Con đường đầy rác dưới chân cầu Long Biên bỗng hóa thành tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc

Con đường dưới chân cầu Long Biên là nơi những con người mưu sinh cu trú tại đây thuộc ven hai bờ tả mạn sông Hồng. Với tay nghề cũng như cảm hứng nghệ thuật, 16 họa sĩ đã tô điểm cho con phố này trở nên có sức sống và màu sắc sinh động hơn rất nhiều, góp phần mang lại cuộc sống tích cực cho nơi đây.

Con đường đầy rác dưới chân cầu Long Biên bỗng hóa thành tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc

Thời gian gần đây, diện mạo phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội có nhiều thay đổi, khởi sắc. Một trong số đó phải kể tới sự thay đổi diện mạo của con đường ven sông, cũng là nơi ở của nhiều hộ dân từ tỉnh khác tới sinh sống. Nằm sát dưới chân cầu Long Biên, khu vực này trước đó là nơi tập kết nhiều rác thải sinh hoạt, phế thải công nghiệp…

Người dân sinh sống quanh khu vực này tỏ ra vô cùng trầm trồ và thích thú khi con đường rác sau nhà nay đã biến thành không gian nghệ thuật cộng đồng với nhiều công trình, tác phẩm đẹp mắt. Trẻ em khu vực lân cận cũng có chỗ để vui chơi, hóng mát.

Con đường đầy rác dưới chân cầu Long Biên bỗng hóa thành tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc

Dự án này có tên là “dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân”. Công trình được đưa vào sử dụng với mục đích cải tạo bức tường hành lang bảo vệ dọc theo Sông Hồng thuộc phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, nằm phía dưới chân cầu Long Biên. Dự án là ý tưởng, công sức của 16 họa sĩ trẻ như Nguyễn Trần Ưu Đàm, Vương Văn Thạo, Nguyễn Ngọc Lâm…

Tiếp sau thành công của công trình nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, dự án lần này lấy cảm hứng từ chính địa thế hết sức đặc trưng, là nơi giao thoa nhiều yếu tố văn hóa lịch sử của mảnh đất Thăng Long Kẻ Chợ. Nơi đây từng là nơi giao thương buôn bán tấp nập, chứng kiến từng cơn lũ mỗi mùa nước lên, gắn với ký ức của biết bao thế hệ người dân.

Tác phẩm “lịch sử vỡ” của tác giả Vương Văn Thạo được sắp đặt từ 36 đĩa gốm đường kính 30cm, tương tác với câu chuyện về ngôi làng cổ làm gốm ven sông – Làng gốm Bát Tràng. Tác phẩm vẽ những hình bóng những ngôi đình làng trong Phố cổ Hà Nội bị phân thành các mảnh vỡ.

Sau đó được ghép lại bằng vàng giống như 1 sự suy tư về những giá trị văn hoá bị mất mát trong lịch sử và gợi lên những câu hỏi về ứng xử của thời đại này với những giá trị di sản đó.

Anh Nguyễn Thế Sơn – giám tuyển nghệ thuật của dự án và cũng là một trong 16 nghệ sĩ tham gia sáng tạo tác phẩm cho biết: anh được nhận đề bài của UBND quận Hoàn Kiếm “biến khu bãi rác thành điểm đến nghệ thuật” thuộc dự án “Cải tạo bờ bên lở sông Hồng”. Anh đã lên ý tưởng từ mùa hè năm ngoái cùng các nghệ sĩ khác.

Ông Phùng Văn Quán – một người dân sinh sống lâu năm ở khu vực này chia sẻ: “Trước đây, con đường này là nơi tập kết rác thải sinh hoạt nên hôi thối và bốc mùi lắm. Từ khi có công trình nghệ thuật, con đường đẹp lên hẳn. Chúng tôi cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn và bảo vệ cảnh quan để có chỗ sinh hoạt, vui chơi”.