Kinh nghiệm du lịch Quản Bạ

Nhắc đến Hà Giang không thể không nhắc đến Quản Bạ – địa điểm sở hữu quá nhiều sự ưu đãi của thiên nhiên. Với Núi Đôi quyến rũ, đẹp mê mẩn lòng người, với Cổng trời hoang sơ nhưng hùng vĩ, với những lễ hội, những món ăn đậm đà hương vị quê hương,… không biết Quản Bạ đã níu chân bao nhiêu con người ưa du lịch bụi mỗi năm.

 

1. Giới thiệu chung về Quản Bạ

Quản Bạ nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Giang. Phía Bắc và Tây giáp Vân Nam – Trung Quốc, phía Nam là huyện Vị Xuyên, phía Đông là huyện Yên Minh. Huyện ly là thị trấn Tam Sơn nằm trên quốc lộ 4C, cách thị xã Hà Giang 46 km về hướng Bắc, cách huyện Yên Minh 52 km về phía Đông.

Quản Bạ

Quản Bạ

 

2. Đến Quản Bạ vào thời gian nào?

Chỉ cần bạn sắp xếp được thời gian và công việc là bạn có thể đến Quản Bạ nói riêng và Hà Giang nói chung bất cứ lúc nào vì mảnh đất này mùa nào cũng có những điều thú vị riêng. Tuy nhiên, nếu có “nhã hứng” ngắm những đồi hoa tam giác mạch thì bạn hãy đến đây vào tháng 10 – 12. Chắc chắn bạn sẽ có những tấm hình lung linh với sắc tím của loài hoa này đấy!

Quản Bạ - Mùa hoa Tam Giác Mạch

Mùa hoa Tam Giác Mạch

 

3. Đồ dùng cần chuẩn bị khi phượt Quản Bạ

Để có một hành trình an toàn và “êm đẹp”, bạn đừng quên mang theo những đồ dùng cơ bản nhất như:

  • Túi thuốc men: thuốc cảm, băng cá nhân, oxy già, thuốc trị côn trùng cắn, dầu gió, thuốc đau bụng, thuốc kháng sinh thông dụng, thuốc say tàu xe, dầu gió…
  • Giày, dép đế mềm: Do phải di chuyển thường xuyên và đi bộ khá nhiều nên bạn cần chuẩn bị giày vải, thể thao mềm, đế bằng để dễ đi lại, leo trèo.
  • Máy ảnh, Camera, đồ sạc và pin dự phòng.
  • Hành lý: cần mang ít và mặc đơn giản thoải mái.

 

4. Địa điểm không thể bỏ qua khi đến Quản Bạ

Núi Đôi Quản Bạ

Núi Đôi Quản Bạ nằm bên quốc lộ 4C, cách thị xã Hà Giang chừng 40km, thuộc địa phận huyện Quản Bạ, Một điểm đến hấp dẫn trong các Tour Du Lịch Hà Giang. Đó là hai quả núi trông như hai trái đào tiên. Du khách qua đây đều có dịp chiêm ngưỡng “tác phẩm nghệ thuật” của tạo hoá ban tặng cho vùng đất này. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng ngồ ngộ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá. Hai trái núi gắn với truyền thuyết “Núi Cô Tiên” rất thi vị.

Núi Đôi Quản Bạ

Núi Đôi Quản Bạ

Núi Đôi Quản Bạ gắn với nhiều câu chuyện truyền thuyết được đồng bào các dân tộc nơi đây lưu truyền từ đời này sang đời khác. Tìm hiểu thêm về Núi Đôi Quản Bạ – Tòa Thiên nhiên quyến rũ.

 

Chợ phiên xã Quyết Tiến

Đến Hà Giang mà bỏ qua chợ phiên thì hẳn là thiếu sót lớn. Mọi nét văn hóa đời sống dường như đều hội tụ đủ cả ở đây. Cái cảm giác tự cho mình lạc vào một không gian nho nhỏ, xa lạ và rất ngỡ ngàng. Mọi hình ảnh đều mới, ánh mắt du khách cũng lấp lánh như trẻ thơ.

Chợ phiên xã Quyết Tiến - Quản Bạ

Chợ phiên xã Quyết Tiến

Có một địa danh nằm ngay dưới chân mỏm núi Cổng Trời, đó chính là xã Quyết Tiến mộc mạc, đơn sơ bên cổng trời sừng sững quanh năm mây phủ. Ở nơi yên bình ấy, mỗi tuần lại có một buổi chợ phiên diễn ra trong một buổi sáng thứ 7 ngắn ngủi, đó là chợ phiên xã Quyết Tiến (Huyện Quản Bạ – Hà Giang).

 

Cổng trời Quản Bạ

Cách trung tâm thị xã Hà Giang khoảng 46 km về phía bắc, Quản Bạ được ví như một “Đà Lạt” của phía Bắc. Nơi đây, tập trung nhiều yếu tố thuận lợi: khí hậu trong lành mát mẻ; thắng cảnh thiên nhiên phong phú như: Cổng Trời, núi Cô Tiên, hang Khô Mỷ; nét đặc sắc của các nền văn hóa dân tộc Mông, Dao, Tày, Bố Y; các sản vật đặc trưng như hồng không hạt, rượu ngô Thanh Vân, thảo quả…

Cổng trời Quản Bạ

Cổng trời Quản Bạ

 

Xã Bát Đại Sơn

Bát Đại Sơn là một xã thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Phía Bắc giáp xã Na Khê Đông giáp xã Na Khê, xã Cán Tỷ. Phía Nam giáp xã Cán Tỷ, xã Thanh Vân. Phía Tây giáp xã Nghĩa Thuận và Trung Quốc.

Xã Bát Đại Sơn - Quản Bạ

Xã Bát Đại Sơn

 

Làng du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ

Vị trí: Thôn Nặm Đăm nằm cạnh thị trấn Tam Sơn khoảng hơn 2km, thuộc xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, giao thông đi lại thuận tiện, dân cư sống tập trung. Tổng diện tích tự nhiên của thôn là 458 ha.

Đặc điểm: Thôn Nặm Đăm có 47 hộ, gồm 235 khẩu, là nơi sinh sống của người dân tộc Dao Chàm. Thôn còn giữ được nhiều nét bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và nét sinh hoạt truyền thống. Những ngôi nhà nơi đây đều trình tường, mộc mạc, đậm nét văn hóa, kiến trúc của đồng bào dân tộc Dao.

Các nghi lễ truyền thống như: lễ hội Cầu mùa, lễ cúng Cơm mới, lễ Cưới hỏi, đặc biệt là lễ Cấp sắc. Lễ cấp sắc là nghi lễ đánh dấu tuổi trưởng thành cho các nam thanh niên trong làng. Bất kỳ người nam giới nào cũng phải trải qua lễ Cấp sắc mới được xem là người đã trưởng thành và được tổ tiên, dòng họ công nhận.

Làng du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ

Làng du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ

Dịch vụ ăn uống, lưu trú: Hiện nay ở trong làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm đã xây dựng mô hình nhà lưu trú, và dịch vụ ăn uống cho khách du lịch ngay tại nhà dân, có 10 hộ gia đình, nhà nghỉ (Homestay), lên các menu thực đơn bao gồm các món ăn truyền thống của dân tộc Dao. Đã đưa vào sử dụng sẵn sàng đón khách.

Nhà văn hoá sinh hoạt cộng đồng: Thôn Nặm Đăm nằm ở vị trí trung tâm thôn. Tổng diện tích 86m2 được xây dựng với kiến trúc nhà sàn truyền thống, chất liệu chủ yếu bằng gỗ, nền sân xi măng. Đây là nơi trưng bày các sản phẩm, sản vật văn hoá dân tộc và là nơi hội họp sinh hoạt văn hoá của nhân dân. Đây cũng là nơi quản lý hoạt động du lịch tại địa phương.

 

Hang Khố Mỷ (Xã Tùng Vài)

Hang Khố Mỷ, thôn Khố Mỷ, xã Tùng Vài nằm ở một vị trí giao thông thuận lợi với đường trải nhựa vào đến gần cửa hang và chỉ cách trung tâm Thị trấn Tam Sơn khoảng 20km.

Hang Khố Mỷ có một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mang sắc thái thơ mộng, huyền ảo. Bước vào trong hang bất cứ ai cũng không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của tạo hóa.

Những nhũ đá đẹp lộng lẫy với nhiều hình thù lạ mắt. Những cột thạch nhũ cao sừng sững như khoe ra dáng vẻ bề thế, bên cạnh nhiều dòng thạch trắng chảy xuống như e ấp mà duyên dáng. Những làn sương trắng mỏng lan tỏa bên những dòng nhũ đá càng làm tăng thêm nét huyền bí, quyến rũ cho hang Khố Mỷ.

Với địa hình, địa mạo là những phiến đá vôi, trải qua hàng nghìn năm, đã tạo nên nhiều hình thù độc đáo, có những phiến đá trông như hình con sư tử hoặc hình lọng của vua quan thời phong kiến, lại có những dòng thạch trắng chảy xuống như dòng thác bạc mà phải tận mắt chứng kiến mới thấy hết vẻ đẹp của nó. Bao quanh hang Khố Mỷ là một hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú. Bên những sườn núi là những chân ruộng bậc thang như những dải lụa mềm, uốn lượn, với những nóc nhà ẩn hiện trong sương. Chắc chắn, du khách sẽ còn nhớ mãi khi tận mắt được chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật kì bí và tinh tế nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho con người nơi đây.

 

Một số địa điểm du lịch khác:

  • Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Dao thôn Trúc Sơn: Là một ngôi làng cổ của đồng bào dân tộc Dao. Đến với Trúc Sơn, quý khách sẽ được tìm hiểu về kiến trúc nhà cổ, văn hóa ẩm thực, về cuộc sống và lòng hiếu khách của con người nơi đây.
  • Xã Cán Tỷ: Nằm bên dòng sông Miện hiền hòa, nơi có Cổng thành – một trong những dấu ấn cho cuộc kháng chiến chống Pháp, cũng là nơi còn lưu giữ nghề dệt Lanh truyền thống của người dân địa phương.
  • Hợp tác xã dệt lanh truyền thống Hợp Tiến, xã Lùng Tám.
  • Xã Thái An: Có Hồ thủy điện Thái An, có Núi Ba Tiên cùng hệ thống nhiều hang động đẹp, nguyên sơ dưới chân núi.

Trang Trần

Nguồn ảnh: Internet