Tìm hiểu phong tục hỏa táng người mất trên sông Hằng của người Ấn Độ

Tham dự lễ hội bất chấp dịch bệnh

Khoảng 5 triệu người đổ về thành phố Haridwar ở miền bắc để tham dự lễ hội Kumbh Mela chỉ trong một ngày tháng 4, dù sự kiện từng bị trì hoãn do đại dịch. Tại đây, những tín đồ rửa sạch mọi tội lỗi trong dòng nước thiêng của sông Hằng. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: sông Hằng quan trọng như thế nào với người Ấn Độ, đến mức họ bất chấp nguy cơ dịch bệnh để “tẩy uế” ở nơi này?

Varanasi là nơi linh thiêng nhất trong bảy thành phố thiêng của đạo Hindu. Với những tín đồ Hindu giáo, hành hương dài ngày đến Varanasi để được hỏa táng sau khi chết, và rải tro cốt xuống dòng nước thiêng của sông Hằng là một đặc ân. Họ tin rằng chỉ như vậy, kiếp luân hồi của mình sẽ kết thúc, và linh hồn có thể tới cõi Niết Bàn.

Với những người còn sống, hoặc đến thăm Varanasi, ý niệm về cái chết là điều khó tránh khỏi. Trên thực tế, ngành dịch vụ tang lễ đem lại nguồn thu chính cho nền kinh tế của thành phố. Mỗi ngày tại Manikarnika Ghat, bãi thiêu xác lớn của Varanasi, khoảng 100 thi thể được hỏa táng dọc bờ sông Hằng.

Nơi “ra đi” linh thiêng

“Ghat” nghĩa là “bậc thang dẫn xuống dòng nước thánh”, chỉ riêng Varanasi đã có đến 87 cầu thang như thế. Đa số được xây dựng từ năm 1700, khi thành phố trở thành một phần của Đế quốc Maratha. Phần lớn các ghat phục vụ nhu cầu tắm rửa của dân chúng, một số khác là nơi cử hành nghi lễ. Chỉ có vài ghat, trong đó có Manikarnika Ghat, được dùng làm nơi hỏa táng người chết.

Manikarnika Ghat hoạt động quanh năm, bất kể ngày đêm. Ngọn lửa vĩnh cửu của những giàn hỏa thiêu được cho là đã sáng rực hàng thế kỷ. Ngày ngày, nơi đây cũng đầy ắp những người đưa tang.

Nhưng một thực tế đang buồn là những người muốn chết ở Varanasia đều phải chờ trong những khu nhà cứu tế đông đúc trong thành phố. Bạn sẽ gặp vô số người già, nhiều người trong số họ ngày qua ngày ăn xin trên đường phố, tiết kiệm tiền cho tang lễ của chính mình.

Đối với nhiều khách phương Tây, Varanasi thoạt nghe có vẻ là một nơi u ám. Nhưng trên thực tế, thành phố trong mắt người dân là một nơi tràn đầy sức sống và những lễ kỷ niệm. Varanasi có rất nhiều đền thờ nghi ngút hương khói, tổ chức vô số nghi lễ tôn giáo và cúng dường đấng Shiva…

Mục tiêu cuối cùng khi chết của người Ấn Độ

Được chết và được hỏa táng ở Varanasi là cơ hội để kết thúc vòng tròn luân hồi. Đó là một vinh dự lớn, và là mục tiêu cuối cùng của con người đang sống trong cõi tạm, theo quan điểm của các tín đồ đạo Hindu…

Những du khách luôn được chào đón tới xem các nghi lễ hỏa táng, và chia vui với gia đình của những người đã khuất vì họ được nhập Niết Bàn. Ngắm hoàng hôn trên một con thuyền giữa sông Hằng, trước những giàn hỏa thiêu đỏ lửa… là cơ hội để chiêm nghiệm về sự sống và cái chết theo một cách khác.

Khách du lịch được hoan nghênh xem lễ hỏa táng, nhưng chụp ảnh bị nghiêm cấm. Người dân cho rằng những bức ảnh có thể gián đoạn hành trình nhập Niết Bàn của các linh hồn.