Những điều bạn chưa biết về hộ chiếu

Hộ chiếu Việt Nam có thể đến 54 quốc gia, vùng lãnh thổ mà không cần xin thị thực, hoặc chỉ cần visa on arrival (visa nhập cảnh tại sân bay) hay eTA (visa điện tử).

Hộ chiếu Việt Nam có tổng cộng 48 trang và 2 trang bìa có ghi chú. Trong đó, một trang có quốc huy và thông tin người sở hữu, một trang là chữ ký của Cục quản lý Xuất nhập cảnh và người mang hộ chiếu, thông tin trẻ em cùng đi. Một trang gia hạn và một trang bị chú. 44 trang còn lại trống, để đánh dấu xuất nhập cảnh và dán thị thực. Hộ chiếu Việt Nam có màu xanh lá và giá trị sử dụng trong 10 năm. Bạn sẽ phải làm hộ chiếu mới khi hết hạn hoặc hết các trang trống (dù vẫn còn hạn).

Số lượng trang trong hộ chiếu phổ thông ở các nước không có tiêu chuẩn chung, nhưng có khoảng từ 30 đến 60 trang. Ví dụ, hộ chiếu Mỹ có 32 trang, hộ chiếu Ấn Độ có hai loại 36 hoặc 57 trang, hộ chiếu ở Australia có 34 trang. Ở Nigeria, hộ chiếu có các loại 32 trang và 64 trang cho 5 năm, 64 trang cho 10 năm tùy nhu cầu người làm, giá tiền cũng sẽ khác nhau.

Hộ chiếu Nhật Bản và Singapore quyền lực nhất 2022. Công dân hai nước này được phép đến 192 quốc gia, vùng lãnh thổ mà không cần thị thực. Hộ chiếu Afghanistan đứng cuối bảng xếp hạng với 26 điểm miễn xin visa trước.

Tại Lebanon, lệ phí gia hạn hộ chiếu là 795 USD còn làm mới có giá thấp nhất từ 396 USD, theo Tổng cục An ninh. Với công dân sống ở nước ngoài, lệ phí là 600 USD. Lebanon là một trong số ít quốc gia tính phí cấp lại hộ chiếu với công dân tại địa phương cao hơn so với người sống ở nước ngoài. Mỹ, Australia, Cuba… là các quốc gia cũng có lệ phí hộ chiếu cao ngất ngưởng.

Chỉ có khoảng 500 người sở hữu hộ chiếu Ordre Souverain Militaire de Malte (Dòng chiến sĩ toàn quyền Malta). Sự tồn tại của cuốn hộ chiếu đặc biệt này là do lịch sử, tình trạng đặc biệt, và vị thế của Dòng hiệp sĩ Malta. Đây là một dòng tu công giáo Roma, thành viên là các hiệp sĩ châu Âu lâu đời. Những người này đại diện cho hình ảnh hào hiệp, thượng võ. Đó cũng là lý do cuốn hộ chiếu trên còn được nhiều người gọi bằng tên khác: Hộ chiếu hiệp sĩ.

Cuốn hộ chiếu được cấp cho Hội đồng Tối cao, những người đứng đầu và các nhà ngoại giao cùng người thân, gia đình của họ. Ngoài ra, nó cũng được cấp cho các nhân vật cao cấp, phụ trách các nhiệm vụ đặc biệt.

Hiệu lực của hộ chiếu hiếm hoi trên là 4 năm, tương đương với nhiệm kỳ làm việc của người sở hữu. Những người có loại giấy tờ này vẫn được quyền thêm một hộ chiếu khác. Đó là hộ chiếu của quốc gia mà họ là công dân.

Nếu nhìn vào bên trong cuốn hộ chiếu của người dân Na Uy dưới ánh đèn UV, bạn sẽ thấy một bức tranh về cảnh bắc cực quang chiếu trên bầu trời, phía dưới là những dãy núi cao. Đây là bức tranh do nhóm thiết kế Neue lấy ý tưởng từ chính phong cảnh của nước này. Phần bìa của cuốn hộ chiếu có cả ba loại với ba màu khác nhau là trắng, đỏ và xanh trời. Theo Citylab, mỗi màu dành cho một nhóm, trắng cho người nhập cư, đỏ cho công dân của Na Uy và xanh trời cho các nhân viên ngoại giao. Hộ chiếu Na Uy thuộc top đẹp nhất thế giới.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II không có hộ chiếu, bởi hộ chiếu Anh được cấp nhân danh bà. Bên cạnh đó, các nhân viên quốc phòng thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp ở nước ngoài cũng được phép nhập cảnh mà không cần giấy thông hành. Ví dụ, đội ngũ 55 thành viên của DART Singapore (Đội hỗ trợ và cứu hộ thảm họa) đã đến Christchurch, New Zealand ngay sau trận động đất năm 2011.