Trải nghiệm ngày Tết ở miền Tây

Trong ánh nắng chan hòa, nàng xuân gõ cửa từng nhà mang không khí vui tươi, rộn ràng và đầm ấm đến với sông nước miền Tây. Du lịch miền Tây vào dịp Tết bạn sẽ có cơ hội tận hưởng những phút giây thư giãn thực sự thú vị. Cùng Focus Asia Travel tìm hiểu và trải nghiệm xem ngày Tết ở miền Tây mọi người chuẩn bị như nào nhé.

Các vườn hoa muôn sắc màu

Mùa xuân, mùa đâm chồi nảy lộc, mùa của hạnh phúc và niềm hy vọng. Thời điểm này, tham quan làng hoa kiểng Cái Mơn (Chợ Lách – Bến Tre) cùng làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), du khách sẽ có cảm giác như lạc vào thế giới của màu sắc và hương thơm kỳ ảo.

Trải nghiệm ngày Tết ở miền Tây

Hoa mai, lan, thược dược, mai chiếu thủy, cau bình rượu, tùng, vạn thọ, cúc, ớt kiểng, mãn đình hồng, các loại cây kiểng quí hiếm, tuổi thọ hàng trăm năm cùng 50 loài hoa hồng đua nhau khoe sắc.

Họp chợ Tết trên sông

Cứ mỗi độ xuân sang, chợ nổi miền Tây nhộn nhịp hẳn lên với lung linh sắc tết, màu xanh căng tràn nhựa sống trên những chiếc ghe chở đầy ắp nông sản tươi ngon, chen lẫn sắc vàng rực rỡ của cành mai, vạn thọ, cúc mâm xôi hòa vào ánh mắt và nụ cười nồng hậu của người dân chất phác tạo nên nét quyến rũ đặc trưng cho chợ Tết nơi miệt vườn.

Trải nghiệm ngày Tết ở miền Tây

Du lịch miền Tây những ngày này, du khách đừng quên ghé thăm chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang), Phong Điền (Cần Thơ), Châu Đốc (An Giang)…để cảm nhận không khí náo nhiệt và hòa cùng niềm vui với bà con vùng sông nước.

Ẩm thực và không khí ngày Tết Nguyên đán miền Tây

Ngày Tết miền Tây là ngày gia đình đoàn tụ, bạn bè gặp gỡ hỏi thăm sức khoẻ, công việc, ôn lại kỷ niệm và trao nhau lời chúc an khang, thịnh vượng.

Trong cái không khí lành lạnh, mọi người quây quần bên bếp lửa hồng cùng nồi bánh tét nghi ngút khói, có nhà tráng bánh tráng, quết bánh phồng, làm dưa kiệu, làm mứt, người lớn dựng cây niêu, viết câu đối đỏ, vừa uống trà, vừa trò chuyện râm ran, trẻ nhỏ xúm xít quần áo mới trong nụ cười giòn tan, tươi tắn.

Sáng mùng một, con cháu tề tựu trước bàn thờ tổ tiên, trước là mừng tuổi ông bà, cha mẹ, sau đó cùng nhau dùng bữa cơm để ngày tết thêm đầm ấm, sum vầy. Thịt kho tàu, khổ qua hầm, bánh tét, tôm khô củ kiệu… là những món ăn không thể thiếu trong bữa ăn ngày đầu năm mới.

Món thịt kho tàu với miếng thịt vuông, trứng tròn biểu hiện cho tính hài hòa âm dương, sự vuông tròn cả năm. Khổ qua hầm ngoài tác dụng thanh mát cơ thể còn mang ý nghĩa mong ước những gì cơ cực sẽ qua đi, cầu mong một năm mới tốt đẹp hơn. Bánh tét được gói bằng lá chuối, bên trong là nếp, đậu, thịt mỡ. Màu xanh của lá chuối, nếp dẻo cùng vị ngọt đậu xanh, vị béo ngậy thịt mỡ quyện vào nhau, ăn kèm củ kiệu tôm khô rất ngon miệng.

Những nét riêng của ngày Tết miền Tây Nam Bộ

Theo thông lệ hàng năm, vào ngày mồng hai tết, người dân miền Tây lại nô nức đến đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh ở Châu Thới (Bạc Liêu), Long Đức (Trà Vinh) để thắp hương, tưởng nhớ và bày tỏ lòng kính yêu đối với vị Cha già của dân tộc.

Bên cạnh đó, Tết miệt vườn còn nhiều thú vui tao nhã như tham gia đờn ca tài tử, ngâm thơ cùng các trò chơi dân gian không thể thiếu: lắc bầu cua, hô lô tô, ô ăn quan…

Focus Asia Travel