến đây, bạn còn được thưởng ngoạn cảnh đẹp của phủ, của hồ Tây, hít thở không khí trong lành.
Vào dịp tết thì nơi đây thường rất đông. Thời điểm đông nhất vào khoảng 10h-16h hàng ngày, đặc biệt vào ngày mồng 1,2,3 tết Nguyên Đán. Bạn cũng nên chuẩn bị trước lễ chay, lễ mặn ở nhà. Với các ban thờ phật thì tuyệt đối không thắp đồ mặn và vàng mã.
Đền Quán Thánh – đường Thanh Niên, Quán Thánh, Ba Đình
Đền Quán Thánh hay còn được gọi là Trấn Vũ Quán. Nơi này được xây dựng từ đời vua Lý Thái Tổ. Đền được xây để trấn phía Bắc thành Thăng Long và thờ Huyền Thiên Trấn Vũ Đại Đế Quán.
Nằm ở Hồ Tây trong một khuôn viên xinh đẹp rộng lớn, đền Quán Thánh là một trong bốn “Thăng Long Tứ Trấn” của Thăng Long xưa. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội. Nó là một di tích lịch sử và văn hóa được xây dựng vào thế kỷ thứ 11 để thờ thánh Trấn Vũ – vị thần bảo vệ miền Bắc.
Trải qua các triều đại, đền Quán Thánh đã được trùng tu nhiều lần, nhưng về cơ bản thì không thay đổi nhiều, và được coi là một quần thể kiến trúc đẹp ngày hôm nay.
Một số lưu ý cho bạn khi đến tham quan nơi đây: lễ bái từ giữa rồi sau đó là từ phải sang. Lúc vào thì không đi từ cửa giữa mà vào từ một trong hai cửa bên. Không nên đặt tiền thật lên mâm lễ để cúng bái. Tiền thật thì chỉ nhét vào hòm công đức, không để ở nhiều nơi như tượng hay các ban thờ.
Chùa Trấn Quốc – đường Thanh Niên, Yên Phụ, Ba Đình
Đây là địa điểm đi chơi Tết nguyên đán nhất định phải đến trong những ngày đầu năm mới. Trước đây vào thời Lý – thời kỳ phật giáo hưng thịnh thì chùa Trấn Quốc là trung tâm phật giáo của cả kinh thành.
Trấn Quốc được xem là ngôi chùa lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội khi có lịch sử lên đến 1500 năm. Ngôi chùa tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ năm về phía Đông Hồ Tây thuộc quận Tây Hồ, kết hợp hài hòa giữa nét uy nghiêm cổ kính và cả sự nên thơ, nhã nhặn của vườn cây xanh tươi cùng hồ nước mênh mang đầy thơ tình.
Chính vì thế, không quá khó hiểu khi Trấn Quốc lại được trang Thrillist uy tín bình chọn là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, điểm dừng chân không chỉ dành riêng các tín đồ Phật giáo mà cả khách du lịch thập phương.
Khi đến đây, bạn nên nhớ đi vào chùa từ cổng bên phải và ra từ cổng trái. Ngoài ra thì khi làm lễ bái nên đứng chéo sang một bên, không nên đứng đối diện ban thờ. Bàn thờ Phật thì không cúng tiền vàng mã, lễ mặn, bia rượu. Đi lễ chùa chỉ nên dâng lễ hương hoa, quả, kẹo bánh.
Chùa Kim Liên – Nghi Tàm, Quảng An, Tây Hồ
Chùa Kim Liên có từ thế kỷ 17, được dựng trên dải đất của làng Nghi Tàm, bên bờ hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. Du khách có thể theo đường vành đai phía bắc Hà Nội (dọc đê sông Hồng), đến Nghi Tàm thì rẽ xuống ngõ 1 phố Âu Cơ là đến chùa.
Tam quan chùa Kim Liên là một công trình kiến trúc hết sức độc đáo, trông như bông sen đang độ nở trên mặt nước Tây Hồ bốn mùa sóng phủ. Các chi tiết trên gỗ đều được chạm nổi, chạm lộng hình rồng, hình hoa lá tinh xảo, uyển chuyển.
Đầu đao mái uốn cong, gắn hình tứ linh bằng gốm nung. Ba chữ sơn son “Kim Liên Tự” nghĩa là “Chùa sen vàng” nằm ở chính giữa cửa chùa.
Người dân Hà Nội thường đến đây vào dịp Tết Nguyên đán để cầu may mắn và hạnh phúc cho gia đình và người thân.
Đền Ngọc Sơn – Đinh Tiên Hoàng, Hàng Trống, Hoàn Kiếm
Đền Ngọc Sơn nằm trên một gò đất cao phía Đông Bắc của hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm), Hà Nội.
Vào dịp Tết Nguyên đán thì lượng người đổ về trung tâm thành phố vui chơi rất nhiều. Nhiều người sẽ kết hợp luôn cả việc đi đền lễ bái đầu năm và ngắm cảnh hồ.
Mọi người đến Đền Ngọc Sơn để cầu tài, cầu lộc, cầu may. Và đặc biệt hơn cả là cầu học hành, con đường thi đỗ đạt và sự nghiệp học hành có nhiều thành công, thành tựu.
Trên đây là 5 ngôi đền, chùa – địa điểm đi chơi dịp Tết nguyên đán 2020 ở Hà Nội. Chúc các bạn có kì nghỉ lễ vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình.