Công ty du lịch và du khách hoang mang với ma trận quy định ở các nơi

Du khách bất ngờ vào phút chót

Tháng 9, anh Đức An (Hải Phòng) dự định đưa gia đình tới Sa Pa (Lào Cai) để nghỉ dưỡng, kết hợp trekking sau thời gian dài ở nhà vì dịch Covid-19. Anh tìm hiểu trên hướng dẫn của Sở Y tế tỉnh Lào Cai thì Hải Phòng là vùng xanh, gia đình anh sẽ không phải cách ly mà chỉ cần có giấy xét nghiệm âm tính nCoV trong vòng 72h. Tuy nhiên khi gọi theo đường dây nóng của Sở Y tế, anh được hướng dẫn nếu di chuyển qua Hà Nội để đến Lào Cai thì phải cách ly 7 ngày, vì vậy gia đình anh hủy chuyến đi.

Trung tuần tháng 10, khi biết Lào Cai đã xếp Hà Nội vào vùng xanh, anh An có mong muốn trở lại Sa Pa nhưng sẽ đợi thêm. Anh chia sẻ vì quy định mỗi nơi một khác và chưa công bố cấp độ thích ứng an toàn Covid-19 nên anh không chắc mình có bị cách ly khi đi và trở về địa phương.

Chưa rõ ràng ở các địa phương

Đơn cử như, các di tích danh thắng nơi đóng, nơi mở, nơi lưỡng lự chưa quyết định sẽ khiến cho người làm du lịch lúng túng. Khác với nhiều loại hình dịch vụ như ăn uống, giải trí…, việc đón khách du lịch cần phải có lộ trình và kết hợp nhịp nhàng giữa lưu trú, giao thông, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí.

Để khởi động lại ngành du lịch cần có giải pháp tâm lý cho cả doanh nghiệp và du khách. Với các doanh nghiệp lữ hành, lo ngại nhất là vấn đề nhân sự. Tiếp đến là cần lựa chọn điểm đến một cách chọn lọc, không ham quá nhiều sản phẩm mà tập trung vào các tour trọng điểm… Với du khách, cần trấn an họ rằng, đi du lịch sẽ được đảm bảo an toàn. Song điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sản phẩm du lịch và quy trình, cách xử lý khi xảy ra rủi ro…

Tương tự, chị Thảo Trang rất mong chờ được du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng) trở lại, dù vậy chuyến bay giữa Hà Nội – Đà Lạt vẫn chưa nối lại và thành phố cũng chưa mở đón khách ngoại tỉnh.

Chị Trang chia sẻ ngoài mục đích du lịch để giải tỏa căng thẳng còn muốn tới Đà Lạt để thăm người nhà đã 4 tháng không gặp vì Covid-19. Hiện chị rất quan tâm tới quy định xét nghiệm, cách ly đối với người Hà Nội (vùng xanh) và du khách có thể đi tự do hay buộc phải theo tour ở các địa phương. Với chị, nếu phải đi Đà Lạt theo tour khép kín thì sẽ không còn thấy hấp dẫn.

Công ty du lịch vất vả tìm kiếm thông tin

Không chỉ du khách, quy định kiểm soát đi lại và y tế ở các địa phương cũng đang gây khó cho doanh nghiệp du lịch, để chủ động chuẩn bị chương trình tour.

Ông Lê Hồng Thái, Phó giám đốc một Công ty lữ hành, chia sẻ các địa phương đang gấp rút thực hiện phân loại cấp độ dịch, tuy nhiên vẫn chưa đồng nhất, đặc biệt là thiếu công bố phân cấp cụ thể tới từng phường, xã. Điều này gây lúng túng cho doanh nghiệp du lịch. Ông ví dụ, hiện quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) được tính là vùng xanh, tuy nhiên khu vực Bệnh viện Việt Đức lại là vùng đỏ. Vì vậy để hướng dẫn cho du khách đi tour ngoại tỉnh, các công ty cần tìm rất nhiều quy định, không chỉ ở nơi đến mà còn cả ở các địa phương đi qua.

Hay trước đó, sau khi Hà Nội nới lỏng một số hoạt động, công ty đã chủ động đề xuất với các địa phương lân cận tổ chức thí điểm loại hình tour tự lái xe khép kín. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất gặp phải là quy định ở mỗi nơi khác nhau và còn e dè trong việc tổ chức tour cho khách từ Hà Nội, là vùng đỏ theo phân loại của nhiều địa phương.

Du lịch nhưng phải an toàn

Ông Thái chia sẻ du lịch ngoài hấp dẫn, thì du khách còn quan tâm tới sức khỏe và an toàn. Về góc độ doanh nghiệp lữ hành, công ty không thể chỉ đơn thuần đăng bán tour mà còn phải tư vấn rất kỹ việc quy định ở địa phương thế nào, du khách có thể quay lại nơi cư trú sau chuyến đi không, chi tiết cơ sở lưu trú, nhà hàng thế nào…

“Trong thời gian ngừng hoạt động vì Covid-19, doanh nghiệp cần sự chuẩn bị từ sớm nhất để khôi phục trở lại. Du lịch thì cần đơn giản hóa thủ tục, chung sống và thích ứng với dịch bệnh”, ông nói. Doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương nên sớm ban hành bộ quy tắc chung, có sự thống nhất để khai thông việc khôi phục hoạt động du lịch.

Việc chủ động “hâm nóng” du lịch bằng các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thậm chí còn tiến tới tour du lịch xanh nhằm kết nối các điểm du lịch an toàn là những nỗ lực đáng được ghi nhận của doanh nghiệp du lịch tại thời điểm này. Tuy nhiên, để có thể thích ứng với hoàn cảnh mới, du lịch còn phải đối mặt với nhiều vấn đề như tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 trong lực lượng lao động làm du lịch, sự chênh lệch về tỷ lệ tiêm vaccine ở các địa phương; quy trình xử lý sự cố khi gặp những vấn đề phát sinh nếu điểm đến từ “vùng xanh” thành “vùng đỏ”…

Thống nhất quy định từ nhà nước

Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan vào chiều 14-10 để chuẩn bị cho việc tái phục hồi và mở cửa trở lại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, từ nay đến cuối năm, Việt Nam chủ động được cơ bản nguồn vaccine, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm…

Cùng đó, Bộ GTVT cũng được yêu cầu khẩn trương rà soát, cập nhật, sớm ban hành hướng dẫn đối với các hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không; quy định rõ, chi tiết đối với du khách theo tour du lịch lữ hành khác với xe vận tải hành khách thông thường khi bảo đảm an toàn về du khách, điểm xuất phát, điểm dừng, điểm đến. Song song đó, tất cả các hoạt động du lịch từ đi lại, lưu trú, dịch vụ, ăn uống… phải tuân thủ đúng 5K, nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.

Tới ngày 16/10, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Long An đã công bố tình hình dịch ở cấp 2. Các địa phương như Nam Định, Quảng Ninh quy định người đến từ các địa phương vùng 1, 2, 3 không cần kết quả xét nghiệm nCoV, cách ly. Các trọng điểm du lịch khác như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Đà Nẵng… vẫn có những quy định kiểm soát đi lại nhưng không đồng nhất.