Những món bún miền Trung khiến bạn đã ăn là ghiền

Bún bò

Bún bò giò heo, hay còn gọi là bún bò Huế, là món ăn độc đáo của xứ Huế thân thương. Món ăn chẳng những ngon lạ miệng, độc đáo mà còn cung cấp đủ dinh dưỡng mà bạn cần thiết cho một ngày mới với thịt bò, giò heo. Một bát bún đầy ắp với nước dùng đậm đà, sợi bún dai dai cùng thịt bò ngọt lịm, miếng giò heo khoanh tròn mềm.

Từng được cố đầu bếp lừng danh Anthony Bourdain công nhận là một trong những món ăn ngon nhất thế giới. Người địa phương khác quen gọi là bún bò Huế để chỉ nơi xuất xứ của món ăn, trong khi ở Huế dân địa phương gọi là bún bò hoặc bún bò giò heo. Trong tô bún bò ngoài phần thịt bò, giò lợn, tiết lợn còn có thêm chả cua, một số nơi thay bằng bò viên hoặc chả lụa theo ý thích của thực khách. Món ăn kèm với bắp chuối sống, giá và rau thơm.

Bún mắm nêm

Mắm nêm là loại gia vị phổ biến ở các tỉnh thành miền Trung. Tại Đà Nẵng, Quảng Nam, bún mắm nêm như một đặc sản hút khách có giá bình dân với nhiều hàng quán chất lượng. Tô bún có thành phần phong phú với bún tươi ăn cùng thịt heo luộc, chả, nem và rau sống.

Ngoài ra, món ăn còn là sự kết hợp giữa thịt heo quay giòn rụm với mít non thái nhỏ dai ngọt, rau sống ngon mát, vị béo ngậy thơm của đậu phộng rang, tương ớt cay nồng và vị mặn mà của mắm nêm. Thực khách còn được phục vụ thêm đĩa đu đủ bào sợi chua ngọt cho món ăn thêm ngon.

Bún nghệ xào lòng

Trong kí ức của người dân xứ Huế, bún nghệ xào lòng không chỉ là thức ăn mà còn là phương thuốc chữa bệnh. Khi bị ho, người lớn trong nhà sẽ ra chợ mua vài khúc núm đuôi hoặc lòng già, bún với mấy củ nghệ. Nghệ đem về giã nhuyễn rồi ướp lòng với gia vị, xào với bún, thái thêm rau răm rồi ăn ngay khi chảo còn trên bếp.

Ngày nay, bún nghệ xào lòng trở thành thức quà chiều phổ biến ở Huế. Buổi sáng là thời điểm chủ hàng lựa chọn những hương vị tươi ngon nhất và sơ chế, để chuẩn bị sửa soạn, mở hàng lúc 13h chiều. Món ăn đựng trong tô nhỏ có lòng lợn béo dai, sợi bún mềm, thơm của rau răm và vị cay của ớt, tiêu…

Bún sứa

bún sứa nha trang

Sứa có nhiều ở các vùng biển miền Trung như Khánh Hòa, Bình Định, Ninh Thuận và được chế biến thành nhiều món ăn ngon, trong đó có món bún sứa đậm đà vị biển. Sứa sau khi đánh bắt được làm sạch nhớt, sơ chế theo kỹ thuật và kinh nghiệm riêng, sứa dùng làm món ăn này thường nhỏ, màu trắng đục, mình dày. Tô bún sứa hấp dẫn với những miếng sứa giòn mát, có thêm chả cá biển dai, đậm đà, chan nước dùng nóng được nấu từ cá biển thanh ngọt.

Bún cá

Cũng là món ăn được lòng thực khách thập phương khi đến miền Trung, nhất là ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Nguyên liệu chính của món ăn là cá thu, cá ngừ có thịt ngọt, nấu chín rồi xé thịt từng phần nhỏ hoặc cắt thành khoanh mỏng. Nước dùng bún nấu từ xương cá hoặc các loại cá nhỏ để có vị ngọt, một số nơi cho thêm dứa, cà chua để tăng hương vị. Bún có sợi nhỏ mềm, chan nước lèo, thêm thịt cá, chả cá và ăn cùng các loại rau thơm, rau sống.

Bún chả cá

Kinh nghiệm cần thiết khi đi du lịch Nha Trang

bún chả cá Nha Trang

Bún chả cá là món ăn rất phổ biến ở miền Trung, do ở đây có sẵn nhiều loại cá tươi ngon để làm chả cá. Bún chả cá có thể được chế biến rất đa dạng từ kiểu bình dân với các loại cá tạp hoặc cầu kỳ với cá thu. Đây là món ăn cung cấp nhiều vitamin và chứa ít cholestorol nên rất thích hợp cho các bạn muốn có chế độ ăn lành mạnh.

Thịt cá được xay nhuyễn, tẩm ướp gia vị theo công thức riêng rồi đem hấp chín hoặc chiên vàng ươm, ăn đậm vị, mỗi tô bún có ba loại chả cá khác nhau. Bún chả cá thường được ăn kèm hành tím ngâm chua, ăn giòn và không có mùi hăng. Ngoài Quy Nhơn, thương hiệu bún chả cá cũng được biết đến ở Nha Trang, Đà Nẵng.

Bún rạm

quán bún ngan hà nội

Ở Phù Mỹ, Bình Định có món bún rạm hấp dẫn thực khách với vị rạm béo, nhiều thịt và thơm ngon. Rạm là loài thuộc họ cua, vỏ cứng, có thịt ngọt, người nấu xay nhuyễn, lọc thịt nấu thành từng váng dậy mùi thơm. Bún rạm có thêm rau sống, bánh tráng nướng để trong tô bún tươi, khi ăn, thực khách múc thịt rạm vào tô từng chút, nước rạm béo thơm hòa quyện trong từng sợi bún thơm ngon.

Bún tôm

Bún tôm Bình Định tuy không màu mè nhưng lại khiến người ta ăn một lần sẽ nhớ mãi không thôi. Món đặc sản miền đất võ có hình thức đơn giản nhưng công đoạn chế biến khá kì công. Bún được làm thủ công ngay tại chỗ. Từ chiếc khuôn, người ta ép bột gạo đã xay sẵn thành sợi, bún chạy thẳng vào nồi nước đang sôi. Khi bún chuyển từ màu trắng đục sang trắng thì vớt, xóc sơ qua nước nguội rồi để ráo. Sau đó, múc ít tôm (loại tôm tươi đánh bắt từ đầm) đã giã nhuyễn trụng vào nồi nước sôi, cho bún vào tô và chế phần nước xáo vào, rắc thêm ít tiêu, bột ngọt, hành hương…

Lúc này người bán chan nước luộc bún sôi vào tô cho thịt tôm tái đi rồi thêm bún, bỏ ngò, hành, tiêu cho thơm. Thực khách thích ăn trứng có thể thêm trứng gà vào tô đánh tái. Món dọn kèm với bánh tráng nướng giòn thơm.