Đặc Sắc Những Lễ Hội Truyền Thống Tại Bhutan

Các lễ hội truyền thống tại Bhutan luôn rực rỡ, ngập tràn màu sắc và vô cùng náo nhiệt. Những người dân địa phương sẽ khoác lên mình những trang phục truyền thống lộng lẫy nhất và diễn lại những truyền thuyết lịch sử từ lâu đời của dân tộc.

Bhutan – Nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ hùng vĩ, những dãy núi trùng điệp cao vút và cả một nền văn hóa đặc trưng mà thể hiện rõ nét nhất qua những lễ hội. Hằng năm, tại Bhutan diễn ra hàng trăm lễ hội, chủ yếu được tổ chức vào khoảng cuối hè và đầu thu. Những lễ hội này được tổ chức vào khoảng thời gian được cho là ngày lành, tháng lành theo lịch Bhutan và diễn ra tại những khu tu viện, thiền viện Phật giáo với qui mô rộng lớn, kiến trúc đồ sộ.
Hầu hết những lễ hội này đều nhằm mục đích tôn vinh và tưởng nhớ công đức của đức Phật Liên Hoa Sinh – hay còn gọi là Guru Ripoche Padmashambhava theo Tiếng Dzongkha, người đã mang đạo Phật du nhập vào Bhutan trong những năm đầu của thế kỷ thứ 8. Chính tinh thần và không khí sôi động của những lễ hội này đã thu hút sự quan tâm và viếng thăm của rất nhiều du khách trên trên Thế Giới.

Lễ Hội Thimphu Tshechu

Lễ hội truyền thống tại Bhutan

Lễ hội Thimphu Tshechu

Thimphu Tshechu là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất tại Bhutan. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày thứ 10 của tháng 8 âm lịch và kéo dài trong vòng 3 ngày. Tuy chỉ có 3 ngày nhưng lễ hội này có ý nghĩa rất lớn đối với người dân địa phương, đây chính là dịp để những giáo dân địa phương tịnh tâm, gột rửa bản thân khỏi nhân quả của những việc xấu mà họ đã thực hiện cũng như tự nhắc nhở bản thân về khởi nguồn của cuộc sống.

Vào ngày lễ hội diễn ra, người dân địa phương sẽ tụ về Tashichho Dzong – một tu viện Phật giáo vô cùng lớn nằm ở rìa phía bắc thành phố Thimphu và phía bờ tây của Wang Chu. Hoạt động văn hóa tâm linh này có ý nghĩa quan trọng với đời sống xã hội của người dân Bhutan, mang con người nơi đây tới gần nhau hơn thông qua sự thống nhất về văn hóa, truyền thống và tín ngưỡng. Và tất nhiên “Cham” chính là một phần không thể thiếu của lễ hội tại Bhutan.

Cham là một điệu nhảy truyền thống gắn liền với văn hóa Phật giáo Tây Tạng. Các vũ công sẽ đeo mặt nạ và nhảy múa trên nền nhạc truyền thống được chơi bởi các nhà sư. Những điệu múa Cham ngày nay không chỉ miêu tả lại sự vĩ đại và công đức của Đức phật Liên Hoa Sinh mà còn là một phương pháp thiền định, là sự kính ngưỡng của con người nơi đây hướng tới các vị thần. Không chỉ thế, điệu Cham còn mang lại sự thanh tịnh cho tâm hồn, cũng như lời chúc phúc đến với những người thưởng thức điệu múa này.

Trong 3 ngày lễ hội thì những bài nhảy Cham truyền thống sẽ lần lượt được biểu diễn. Đầu tiên chính là tiết mục “Con hươu và bầy chó săn”. Bài diễn gửi gắm bài học đầy ý nghĩa nhân văn rằng bất kể con người hay động vật, dù thiện hay ác, đều có thể được cảm hóa nhờ đạo Phật. Tiết mục thứ hai là “Vũ điệu của những vị chúa”, diễn tả lại việc con người bị phán xử sau khi họ chết đi theo tín ngưỡng Phật giáo. Và cuối cùng là “Vũ điệu 8 biểu tượng của Đức Phật Liên Hoa Sinh”.

+ Kéo dài: 3 ngày
+ Thời gian: từ ngày 10 tháng 8 âm lịch

Lễ Hội Paro Tschechu

Lễ hội truyền thống tại Bhutan

Lễ hội Paro Tschechu

Ngoài những hoạt động ca múa nhạc đặc trưng của lễ hội tại Bhutan, thì điểm nhấn của Paro Tschechu lại nằm ở ngày cuối cùng của lễ hội, khi mà mọi người được chiêm ngưỡng một bức Thangka khổng lồ, có thể bao phủ hết mặt tiền của cả một thiền viện.

Thangka (còn được viết là Tangka hay Thanka) là loại họa phẩm có hình dạng chữ nhật được coi như một biểu tượng mang theo phước lành, thường được làm bằng vải bông hoặc bằng lụa, có thể cuộn lại được. Đề tài đặc biệt phổ biến được thể hiện trên Thangka chính là Pháp luân trong Phật giáo, cụ thể hơn là tranh vẽ về nữ thần Hindu, Đức Phật tọa thiền, cuộc đời Đức Phật, Pháp luân, Mạn Đà La, Dược Sư Phật…

Vào ngày cuối của lễ hội Paro Tshechu, một bức Thangka khổng lồ sẽ được trưng bày. Bức tranh sẽ được mở ra trước khi mặt trời mọc để ánh sáng mặt trời không làm tổn hại tới màu sắc trong tranh. Người dân địa phương sẽ tới từ rất sớm, xếp thành những hàng dài và chờ tới lượt để chạm tay vào Thangka. Họ tin rằng chính việc chiêm ngưỡng và chạm tay vào bức tranh này, Đức Phật sẽ bảo hộ và ban phước lành cho họ.

+ Kéo dài: 3-4 ngày
+ Thời gian: Đây là lễ hội mùa xuân nổi tiếng nhất tại Bhutan và diễn ra vào khoảng tháng Ba hoặc tháng Tư.

Lễ Hội Punakha Drubchen

Lễ hội truyền thống tại Bhutan

Lễ hội Punakha Drubchen

Punakha Drubchen có thể coi là lễ hội độc đáo nhất tại Bhutan. Trong thời gian tổ chức lễ hội, người dân ở đây sẽ thực hiện những hoạt động nhằm tôn vinh chiến thắng trong quá khứ của vị anh hùng Zhabdrung Ngawang Namgyal. Người đã tiên phong đứng lên lãnh đạo người dân Bhutan đẩy lùi kẻ xâm lược ra khỏi lãnh thổ Bhutan hoàn toàn, đây không phải là quân đội tinh nhuệ mà là nhân dân từ 8 ngôi làng của Thimphu tập hợp nên.

Du khách tới đây du lịch vào dịp lễ này sẽ được sẽ được chứng kiến việc người dân nơi đây tái hiện lại những trận đánh một cách công phu. Những vũ công sẽ khoách lên người trang phục biểu diễn mô phỏng theo kiểu dáng của giáp trụ cũng như vũ khí chiến đấu. Trải nghiệm lễ hội này sẽ giúp du khách có thêm nhiều kiến thức về lịch sử cũng như văn hóa truyền thống lâu đời của xứ sở Rồng Sấm này.

+ Kéo dài: 3-4 ngày
+ Thời gian: Trong khoảng từ tháng Một đến tháng Ba.

Lễ Hội Mùa Hè Haa

Lễ hội truyền thống tại Bhutan

Lễ hội mùa hè Haa

Khác biệt một chút so với những lễ hội kể trên, Haa là một lễ hội mới tại Bhutan. Người dân địa phương cũng như khách du lịch tới đây và cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp của văn hóa, di sản và tôn giáo của Bhutan và tham gia vào nhiều hoạt động thể thao khác.

Điều đặc biệt của lễ hội này là du khách cũng có thể tự mình tham gia vào các hoạt động lý thú của lễ hội như nhảy múa theo những điệu nhạc truyền thống, cưỡi bò Tây Tạng và thưởng thức đặc sản địa phương.

+ Kéo dài: 2-3 ngày
+ Thời gian: Được tổ chức vào tháng 7 hằng năm.

Lễ Hội Jambay Lhakhang Drup

Lễ hội truyền thống tại Bhutan

Lễ hội Jambay Lhakhang Drup

Jambay Lhakhang Drup là một trong những lễ hội quan trọng nhất của Bhutan. Điều khiến Jambay Lhakhang Drup đặc biệt hơn những lễ hội khác chính là “Mewang” – điệu múa lửa và “Tercham” – điệu múa khỏa thân. Nghi thức độc đáo này được người dân nơi đây quan niệm là mang lại may mắn và xua đuổi vận đen.

Ngoài những hoạt động này du khách còn có thể tận mắt thấy Raksha Mangcham – một điệu nhảy trên nền trống, diễn tả lại cuộc sống của một người sau khi chết dưới góc nhìn của Phật giáo nơi đây. Du khách chắc chắn sẽ không không cảm thấy hối tiếc khi tham gia lễ hội này và có được những trải nghiệm có một không hai sau chuyến du lịchBhutan.

+ Kéo dài: 4 ngày
+ Thời gian: Từ tháng Mười đến tháng Mười Một âm lịch

Lễ Hội Wangdue Phodrang Tshechu

Lễ hội truyền thống tại Bhutan

Lễ hội Wangdue Phodrang Tshechu

Trong 3 ngày của lễ hội Wangdue Phodrang Tshechu, hàng ngàn người dân và du khách thăm quan sẽ đổ về Wangdue Phodrang để tham gia lễ hội và hòa mình vào những điệu múa chào mừng cuộc sống và niềm vui.

Ngoài ra “Vũ điệu Ox” cũng là một điểm sáng trong lễ hội. Những vũ công sẽ nhảy múa theo điệu nhạc và cầu mong một cuộc sống an yên sau cái chết cho con người nơi đây. Và để kết thúc lễ hội nhộn nhịp này, Guru Tshengye Thongdrol – những bức tranh vẽ không lồ với chủ đề Phật giáo sẽ được trưng bày cho tất cả mọi người.

+ Kéo dài: 3 ngày
+ Thời gian: Lễ hội được tổ chức vào khoảng tháng Mười đến tháng Mười Một âm lịch