Món Ăn Truyền Thống Trong Mâm Cơm Ngày Tết Miền Bắc Việt Nam
Banh chưng
Bánh Chưng là món đầu tiên trong danh sách những món ăn truyền thống ngày Tết Việt Nam. Món ăn là điểm đặc trưng không thể thiếu trong dịp Tết đến xuân về.
Có lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, bánh chưng tượng trưng cho mặt đất; là thức bánh mà Lang Liêu làm ra để dâng lên vua cha, nhằm thể hiện lòng biết ơn với vua cha và đất trời. Nhắc đến Tết là nhắc đến bánh chưng, món ăn thể hiện sự kết tinh của trời đất. Sự kết hợp giữa gạo nếp dẻo, đậu ngọt bùi, tiêu cay nhẹ và thịt mỡ béo ngậy đã đem đến cho ngày Tết một thứ bánh ngon tròn vị.
Xôi gấc
Xôi gấc rất bổ dưỡng, tốt cho người có thị lực kém. Xôi gấc cũng cung cấp các chất bổ khác cho cơ thể và rất được người miền Bắc ưa chuộng. Màu đỏ tươi của gấc tượng trưng cho sự mong cầu may mắn. Do vậy, món xôi gấc thường được người miền Bắc dùng thiết đãi bạn bè và người thân trong mâm cỗ.
Tết đến, xuân về là dịp để chúng ta gặp mặt người thân trong gia đình và những người bạn lâu ngày gặp lại. Mọi người cùng nhau thưởng thức các món ngon ngày Tết miền Bắc vừa ngon, vừa bổ dưỡng. .
Chè kho
Đây là món ăn ngày Tết ở miền Bắc, quen thuộc nhất với người dân Hà Nội. Chè kho rất giản dị trong việc kết hợp nguyên liệu, chỉ cần đậu xanh, vừng trắng và đường cát là có thể nấu thành nồi chè. Chè có một hương vị đặc biệt thơm thơm mùi của đỗ xanh, chút thoang thoảng của nước hoa bưởi ăn vừa mát vừa mềm mịn tan ngay trong miệng.
Gà luộc
Mâm cỗ của người Việt nói chung và người miền Bắc nói riêng không thể vắng bóng đĩa thịt gà. Người ta thường chọn gà vườn trong việc cúng kiến và ăn uống đầu năm bởi thịt gà thả vườn thường chắc thịt, thơm và ngọt. Gà có thể cúng nguyên con hoặc gà chặt xếp ra đĩa. Vị ngọt thơm của thịt gà ăn kèm lá chanh, chấm gia vị chanh ớt luôn tạo nên một hương vị riêng rất khó quên.
Giò lụa, giò thủ
Trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt Nam, giò lụa luôn được đặt ở vị trí trung tâm và là một trong những món ăn không thể thiếu. Chả lụa là món ăn làm từ thịt lợn được giã nhuyễn trong cối đá, gói bằng lá chuối và luộc chín. Khi sử dụng, chả lụa được thái thành khoanh tròn và bày lên dĩa. Những miếng chả lụa trắng mịn, vị ngọt, giòn dai.
Giò dùng thịt đầu lợn chế biến gọi là giò thủ. Làm giò thủ, tai lợn, thịt thủ, không giã mà thái nhỏ, trộn thêm mộc nhĩ, nước hương, hạt tiêu rồi xào chín. Xong, gói bằng lá chuối tươi, buộc lạt cho chặt rồi luộc hoặc hấp cách thủy. Khi giò chín, vớt ra rồi ép, dùng 4 thanh tre cặp quanh khoanh giò, cột cho chặt, treo trên bếp. Khi ăn cũng thái như giò lụa.
Thịt đông
Thịt đông là món riêng có của mùa đông xuân Bắc bộ. Trong làn không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn. Món này được làm từ thịt lợn ba chỉ, đôi khi được sử dụng cả gà, cộng thêm một mảng bì lợn. Tất cả đều được ninh nhừ. Sau khi nấu xong, để nguội rồi cho ngăn mát tủ lạnh. Một miếng thịt đông kèm một củ dưa hành, thì thật đúng nghĩa Tết miền bắc.
Thịt bò kho quế
Thông thường, món này được chuẩn bị từ ngày 29 Tết để kịp cúng trưa 30 và mấy ngày Tết. Để làm món này, người ta chọn loại thịt bò nạm. Sau đó ướp với chút nước cốt tỏi, chút mắm muối rồi cho thịt ba chỉ cắt mỏng vào giữa, cuộn tròn lại, dùng lạt buộc chặt rồi chiên sơ trước khi cho vào nồi kho. Tiếp theo có thể thả miếng thịt bò vào nồi nước sôi đã có sẵn nước tương, chút đường và một miếng quế nhỏ rang thơm, nấu cho đến khi thịt mềm thì vớt ra, để nguội. Gỡ bỏ những cọng lạt và cắt thịt thành khoanh, miếng thịt bò mềm mà chắc chứ không nát. Món này có thể ăn kèm với bánh chưng hay cơm nếp vào ngày Tết thì tuyệt ngon.
Nem rán
Nguyên liệu để làm nhân nem rán gồm: thịt lợn nạc băm nhỏ, thịt cua bể hay tôm nõn, nấm hương, mộc nhĩ, hành khô, giá sống (hay củ đậu), trứng, hạt tiêu, muối, gia vị… Tất cả trộn đều rồi dùng bánh đa nem đã được nhúng nước cho mềm gói lại thành những cuốn tròn rồi rán chín vàng trong chảo ngập mỡ. Bánh đa nem phải kén loại bánh tráng mỏng và dai để gói thì nem rán sẽ ngon hơn, vỏ giòn mà không bị vỡ.
Nước chấm nem rán phải pha chế thật ngon, khéo điều hòa giữa vị mặn của nước mắm ngon; vị ngọt của mì chính; đường (nếu pha bằng nước dừa tươi thì không cần đường), vị chua của chanh (hay dấm); rồi hòa chung với nước lọc; thêm vào ít tỏi băm nhỏ; vài lát ớt tươi sao cho vừa đủ độ mặn, ngọt, chua, cay, dậy mùi thơm của tỏi, ớt.
Canh miến nấu măng
Trong các món ngon ngày Tết miền Bắc, canh miến nấu măng hấp dẫn đến lạ kỳ. Trong số các món canh truyền thống của đất Bắc, bạn không thể bỏ qua bát canh miến nấu với măng khô, bộ lòng gà hoặc sườn non. Vị béo ngậy của sườn, gà hòa quyện cùng hương thơm bùi của măng tạo nên sức hút kỳ lạ cho món canh miến.
Người miền Bắc cũng giống miền Trung thích ăn canh chan với cơm. Do vậy, bạn nên chuẩn bị một tô canh miếng thơm ngon, bổ dưỡng tăng tạo màu sắc cho mâm cơm ngày Tết thêm phần sung túc và ấm cúng.
Canh bóng thập cẩm
Canh bóng nấu với su hào, cà rốt, đậu Hà Lan. Su hào, cà rốt được cắt tỉa hoa, khi nấu lưu ý không để nát. Giò lụa và trứng tráng mỏng thái chỉ, tôm, mỗi thứ để một góc, trên đặt mấy cọng rau mùi. Khi ăn gắp mỗi thứ một ít, bỏ vào bát. Phụ gia còn có tôm nõn và thịt thăn. Hai thứ này cho vào nước dùng nấu trước cho ngọt.
Dưa hành
Nhắc tới Tết là người dân Việt nam lại nhớ tới 2 câu sau:
“THỊT MỠ DƯA HÀNH CÂU ĐỐI ĐỎ
CÂY NÊU TRÀNG PHÁO BÁNH CHƯNG XANH”
Dưa hành là món ăn dân dã và bình dị nhưng không kém phần hấp dẫn khi dùng chung với những món ăn truyền thống khác trong dịp Tết. Dưa hành không chỉ mang lại cảm giác ngon miệng cho người dùng mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình tiêu hóa. Món dưa hành ngon đòi hỏi những củ hành phải trắng mịn, nổi vân xanh có độ giòn và vị chua vừa phải. Theo những người có kinh nghiệm thì bí quyết làm dưa hành ngon là nhờ cách pha nước ngâm.
Rau nộm
Bên cạnh những món nem, giò chả dễ gây ngán trong ngày Tết, mâm cỗ không thể thiếu món rau nộm. Món nộm ngày Tết miền Bắc vô cùng đa dạng, đơn giản, dễ làm và rất được ưa chuộng nhờ hội tụ đầy đủ sắc, hương, vị tuyệt vời nhất. Các món nộm thường được chọn làm món khai vị trong mỗi bữa ăn. Màu sắc, hương vị vô cùng phong phú của nộm sẽ mang đến cho bạn bè và người thân những trải nghiệm thú vị về ẩm thực và khơi nguồn cho những câu chuyện vui vẻ đầu xuân.
Trên đây là những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết cổ truyền miền Bắc của Việt Nam. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp bạn có chuẩn bị kĩ lưỡng cho mâm cơm ngày Tết. Những bữa cơm quây quần bên gia đình sẽ thật đông đủ và ngon miệng hơn với đủ những món ăn truyền thống ngày Tết Việt Nam.