Nguồn gốc ngày “Thứ 6 ngày 13” và những điều thú vị xung quanh ngày này

Số 13 được coi là con số bị nguyền rủa trên khắp thế giới từ hàng ngàn năm trước. Quan niệm mê tín xung quanh số 13 xuất hiện từ thế kỷ 18 trước Công nguyên. Từ năm 1772 trước Công nguyên, người Balylo cổ đại đã loại số 13 ra khỏi bộ luật Hammurabi của mình. Ngoài ra, hầu hết các khái niệm từ thời cổ đại chỉ được phân loại thành 12 cá thể khác nhau như: 12 vị thần Hy Lạp, 12 cung hoàng đạo, 12 giờ trong 1 ngày, 12 tháng trong 1 năm…

Nguồn gốc “Thứ 6 ngày 13”

Người phương Tây, quan niệm nếu 13 người ăn tối cùng nhau thì một người sẽ qua đời trong năm đó. Quan niệm này xuất phát từ sự kiện Bữa tối cuối cùng của Chúa, trước khi chết Chúa đã ăn tối cùng 12 tông đồ của mình. Một số người thì lại tin vào bữa tối của thần Odin và 11 người bạn thân bị phá hỏng bởi nhân vật thứ 13 là Loki, một vị thần đại diện cho tội ác và sự hỗn loạn trong một câu chuyện thần thoại Bắc Âu.

Ngày nay, số 13 vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Ở một số thành phố, người ta không đánh số đường, số nhà là 13. Nhiều tòa nhà không có tầng 13, các sân bay không có cửa 13, bệnh viện không đề tên phòng bằng số 13.

Thậm chí người ta còn dùng một thuật ngữ riêng để chỉ về nỗi sợ hãi này, đó là – Paraskevidekatriaphobia. Bác sĩ người Mỹ Donald E. Dossey là “cha đẻ” của từ này. Nhà trị liệu tâm lý chuyên về chứng ám ảnh và quản lý căng thẳng đã nói với bệnh nhân của mình rằng, khi bạn phát âm được Paraskevidekatriaphobia, nghĩa là chứng sợ hãi của bạn đã được chữa khỏi.

Phim ảnh góp phần khuyếch trương nỗi sợ

Đến những năm 1980, Hollywood góp phần khiến ngày này trở thành một ngày xấu trong năm khi ra loạt phim kinh dị Thứ sáu ngày 13, với nhân vật giết người hàng loạt Jason Voorhees. Theo thống kê trên các bộ phim, từ năm 1981 đến năm 2009, kẻ thủ ác Jason Voorhees đã giết hại tổng cộng 156 nạn nhân.

Đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn có “truyền thống” coi đây là ngày xui xẻo, chẳng hạn như Anh. Người dân tin rằng nếu bạn nói một điều gì đó không may mắn và không muốn điều đó xảy ra, hãy chạm vào gỗ.

New Zealand cũng coi đây là ngày không may mắn. Ngoài ra, vì quốc gia này còn thừa hưởng cả nền văn hóa Maori lâu đời, nên nhiều người cũng tin rằng nếu một con chim sẻ bay vào nhà, một điều tồi tệ sẽ xảy ra.

Tại Phần Lan, Ngày Tai nạn Quốc gia được chọn là vào Thứ sáu ngày 13 hàng năm, vì thường mỗi năm có ít nhất một ngày Thứ sáu ngày 13 xuất hiện, theo Dương lịch. Quốc gia bắt đầu chọn ngày này cho sự kiện nâng cao nhận thức về an toàn giao thông từ năm 1995.

Nhưng tại Italy, đây không phải ngày đặc biệt. Với họ, đó là Thứ sáu ngày 17. Ở Tây Ban Nha, đó là Thứ ba ngày 13. Mercedes Aguirre, một nghiên cứu sinh đến từ xứ sở bò tót cho biết ở nước mình, mọi người có một câu nói nổi tiếng là: Vào thứ ba, đừng kết hôn hoặc đi du ngoạn trên du thuyền.

Ngày may mắn

Tuy nhiên, không phải mọi nơi đều kiêng kỵ ngày này. Thứ sáu được coi là ngày may mắn để kết hôn đối với một số người Bắc Âu. Ở Ấn Độ, người dân cũng không coi đây là ngày xui xẻo.

Một trong những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới yêu thích số 13, số mà nhiều người cho là không may mắn, chính là Taylor Swift. Khi mới vào nghề, cô thường biểu diễn với con số 13 viết lên tay và coi đó như một bùa hộ mệnh.

“Tôi sinh vào ngày 13, tôi bước sang tuổi 13 vào ngày thứ sáu ngày 13. Album đầu tiên của tôi đạt đĩa vàng là sau 13 tuần. Tôi từng ngồi ở hàng thế thứ 13, số 13 hoặc hàng M – chữ cái thứ 13 trong bảng chữ cái, và tôi đã giành được giải thưởng. Về cơ bản, khi nào số 13 xuất hiện trong đời tôi, đó là một điều tốt”, cô nói.