Phố cổ Bao Vinh Huế – Dấu tích vang bóng một thời bên bờ sông Hương

Mỗi lần nhắc tới phố cổ, người ta thường nói đến Hà Nội và Hội An mà ít ai nhớ tới cách kinh thành Huế không xa, còn có một nơi gọi là Phố cổ Bao Vinh. Xã hội ngày càng phát triển, cuốn theo những thay đổi của lịch sử, khu thương cảng Bao Vinh sầm uất khi xưa giờ nay đã giao hòa với kiến trúc thời đại mới. Đâu đó sau những ngôi nhà rường cổ thấp thoáng, là hai dãy nhà phố hiện đại, khang trang. 

 

Phố cổ Bao Vinh ở đâu?

Phố cổ Bao Vinh thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà. Cách kinh thành Huế không xa, về hướng Đông Bắc tầm 4km. Phố cảng này được phát triển nhằm thay thế cho cảng thị Thanh Hà đã bị bồi lắng, xuống cấp. Nhờ vào vị trí đắc địa ngay ngã ba Sình trông ra cửa khẩu Thuận An, từ giữa thế kỷ XVII đến XIX, Bao Vinh thu hút bao thuyền buôn từ tứ xứ (Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu,…) đổ về để trao đổi và giao lưu hàng hóa. 

Phố cổ Bao Vinh nhìn từ sông Hương

Phố cổ Bao Vinh nhìn từ sông Hương

Phố cổ được tính từ cầu Bao Vinh tới hết cống Địa Linh. Mở đầu là đình làng còn chùa Thiên Giang là điểm kết thúc.

Đình làng – Bến đò Bao Vinh

“Cây đa, bến nước, sân đình” từ lâu đã là biểu tưởng truyền thống của làng quê Việt Nam. Tới Bao Vinh, hãy tới thăm ngôi đình nằm ngay đầu con dốc trước làng. Nơi có hai cây đa to sừng sững, tỏa tán tươi tốt. Che phủ đi lớp mái ngói rêu phong đượm màu năm tháng. Hàng năm, vào mồng 7 tháng Chạp, mọi người lại cùng tề tựu tại sân đình để dâng nén hương thành kính tới Ngài khai canh họ Phạm. Lễ kỵ được tổ chức rất lớn với sự có mặt đầy đủ của người dân trong làng.

Đình làng Bao Vinh thờ Ngài khai canh họ Phạm

Đình làng Bao Vinh thờ Ngài khai canh họ Phạm

Bến đò ngang bao năm đưa các o, các mệ cùng những gánh rau, món hàng qua lại giữa hai bờ sông. Trước kia được dựng trước chợ Bao Vinh, sau này lại chuyển đến đoạn sông cuối phố. Đối diện chùa Thiên Giang. Từ khi có cầu chợ Dinh được xây, những chuyến đò đưa người Bao Vinh sang làng Sình, làng Phú Mậu, Thanh Tiên hay Tiên Nộn bán buôn đã dần thưa bớt. 

Bến đò Bao Vinh bao năm đưa các o, các mệ qua sông

Bến đò Bao Vinh bao năm đưa các o, các mệ qua sông

Những ngôi nhà cổ

Năm 1885, kinh thành Huế rơi vào tay người Pháp, Bao Vinh bị tàn phá nặng nề. Tới khi vua Thành Thái ban lệnh lập ra phố Đông Ba thì nơi này lụi tàn hẳn. Xưa kia, Bao Vinh cùng Hội An là hai cửa ngõ giao lưu nhộn nhịp bậc nhất Đàng Trong. Nhưng tới nay, “số phận” của Bao Vinh không được may mắn như Hội An. Khi công tác bảo tồn được triển khai quá muộn. Tính tới năm 1991, cảng thị xứ Huế còn 39 ngôi nhà cổ trên 150 tuổi đời. Đến hiện tại chỉ giữ lại được tầm 10 căn. Trong đó, hai ngôi nhà của ông Lê Quang Chất (số 105) và Phan Tâm được bảo toàn khá nguyên vẹn. Với hệ thống kèo, cột, mái ngói gần như còn đầy đủ. 

Ngôi nhà cổ ở Bao Vinh

Ngôi nhà cổ ở Bao Vinh

Sau phim điện ảnh “Mắt Biếc” (2019) nổi tiếng, Bao Vinh một lần nữa lại được chọn làm bối cảnh trong MV “Chúng ta của hiện đại” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Qua hai tác phẩm này, hẳn bạn cũng cảm nhận được phần nào nét đẹp hoài cổ của phố cảng. Với những ngôi nhà rường, nhà ba gian mái ngói liệt âm dương hay nhà tứ giác thời Pháp thuộc. 

Ngôi nhà được đổi thành quán cà phê sau khi được lấy làm bối cảnh trong bộ phim nổi tiếng "Mắt Biếc"

Ngôi nhà được đổi thành quán cà phê sau khi được lấy làm bối cảnh trong bộ phim nổi tiếng “Mắt Biếc”

Chợ Bao Vinh

Chợ luôn đóng một vai trò không thể thiếu trong văn hóa sinh hoạt của người dân Việt. Chính vì thế, đến Bao Vinh bạn nên ghé qua đây để trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân bản địa. Chợ tuy không lớn nhưng lại chả thiếu thứ gì.

Hoa giấy của làng Thanh Tiên được bày bán ở chợ Bao Vinh vào những ngày giáp Tết

Hoa giấy của làng Thanh Tiên được bày bán ở chợ Bao Vinh vào những ngày giáp Tết

Trong không khí những ngày giáp Tết, những sản phẩm của các làng nghề truyền thống quanh đó được bày bán khắp các gian hàng trong chợ. Từ ông Táo của làng Địa Linh tới hoa giấy thờ cúng của làng Thanh Tiên,… Khung cảnh tấp nập khiến ai cũng cảm thấy được đôi nét nơi phố cảng sầm uất vang bóng một thời khi xưa.