Khám phá 5 ngôi nhà rông đặc biệt tại xứ sở biển hồ Tây Nguyên
Nhà rông Kon So Lăl
Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, xã Hà Tây, huyện Chư Păh là một trong những vùng đất giàu văn hóa nhất, vẫn còn giữ gìn được rất nhiều ngôi nhà rông truyền thống. Trong đó có nhà rông Kon So Lăl lớn nhất Tây Nguyên hiện nay. Nơi đây cách trung tâm thành phố Pleiku hơn 50km, sát với địa phận tỉnh Kon Tum.
Đây là ngôi nhà rông mới của làng Kon So Lăl, thay thế cho cái cũ bị thiêu rụi do sét đánh trúng năm 2015. Để hoàn thành công trình này, toàn bộ dân làng Kon So Lăl đã phải mất 2 năm chuẩn bị nguyên vật liệu cùng với khoảng 4.000 ngày công xây dựng. Đến tháng 7/2017, ngôi nhà rông trùng với tên làng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Gỗ, tre, mái tranh… hoàn toàn được dân làng đóng góp.
Nhà rông Kon So Lăl được đưa vào sử dụng năm 2017, sau 2 năm chuẩn bị nguyên liệu và 4.000 ngày xây dựng. Xung quanh nhà rông này là nơi cư trú của khoảng 600 nhân khẩu dân tộc Ba Na sinh sống trong các nhà sàn, nhà vách đất. Hiện đây là không gian sinh hoạt thường ngày của dân làng, du khách muốn tham quan bên trong nên hỏi trước để được mở cửa và chỉ dẫn.
Nhà rông Chư Đăng Ya
Nơi này còn được nhiều du khách gọi là nhà rông “cô đơn”, bởi công trình đứng lẻ loi giữa mảnh đất rộng, không có các nhà sàn quây quần xung quanh như mọi buôn làng Tây Nguyên. Ngôi nhà nằm dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya thuộc huyện Chư Păh. Đây là địa điểm sinh hoạt của người dân làng Ploi Lagri, và là điểm tổ chức khai mạc lễ hội hoa dã quỳ núi lửa hàng năm.
Nhà thờ Pleichuet
Nhà thờ Pleichuet nằm trên đường Trương Định, phường Thắng Lợi, trung tâm thành phố Pleiku. Mang dáng dấp nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, nhà thờ không chỉ là nơi sinh hoạt của người dân địa phương mà còn là điểm tham quan du khách nên ghé thăm khi có dịp đến đại ngàn Gia Lai.
Nhà thờ thuộc Giáo hạt Pleiku (tỉnh Gia Lai), còn có tên gọi khác là Trung tâm truyền giáo Pleichuet, do các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế trông coi. Nhà thờ được xây dựng theo mô hình nhà rông của người Jrai. Với người Tây Nguyên, nhà rông được coi là biểu tượng văn hóa cộng đồng, thể hiện giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống. Nhà thờ lớn gấp 5 lần so với nhà rông thông thường. Công trình có mái nhọn xuôi dốc và được dựng trên những cây cột to. Chóp mái của nhà thờ đâm thẳng lên trời như hình mũi tên.
Bảo tàng Gia Lai
Bảo tàng tỉnh Gia Lai được thành lập năm 1989 trên cơ sở Phòng Bảo tồn-Bảo tàng của Ty Văn hóa tỉnh Gia Lai-Kon Tum; hiện đang lưu giữ gần 10 ngàn tài liệu, hiện vật, đặc biệt là bộ sưu tập các hiện vật về “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.
Để tìm hiểu rõ hơn về đời sống của người dân trong nhà rông, du khách có thể đến bảo tàng tỉnh nằm trên đường Trần Hưng Đạo trung tâm TP Pleiku. Các cảnh sinh hoạt được tái hiện theo đúng truyền thống với vật dụng thật được sưu tầm, tạo hình kích thước giống ngoài đời, kèm chú thích, cho du khách dễ dàng tìm hiểu.
Làng Văn hóa – Du lịch Plei Ốp
Điểm đến nằm trên đường Bùi Dự kéo dài cách trung tâm Pleiku 3km. Nhà rông ở đây vừa có chức năng là không gian sinh hoạt của dân làng, vừa là điểm tham quan cho du khách, với trung tâm là nhà rông, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của làng, cũng như sự kiện văn hóa của tỉnh, thành phố.
Xung quanh làng có một số nhà hàng chuyên ẩm thực Tây Nguyên và Gia Lai nói riêng, thích hợp là điểm dừng chân, cho du khách muốn tìm hiểu về bản sắc văn hóa buôn làng.