Tham quan cuộc sống người dân làng cá Phú Hải – Thừa Thiên Huế

Đời sống nghề đánh bắt hải sản

Bức ảnh thu lại toàn cảnh xã Phú Hải, thuộc bộ ảnh “Hương sắc làng cá Phú Hải” do hai nhiếp ảnh gia xứ Huế, Nguyễn Phong và Kelvin Long, thực hiện. Ngoài các di tích, lăng tẩm nổi tiếng vùng đất cố đô, hai tác giả mong muốn giới thiệu thêm du lịch biển, đời sống ngư dân làng biển ở Huế đến với khách thập phương.

Xã Phú Hải, có diện tích khoảng 3,33 km2, phía đông giáp Biển Đông và phía tây giáp phá Tam Giang, cách trung tâm TP Huế khoảng 20 km. Xã có khu neo đậu, tránh trú bão và làng cá Phú Hải, nằm gần bãi biển Thuận An, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân ổn định và phát triển nghề cá.

Các tàu cá đánh bắt xa bờ neo đậu tại âu thuyền Phú Hải. Vào mùa mưa bão, khu neo đậu tránh trú bão này đủ cho hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ từ các xã Phú Hải, Phú Thuận, Phú Diên; thị trấn Thuận An và các vùng biển lân cận huyện Phú Vang.

Cách âu thuyền Phú Hải khoảng 300 m là làng cá Phú Hải, với các ghe thuyền nhỏ phục vụ bà con đánh bắt gần bờ. Đây là nơi tập trung cư dân của bốn thôn Cự Lại.

Cuộc sống gắn liền với biển

Hầu hết người dân ở đây làm nghề cá, nuôi trồng thủy sản từ khi còn rất trẻ. Vợ chồng anh Tám, chị Nở (ảnh) sinh sống ngay sát làng biển Phú Hải. Trước mỗi chuyến đánh bắt, cũng như những ngư dân khác, họ thắp hương cầu nguyện an toàn và được lộc biển.

Ngư dân dùng đòn gánh thuyền xoay vòng để đẩy thuyền ra biển. Một phương pháp khác thuận lợi và ít dùng sức ngư dân hơn là dùng xe đẩy thuyền. Tuy nhiên, không nhiều hộ có khả năng trang bị phương tiện này.

Vào những ngày sóng cao, công việc đưa thuyền ra biển vất vả hơn. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Phong cho biết ngư dân Phú Hải tùy theo mùa và thủy triều mà có thời gian đánh bắt khác nhau. Do đánh bắt gần bờ, mỗi chuyến họ đi trong ngày thường rơi vào các khung giờ 16h – 4h sáng hoặc sáng sớm đến 14h.

Mỗi chuyến ra biển là thu hoạch hải sản phong phú

Khoảnh khắc ngư dân phấn khởi khi trúng mẻ cá to được chụp bằng ống kính mắt cá tạo hiệu ứng ấn tượng. Dân Phú Hải ngoài thả lưới kéo cá còn câu thêm mực, sau mỗi chuyến đánh bắt hải sản bán được dao động từ 2 – 4 triệu đồng, có khi chỉ đủ tiền dầu cho thuyền ra vào.

Sau chuyến đi biển mệt nhọc, thuyền vào bờ đầy ắp lộc biển, điển hình là các loại cá khoai, cá trích, mực nang và ghẹ xanh. Trên ảnh là mẻ trứng mực.

Các ngư dân trao đổi, mua bán hải sản ngay trên bờ biển, hoặc khi trúng đậm thì mang ra bán ở chợ Cự Lại. Nếu có dịp ghé biển Thuận An, du khách có thể dành thêm thời gian trải nghiệm du lịch sinh thái, tìm hiểu đời sống ngư dân tại xã ven biển Phú Hải.

“Các tàu cá ở đây đều trang bị cờ đỏ sao vàng, được treo mỗi chuyến ra khơi, giúp các tàu nhận diện trên biển. Việc treo cờ còn là trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc vì biển cả là nguồn sống, là quê hương”, anh Tám nói.