Điểm danh những cây cầu nổi tiếng về du lịch tại Việt Nam
Cầu Thê Húc – Hà Nội
Một trong những điểm nhấn kiến trúc đầu tiên của đền Ngọc Sơn là cầu Thê Húc với màu sơn son như một dải lụa mềm mại vắt qua làn nước xanh đặc trưng của Hồ Gươm, tạo nên vẻ đẹp hài hòa, bắt mắt. Được thần Siêu (Nguyễn Văn Siêu) xây dựng vào năm 1865. Cầu Thê Húc là một cây cầu màu đỏ son, làm bẳng gỗ, một cây cầu nối liền giữa bờ với đền Ngọc Sơn ở giữa hồ Hoàn Kiếm. Cầu Thê Húc có ý nghĩa là “nơi lưu lại ánh sáng” hay “nơi ngưng tụ hào quang”. Cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng.
Nằm ở hồ Gươm, trái tim của Hà Nội, cầu Thê Húc là điểm đến không thể bỏ qua của mọi du khách trong và ngoài nước khi đến chơi thủ đô. Hình ảnh cây cầu “cong, đỏ như con tôm” in sâu vào tâm thức người Hà Nội. Tên gọi Thê Húc nghĩa là “giọt ánh sáng đậu lại” hay “ngưng tụ hào quang”. Cầu gắn với đền Ngọc Sơn – di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam.
Cầu Long Biên – Hà Nội
Cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử quan trọng đã chứng kiến những cột mốc lịch sử hào hùng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tiếp đến là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta.
Cầu Trường Tiền – Huế
Cầu Tràng Tiền Huế nằm ngay trung tâm thành phố và còn được gọi là cầu Trường Tiền, cầu Thành Thái. Cầu nối liền hai bờ sông Hương với đầu phía bắc thuộc phường Phú Hòa, đầu phía nam thuộc phường Phú Hợi.
Đây là cây cầu đầu tiên ở khu vực Đông Dương được xây dựng theo kỹ thuật và vật liệu nhập từ phương Tây. Cầu được xây dựng bằng thép với tổng chiều dài 402,60 mét, gồm 6 nhịp dầm thép có dạng vành lượng, khẩu độ mỗi nhịp là 67 mét.
Từ tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm vàng để bạn thực hiện hành trình du lịch đến xứ Huế mộng mơ. Khoảng thời gian này, cố đô ít mưa, nhiệt độ không quá nóng và ít rét hơn dịp cuối năm. Do đó bạn sẽ thoải mái thong dong dạo bước, ngắm cầu Tràng Tiền Huế bên dòng sông Hương thơ mộng và thưởng thức các món ngon đặc sản ở Chợ Đông Ba ngay bên kia bờ.
Cầu Rồng – Đà Nẵng
Đúng như tên gọi, cầu Rồng với hình dáng một con rồng có chiều dài 666m, rộng 37.5m bắc qua con sông Hàn. Với kinh phí gần 1.5 tỷ đồng, cây cầu có sáu làn xe và được thông xe lần đầu vào ngày 29 tháng Ba năm 2013 nhân dịp kỉ niệm 38 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng. Nếu như bạn không biết thì thiết kế của cầu Rồng gắn liền với những bước tiến trong lịch sử của nghệ thuật kiến trúc mới của thành phố Đà Nẵng.
Cầu Rồng là điểm không thể không ghé thăm của du khách khi đến Đà Nẵng. Cây cầu có kiến trúc độc đáo với hình dáng rồng vươn mình bay ra biển, có thể phun nước và lửa, được thực hiện vào cuối tuần tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Cầu Rồng được nhiều tạp chí chuyên ngành giao thông và du lịch đánh giá là một trong những cây cầu độc đáo nhất trên thế giới.
Cầu Vàng – Đà Nẵng
Siêu phẩm Cây Cầu Vàng Đà Nẵng trên đỉnh Bà Nà Hill vừa được trình làng thơ mộng khiến cánh báo giới quốc tế không ngớt lời ca ngợi. Với thiết kế vô cùng ấn tượng, hai bàn tay rêu phong to lớn vươn ra từ thân núi nắm lấy tấm lụa vàng lơ lửng giữa trời, tuyệt tác này còn được mọi người nhắc đến với cái tên Cầu Bàn Tay – một trong những địa điểm đẹp sống ảo không thể bỏ qua khi đi du lịch Đà Nẵng.
Với độ dài 150 mét và nằm ở độ cao 1414 mét so với mực nước biển, Cây Cầu Vàng đã tạo nên một lối đi giữa không trung, giữa khung ảnh mờ sương như chốn bồng lai tiên cảnh của núi Bà Nà. Đứng ở vị trí đôi bàn tay rêu phong, du khách có thể ngắm nhìn những cánh rừng nguyên sinh trải dài tít tắp, xa xa là toàn cảnh thành phố Đà Nẵng xinh đẹp.
Tờ Guardian đã vinh danh cầu Vàng trong “top 10 cây cầu có kiến trúc độc đáo và đẹp nhất thế giới” còn Huffington Post của Mỹ khẳng định đây là “Cây cầu thú vị nhất từng thấy”, trong khi Independent cho rằng cầu Vàng là “một trong 10 cây cầu độc lạ không thể tin nổi trên thế giới”.
Chùa Cầu – Hội An
Có ai đó đã từng ví, Chùa Cầu là điểm sáng của du lịch Hội An, là tình yêu của kẻ ở, người đi đầy lưu luyến thì quả thực không sai. Chùa Cầu Hội An nằm vắt mình qua một nhánh nhỏ của dòng Thu Bồn quanh năm ôm ấp thành phố, xung quanh được bao bọc bởi khu phố cổ nghìn năm lịch sử, phảng phất đâu đó nơi góc phố hàng cây chút buồn miên man nhưng vẫn chan chứa niềm tin và hi vọng về tương lai tươi sáng rực rỡ của người dân nơi đây, những con người không ngừng ước mơ và lạc quan về cuộc sống.
Chùa Cầu cổ kính trầm mặc, nằm yên bình giữa phồn hoa của phố Hội hiện đại. Nơi ấy biết bao lần đã chứng kiến sự đổi thay của lịch sử theo bao thăng trầm thời gian và hơn hết cả là ghi dấu sự giao thoa của những nền văn hóa độc đáo, tất cả đã khoác lên phố Hội nét đẹp hiếm có của ngày hôm nay.
Được xây từ đầu thế kỷ 17 với kiến trúc độc đáo,đây được coi là biểu tượng, linh hồn di sản của đô thị cổ Hội An. Cầu ban đầu được khởi dựng bởi các thương nhân người Nhật Bản vào khoảng giữa thế kỷ 16, nên còn có tên gọi là cầu Nhật Bản. Theo truyền thuyết, công trình là vật trấn yểm con Cù – một loài thuỷ quái có đầu ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và đuôi ở Nhật Bản; mỗi lần con Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất ở những nơi này.
Cầu Cần Thơ
Sau khi ghé thăm chợ nổi vào buổi sáng, một trải nghiệm du lịch không thể bỏ qua ở Cần Thơ là ngắm cầu Cần Thơ lên đèn. Cầu dây văng Cần Thơ hoàn thành năm 2010, có chiều dài toàn tuyến 15,85 km trong đó phần cầu chính dài 2,75 km. Đây là một trong những biểu tượng nổi tiếng của Tây Đô, bắc ngang sông Hậu, nối liền hai tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long.
Cầu Thủ Thiêm 2 – Tp Hồ Chí Minh
Cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn dự kiến khánh thành vào 28/4, song đã thu hút nhiều bạn trẻ, khách du lịch đến để check-in từ công viên bến Bạch Đằng. Cây cầu mang lại nhiều nét hiện đại cho TP HCM, khi đằng sau là tòa Landmark 81 cao nhất Việt Nam.
Cầu kính Bạch Long – Mộc Châu
Cầu Bạch Long có tổng chiều dài 632 m, với phần bắc qua vách núi 290 m, trên vách đá 342 m. Dưới cầu là vực sâu 150 m, tạo cảm giác mạo hiểm. Chiều rộng của mặt cầu 2,4 m, phần trên vách đá 1,5 m. Loại kính trên mặt là kính siêu cường lực Saint Gobain của Pháp, bao gồm 3 lớp, dày 40 mm.
Cầu kính lắp đặt hệ thống ánh sáng bắt mắt và âm thanh giả lập để tăng trải nghiệm. Cuối chân cầu là hang Mường Móoc hay còn gọi hang Chim Thần, với các nhũ đá tự nhiên, công trình điêu khắc trên đá phản ánh đời sống lao động, sản xuất của người Thái xưa.
Chưa đón khách nhưng Cầu kính Bạch Long ở Mộc Châu dự kiến sẽ là điểm du lịch hút khách. Cây cầu đang ghi danh cầu kính đi bộ dài nhất thế giới.