Khám phá những đền chùa bí ẩn tại Myanmar

Đền Dhammayangyi được xây để chuộc mọi lỗi lầm của một vị vua tàn bạo, còn tất cả những người xây đền Ananda đều chết khi kiệt tác hoàn thành.

Myanmar vốn nổi tiếng với các tín đồ hành hương với nhiều đền, chùa thiêng. Riêng tại Bagan có tới hơn 2.000 ngôi đền cổ. Người dân ví von khi đặt chân đến Bagan rằng: muốn thấy sự duyên dáng hãy đến đền Ananda, muốn thấy sự cao cả thì đến đền Thatbyinnyu, còn nếu muốn thấy sự hoành tráng thì ghé đền Dhammayangyi.

Đền Ananda Phaya

Đặc điểm

Ananda được xem là một trong những ngôi đền nổi tiếng và đẹp nhất ở Bagan. Đây là một trong những ngôi đền lớn đầu tiên được xây dựng tại đây với các tên gọi khác nhau như Ananda Pahto hay Ananda Phaya. Ngôi đền bị phá hủy một phần trong trận động đất vào năm 1975 nhưng sau đó được khôi phục lại gần như nguyên bản.

Đặc điểm nổi bật nhất của ngôi đền là ngọn tháp chính được mạ vàng giúp sự phản chiếu ánh sáng có thể được nhìn thấy từ cách đó rất xa, giữa vùng đồng bằng của Bagan. Đặc biệt, vào buổi tối những ánh đèn được thắp lên tạo nên một bầu không gian huyền bí bao quanh ngôi đền.

Ananda là một cấu trúc cân xứng đến hoàn hảo theo kiểu chữ thập Hy Lạp (Greek cross), được xem là ngôi đền tuyệt mĩ nhất ở Bagan. Điểm nhấn ấn tượng nhất chính là “Sikhara” (nghĩa đen theo tiếng Phạn là đỉnh núi) được mạ vàng đặt ở trung tâm của ngôi đền. Cấu trúc này giống như ở các tòa tháp miền Bắc Ấn Độ cho thấy ảnh hưởng của lối kiến trúc này tới Ananda. Có tới 5 bậc khác nhau tương ứng với 5 sikhara và kết thúc ở một đỉnh tháp to lớn nhất gọi là hti cao khoảng 51m, trên đó là các viên đá quý, kim cương, hồng ngọc như hầu hết các chùa khác ở Myanmar (Shwedagon, Shwezigon…).

Truyền thuyết

Truyền thuyết nổi tiếng nhất về ngôi đền là vào một ngày nọ, có 8 nhà sư đến cung điện của nhà vua Kyanzittha để khất thực, nói rằng họ từng sống trong đền hang Nandamula trên dãy Himalaya. Nhà vua bị cuốn hút bởi các câu chuyện và mời họ vào cung điện. Với quyền năng thiền định, các nhà sư đã cho vua thấy khung cảnh thần thoại nơi họ đến. Nhà vua bị choáng ngợp và mong muốn xây dựng một ngôi đền ở giữa vùng đồng bằng Bagan. Sau khi đền xây xong, nhà vua đã ra phán quyết xử tử các nhà sư, để đảm bảo ngôi đền trở thành độc nhất.

Ananda được mệnh danh là ngôi đền đẹp nhất ở Bagan có 4 tượng Phật lớn bằng vàng đặt ở 4 hướng. Trong đó tượng Đức Phật ở phía nam (Phật ca diếp) được giới thiệu rằng khi tiến đến Đức Phật để cầu nguyện, hãy luôn mỉm cười để lòng được thanh thản. Bốn Đức Phật dựng ở bốn hướng là những Đức Phật đã đạt được cõi Niết bàn.

Lễ hội đền Ananda diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Pyatho (thường là từ tháng 12 đến tháng 1, theo Âm lịch). Trước đại dịch, lễ hội thu hút hàng nghìn người dân địa phương và khách du lịch ghé thăm. Có khoảng 1.000 nhà sư tụng kinh cả ngày lẫn đêm trong 3 ngày diễn ra lễ hội.

Đền Dhammayangyi

Đặc điểm

Người Myanmar ví von khi đặt chân đến Bagan rằng, muốn thấy sự duyên dáng hãy đến đền Ananda, muốn thấy sự cao cả thì đến đền Thatbyinniu, còn nếu muốn thấy sự hoành tráng thì ghé đền Dhammayangyi.

Ngôi đền Dhammayangyi bằng gạch nung giữa quần thể Bagan cổ nổi tiếng với hình dáng là một chiếc kim tự tháp to lớn, đồ sộ, lấn át mọi công trình khác. Và mô hình kim tự tháp này cũng hoàn toàn khác với những đền tháp truyền thống của Phật giáo Myanmar, thường là hình stupa với tháp nhọn vút lên trời. Cho đến ngày nay, người Myanmar vẫn chưa có lời giải thích vì sao vua Narathu lại chọn kiểu kiến trúc này.

Được vua Narathu xây dựng năm năm 1170, đền Dhammayangyi có dáng kim tự tháp sáu tầng bậc thang. Nhưng Dhammayangyi vẫn có lối kiến trúc tứ diện phổ biến ở các đền chùa Myanmar với bốn cửa quay về bốn hướng. Về nội thất, đền có hệ thống hành lang kép chạy song song trụ đền thờ ở trung tâm. Nhiều hệ thống cửa sổ nhỏ bằng gạch đón ánh sáng trời từ bốn phía rọi vào hành lang bao quanh đền.

Truyền thuyết

Huyền thoại kể rằng vua Narathu đã giết cha và anh trai để chiếm ngôi. Nhưng khi lên ngôi, có lẽ vì lo tạo nghiệp xấu nên ông đã cho xây đền cúng dường cho Phật. Trong đó, một cửa đền có 2 bức tượng Phật, được ông thực hiện, tác tạo như hiện thân của cha và anh trai. Nhưng có sách giải thích đây là hai đức phật: Phật Thích ca và Phật Di lặc. Người dân Myanmar vẫn truyền tai nhau, vua Narathu rất hà khắc, ông sẵn sàng chặt tay bất cứ nhân công nào nếu công việc xây dựng đền không hoàn hảo, các viên gạch phải được đặt khít vào nhau đến mức một cây ghim không thể xiên qua.

Khi khai quật ngôi đền, các nhà khảo cổ phát hiện, gạch đất bị chất đầy hành lang cũng đồng nhất với gạch đất dùng xây dựng đền. Chính vì vậy mà người ta tin các công nhân đã ném gạch vữa vào trong đền vì căm phẫn luật lệ hà khắc của vua Narathu. Nhiều người lại cho rằng họ muốn nhốn hồn ma của ông mãi mãi ở bên trong đền để trả thù những đau khổ ông đã gây ra.

Đền Thatbyinnyu

Được xây dựng vào giữa thế kỷ 12, đền Thatbyinnyu được coi là ngôi đền cao nhất tại Bagan. Đền Thatbyinnyu do vua Sithu I của Vương triều Pagan (Bagan). Theo sử sách, đây là lần xây dựng ngôi đền lớn thứ hai của nhà vua sau đền Shwegugyi và ngài tặng “những chiếc thuyền chở hồng ngọc” cho cả hai ngôi đền.

Nhìn bề ngoài, đền Thatbyinnyu đồ sộ, quét vôi trắng, trông giống như một tu viện Thiên chúa giáo thời Phục Hưng ở châu Âu. Bên trong đền có các dãy hành lang dài, bố trí các bàn thờ với tượng Phật nhiều tư thế và hình dáng khác nhau, nhưng tất cả đều được dát vàng lấp lánh.

Tương truyền, đền Thatbyinnyu là kho tàng bích họa của nghệ thuật Phật giáo Myanmar, nhưng trong những đợt trùng tu, người ta đã quét vôi trắng lên tường, làm mất hết các bức họa quý giá.

Chùa Kyaikhtiyo

Tọa lạc trên đỉnh núi Kyaikhtiyo ở độ cao 1.100m so với mực nước biển, cách Yangon chừng 210km và không xa thị trấn Kyaikhtiyo thuộc quận Thaton – bang Mon, Hòn đá Vàng – Golden Rock là một sự xếp đặt lạ lùng của tự nhiên, trải qua hàng nghìn năm chênh vênh vẫn đứng vững trơ gan cùng tuế nguyệt. Cư dân địa phương xem đây là vật thiêng và đã xây dựng trên đỉnh hòn đá một ngọn tháp toàn bằng vàng, đồng thời cũng cung kính dát vàng toàn bộ hòn đá, tạo nên một quần thể độc đáo kết hợp giữa kỳ công của tự nhiên với bàn tay sáng tạo của con người…

Sở dĩ có tên gọi “Hòn đá Vàng” là do cả ngôi chùa và hòn đá đều được dát kín bằng vàng lá. Trong ngôn ngữ của người Mon, “Kyaik” có nghĩa là “chùa” và “Htiyo” có nghĩa “mang cái đầu của vị tu sĩ”. Từ đó tên “Kyaikhtiyo” hàm nghĩa “ngôi chùa được đặt trên đầu của vị tu sĩ”.

Theo truyền thuyết, trong một lần Đức Phật đến truyền đạo ở đây, Ngài đã trao cho tu sĩ Taik Tha một sợi tóc của mình. Tu sĩ Taik Tha đã cất giấu sợi tóc ấy trong mái tóc của ông và sau đó đã trao lại cho nhà vua với ước mong “sợi tóc Đức Phật sẽ được cất giữ trong một hòn đá có hình dáng giống như cái đầu của một vị tu sĩ”.