Khám phá món Bún gỏi dà độc lạ chỉ có duy nhất tại Sóc Trăng
Bún gỏi dà là đặc sản ít người biết bởi khá kén người ăn ở Sóc Trăng. Thành phần không khác gì món gỏi cuốn cơ bản vốn rất phổ biến như bún, tôm luộc, thịt luộc, giá, rau sống, đậu phộng… Nhưng thay vì cuốn, tất cả được cho vào tô, rồi chan nước lèo. Nước lèo chính là phần nước luộc tôm, thịt và xương heo được lọc trong vắt, ngọt thanh, có thêm vị chua nhẹ của me, nêm nếm gia vị vừa miệng, thêm mùi thơm đặc trưng của tương hột. Và quan trọng nhất, không thể thiếu một ít tương xay trên cùng, khi đem ra cho khách.
Thực chất ngày trước, đây là món bún khô, các quán ăn sẽ phục vụ riêng một bát nước lèo. Sau này, nhiều nơi sáng tạo và khi trở thành món nước, bún mới có tên gỏi dà. Tên bún xuất phát từ cách ăn như và (lùa) cơm của người Nam Bộ, đọc chệch từ “và” thành “dà”.
Ông Huỳnh Văn Hòa (người dân ở Mỹ Xuyên) chia sẻ: “Từ món gỏi cuốn, người ta cho vào tô, rồi chan nước vào, dùng đũa và (ăn) như ăn cơm. Sau nữa, lại biến tấu chan thêm nước dùng nấu từ xương và me có vị hơi chua, ngọt và béo để tạo thành món bún nước, từ đó có tên gọi là “bún gỏi và”, nhưng theo cách phát âm của người Nam Bộ, chữ “và” được đọc thành “dà”, riết rồi quen gọi “bún gỏi dà” thành tên cho đến nay”.
Trong đó, nước lèo được đánh giá là khâu quyết định chất lượng của món bún. Điểm độc đáo của món này là nước dùng và tương xay được chế biến rất đặc biệt, theo bí quyết riêng của mỗi đầu bếp và tùy vào cách chế biến nước dùng, tương xay mà cho ra nét riêng của món ăn được xem là linh hồn của món ăn, quyết định sự thành công của món ăn.
Ăn cùng với bún gỏi dà là các loại rau quen thuộc như giá, bắp chuối và ít cọng quế. Đậu phộng được cho vừa phải khiến món ăn thêm vị béo. Khi phục vụ cho khách, các quán ăn thường đem ra chén tương để chấm thịt. Bạn đừng quên vắt tắc (quất), thêm ớt để ăn ngon hơn.
Về miền Tây, khi hỏi thăm về nguồn gốc của món ăn, bạn sẽ nghe được câu: “Mỹ Xuyên có bún gỏi dà, dùng qua sẽ thấy đậm đà quê hương”, ý chỉ món ăn nổi tiếng với vùng Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, món ăn này phổ biến tại nhiều thành phố lớn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Sự kết hợp kỳ lạ giữa sốt nếp và mắm ruốc mang đến cảm giác khá e dè khi lần đầu nghe qua vì các nguyên liệu không có sự ăn nhập. Nhưng khi thử rồi, thực khách sẽ cảm nhận được sự hòa quyện của sốt nếp sệt sệt beo béo và mùi thơm, độ mặn vừa phải của mắm ruốc, để tạo nên một hương vị đặc biệt. Sốt nếp sẽ làm cho nước lèo sệt lại, là sợi dây kết nối các nguyên liệu có trong tô bún.
Tô bún gỏi dà khi mang tới bàn sẽ nghi ngút khói khi nước dùng phải thật nóng. “Món này hiếm thấy ai bán vì nó khá kén người ăn, chỉ những người lớn tuổi, người biết ăn hay từng thử qua món này thì mới ăn được”, Bà Thanh, một thực khách lớn tuổi, chia sẻ.