Nếm thử đặc sản hoa thủy liễu chấm mắm cá mề gà
Nguồn gốc cây bần “thủy liễu”
Cây bần được vua Gia Long ban cho cái tên mỹ miều “thuỷ liễu” vì dáng vẻ cả cây lẫn hoa đều rất nho nhã. Cây thì nghiêng mình soi bóng nước; hoa thì thanh thoát mỏng manh màu trắng phơn phớt tím hồng, khi rơi như chiếc thảm lụa trải trắng xoá một vùng nước, lại có công cứu vua thoát đói.
Nhưng người miền Tây vẫn quen gọi đây là cây bần. Bần là loài cây mọc tự nhiên ở ven sông, rạch miền Tây, giúp giữ đất phù sa, là hình ảnh quen thuộc của người dân vùng sông nước giống như lũy tre làng đối với người dân miền Bắc, miền Trung.
Trái to tròn, hơi dẹt, có vị chua. Bần có 2 loại: Bần dĩa (mọc ở ven sông, trái dẹt như cái dĩa) và bần ổi (được trồng ở trong vườn, trái nhỏ tròn như quả ổi). Trái bần thường được người miền Tây chế biến thành rất nhiều những món ăn dân dã như:. Trái bần chua có thể ăn sống và chấm kèm với các loại mắm được chế biến từ thủy sản. Trái bần chín dùng để nấu canh chua, kho cá hoặc dầm với nước mắm, đường, bột ngọ để chấm rau lang, rau muống luộc…Nhưng ở Cù Lao Dung, hoa bần và trái bần ổi, bần dĩa còn được chấm với mắm cá mề gà.
Hoa thủy liễu chấm mắm cá mề gà
Cá mề gà Cù Lao Dung không đắt tiền, được đóng đáy đánh bắt nhiều từ tháng 6 đến tháng 9 Âm lịch hàng năm, trông lạ vì có màu vàng cam, phần đầu óng ánh như cá kiểng. Có nhiều cách làm mắm, người Hoa thì ủ cá với muối dùi, người Khmer ủ muối mặn hay ướp với đường thốt nốt, còn người Việt lại thêm kiểu muối chua chua và mắm cá mề gà cũng làm theo bí quyết chua ngọt này.
Ngồi trên thuyền lướt ra cửa biển đón hoàng hôn và trong lúc mặt trời chuẩn bị tỏa ráng chiều vàng trước khi lặn, ghé vào bãi bần cổ thụ hái trái bần non và hoa bần vừa nở, không phải nụ mà cũng không phải mãn khai, mang vào bếp, rửa sạch , trái thì xắt lát mỏng, hoa thì tẻ nhỏ ra rồi chấm mắm mề gà.
Tép bạc, cá sặc hoặc thịt heo thái nhỏ, luộc sơ rồi đem trộn chung với hoa bần. Thêm giấm chua, chanh, đường và các gia vị khác, nêm nếm sao cho phù hợp khẩu vị người ăn. Gỏi hoa bần có thể xem là món đặc sản ở Cù lao Dung, Sóc Trăng.
Riêng trái bần chua, dùng để ăn sống chấm kèm mắm cá sặc, mắm rô, mắm lóc, mắm tép… Vị chua, chát của bần quyện với vị mặn nồng của các loại mắm cá đồng tạo nên hương vị đặc trưng, khó tìm thấy được ở các loại trái ăn kèm khác.
Món ăn đặc trưng chỉ có tại miền Tây
Ngày nay, khi công nghệ chế biến hiện đại, ta dễ dàng bắt gặp những nước cốt bần và mứt bần đóng hộp dùng để nấu lẩu chua và chấm thịt luộc. Việc đóng hộp vừa hợp vệ sinh lại thuận tiện khi khách du lịch ghé qua mua về làm quà biếu người thân.
Ở một số nước Đông Nam Á còn dùng lá, búp non của cây bần làm rau ăn sống. Tại Philippines, nông dân ven biển dùng trái bần ổi chín ủ thành giấm để nấu ăn trong gia đình. Vì những công dụng đặc biệt trong ẩm thực nói riêng và các ngành sản xuất khác nói chung, bần đã trở thành loại trái đặc sản mang đậm dư vị vùng miền.
Du khách có thể đi bằng đường bộ 47 km theo tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu từ thành phố Cần Thơ hay đi từ trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 20 km theo đường quốc lộ 60 đến Cù Lao Dung. Nhưng đặc biệt hơn là chọn cách đi phà khoảng 20 phút từ Trà Vinh qua một nhánh sông Hậu đến khám phá Cù Lao Dung, thuyền len lỏi kênh rạch đi ngắm hoa bần nở.
Ẩm thực Nam Bộ với trái bần càng trở nên đặc biệt. Các loại cây trái dân dã xứ này có thể dùng để chế biến những món ngon tuyệt vời rất riêng biệt không giống bất cứ nơi đâu. Nếu có thể bạn hãy thử đến miền Tây và thưởng thức những món ăn từ cây bần để được biết hương vị đặc trưng của loại cây này nhé.