Tây Ninh và những địa điểm độc nhất

Núi Bà Đen – Nóc nhà Đông Nam Bộ

Núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Với độ cao 986m, núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam Bộ và cũng là địa điểm “săn mây” hấp dẫn với cộng đồng phượt.

Nhìn từ xa, núi Bà Đen lúc thì nổi bật giữa nền trời xanh, lúc thì ẩn hiện dưới từng gợn mây bảng lảng lẫn trong sương. Ngọn núi như mê hoặc du khách, gợi những truyền thuyết tâm linh, ẩn chứa nhiều nét đặc trưng văn hóa của một vùng đất Tây Ninh đầy nắng, gió…

Trải khắp từ chân núi lên đến đỉnh là quần thể kiến trúc gồm điện, chùa, miếu, tháp… đều mang những đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt, với du khách hành hương thì điểm đến trên núi Bà Đen sẽ là chùa Linh Sơn Tiên Thạch, nơi thờ Bà Đen.

Càng lên cao không khí trên núi càng mát dịu. Trên đỉnh núi, bạn sẽ phóng tầm mắt nhìn quang cảnh của một vùng đất hoang sơ. Ở đây có vườn hoa với tiểu cảnh để du khách chụp ảnh.

Nhà Ga Bà Đen – Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới

Bắt đầu chuyến hành trình chinh phục núi Bà Đen hùng vĩ, du khách sẽ ghé thăm Ga đi – Ga Bà Đen để lựa chọn cho mình tuyến cáp treo để lên đỉnh núi Bà Đen hoặc chiêm bái khu quần thể tâm linh chùa Bà. Ga Bà Đen là nhà ga lớn nhất trong hệ thống cáp treo Bà Đen với tổng diện tích 10.959 m2. Ngày 18/1/2020, Nhà ga Bà Đen đã được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới”.

Nằm ở cao độ 42m, Ga Bà Đen có thiết kế mái được tạo hình 3 cột sóng. Từ trên nhìn xuống, 3 cụm mái nhô lên tượng trương cho 3 ngọn núi là núi Bà, núi Phụng và núi Heo. Sảnh trung tâm nhà ga gồm 5 cây cột lớn cách điệu như 5 cây cổ thụ được che chở bởi Núi Mẹ, khiến du khách cảm giác như đang đứng trong một khu rừng rộng lớn.

Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn – Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á

Với tổng chiều cao 72m, được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ theo kỹ thuật công nghệ gia công cơ khí áp lực cao của châu Âu, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn tại Tây Ninh đã xác lập kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” và “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi”.

Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn đội vương miện chạm khắc hình ảnh Đức Phật A Di Đà, tôn vinh trí tuệ mẫn tiệp và lòng từ bi phổ độ chúng sinh của Đức Phật với thế gian. Tay trái tượng cầm bình cam lộ đang dốc xuống, biểu trưng cho hành động ban phát phước lành, cứu rỗi con người khỏi khổ đau. Tay phải nâng lên bắt quyết Giáo hóa ấn Karana Mudr, mang ý nghĩa lìa xa ác nghiệp.

Những ngày đầu xuân mới, hành hương chiêm bái tượng Phật Bà uy nghi mà từ bi, dạo bước giữa khung cảnh tươi đẹp của những suối hoa tuôn chảy trên đỉnh núi Bà, thưởng thức tinh hoa ẩm thực tại nhà hàng Vân Sơn tại đỉnh núi, chinh phục nóc nhà Nam Bộ và nguyện cầu một năm mới sung túc an vui, quả không còn gì đáng mong cầu hơn thế.

Tòa thánh Tây Ninh – Tòa thánh lớn nhất của đạo Cao Đài

Tòa thánh Tây Ninh là công trình tôn giáo của đạo Cao Đài, tọa lạc tại huyện Hòa Thành, cách thành phố Tây Ninh khoảng 4 km. Đạo Cao Đài ra đời cuối năm 1926 tại đây. Khuôn viên tòa thánh rộng hơn một km2 với những con đường thênh thang liên kết các kiến trúc với nhau.

Tòa thánh được coi là tổ đình – cơ sở thờ tự cấp trung ương của đạo Cao Đài. Công trình khởi công năm 1933, hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành. Ngôi Tòa thánh có diện tích hơn 2.000 m2, nổi bật với hai lầu chuông và trống cao 25 m.

Trong khuôn viên Tòa thánh có gần 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, được xây bằng bê tông cốt tre. Lối vào Tòa thánh gồm 12 cổng đều được chạm khắc hình Tứ linh (long, lân, quy, phụng) và hoa sen. Trong đó, chánh môn là cửa lớn nhất với cách trang trí khác biệt mang hình lưỡng long tranh châu.

Là Thánh địa lớn nhất của tôn giáo Cao Đài, hàng năm Tòa Thánh Tây Ninh thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan và các tín đồ hành hương. Vào buổi chiều, nơi đây trở thành điểm thư giãn, dạo mát của người dân trong vùng.

Hồ Dầu Tiếng – Hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam

Đây là hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc điều phối nước sông Sài Gòn, kênh phía Đông và phía Tây. Hồ Dầu Tiếng được khởi công xây dựng từ năm 1981 và hoàn thành vào năm 1985 sau hơn bốn năm thi công. Ngoài cung cấp nước cho  sông Sài Gòn, tưới nước cho hơn 93.000 ha đất nông nghiệp của Tây Ninh cũng những các tỉnh lân cận như Long An, TP Hồ Chí Minh, hồ còn cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp các vùng phụ cận.

Hồ có phong cảnh hữu tình và hệ sinh thái độc đáo. Cảnh quan hai bên bờ thơ mộng lại thêm mặt  hồ trải dài trên một diện tích lên tới 27.000 ha tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Với diện tích lớn như vậy, hồ Dầu Tiếng còn được gọi là “Biển Hồ” của Tây Ninh.

Đến với hồ Dầu Tiếng, hòa mình vào thiên nhiên để cảm nhận cuộc sống hết sức yên bình. Ngoài ra, đây cũng là địa điểm “sống ảo” được giới trẻ “check in” khá nhiều.