Khách sạn Vũ trụ là như thế nào?
Khách sạn lơ lững
Năm 2019, Gateway Foundation, một công ty ở California, lên kế hoạch xây dựng một khách sạn kiểu tàu du lịch lơ lửng trên bầu khí quyền Trái đất. Tên của khách sạn tương lai này khi đó được đặt là Von Braun Station (Trạm Von Braun).
Ngày nay, nó được đổi tên thành Voyager Station (trạm Voyager). Khách sạn gồm 24 module, kết nối với nhau bằng các trục thang máy tạo thành một bánh xe quay quanh Trái đất.
Bản thiết kế cho thấy nội thất bên trong sang trọng không kém các khách sạn thông thường. Nhưng nó đặc biệt hơn với một cửa sổ để du khách nhìn ra ngoài khoảng không rộng lớn của vũ trụ, ngắm các vì sao ở vị trí độc đáo hơn.
Kiến trúc Trái Đất trên “Vũ trụ”
Kiến trúc sư của bản thiết kế, Tim Alatorre nói rằng mình và các cộng sự muốn đưa lên vũ trụ một khách sạn với các dãy phòng ấm áp, quán bar, nhà hàng sang trọng. Du khách có thể vừa ngắm nhìn không gian vũ trụ, vừa sử dụng giường êm ái, vòi sen như bình thường, thưởng thức “ẩm thực vũ trụ” truyền thống như kem khô đông lạnh trong nhà hàng của khách sạn.
Bên cạnh đó, khách du lịch được tham gia vào các hoạt động giải trí không có trên Trái đất. Nhờ môi trường không trọng lực, bạn có thể nhảy cao hơn, nâng được nhiều đồ vật, chạy theo những cách mà bạn không thể khi ở Trái đất.
Đơn vị xây dựng khách sạn là Orbital Assembly Corporation, một công ty xây dựng do cựu phi công John Blincow, người cũng đứng đầu Gateway Foundation điều hành. Blincow cho biết vì đại dịch nên thời gian xây dựng khách sạn dự kiến bắt đầu vào năm 2026, mở cửa đón khách vào 2027. “Chúng tôi đang cố gắng để công chúng nhận ra rằng thời kỳ hoàng kim của du hành vào không gian đang tới gần. Nó đang đến, và sẽ rất nhanh thôi”, Blincow nói.
Tiềm năng phát triển đầy tham vọng
Hệ thống StarShip thuộc SpaceX của tỷ phú Elon Musk dự kiến giúp đưa khách sạn lên không gian. Blincow nói rằng hiện tại họ chưa thể khẳng định chắc chắn SpaceX là đối tác của mình nhưng muốn hợp tác trong tương lai. Hiện tại, khách sạn này chưa công bố giá cho một đêm nghỉ ngoài không gian. Dù vậy, nhóm nghiên cứu cho biết họ hy vọng Voyager chỉ khiến du khách bỏ ra một số tiền tương ứng với chuyến du thuyền, hoặc một cuộc dạo chơi đến Disneyland.
Du lịch vũ trụ là một chủ đề ngày càng hấp dẫn, có rất nhiều công ty đang nỗ lực biến nó thành hiện thực, từ SpaceX của Elon Musk đến dự án Virgin Galactic của Richard Branson. Virgin Galactic từng công bố giá để đưa khách vào không gian có giá 250.000 USD. Trong khi đó, Aurora Station, khách sạn ngoài không gian khác, tuyên bố thu 9,5 triệu USD cho một kỳ nghỉ, khởi hành sớm nhất vào 2022.
Tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa (phải) là khách hàng tư nhân đầu tiên sử dụng dịch vụ bay bằng tên lửa Big Falcon Rocket (BFR) của công ty hàng không vũ trụ Space X. Đầu tháng 3, Maezawa thông báo sẽ đài thọ cho 8 người cùng ông du hành vòng quanh Mặt Trăng năm 2023, do đã mua toàn bộ ghế trên tên lửa.