Cẩm nang du lịch vườn Quốc gia Cúc Phương 2024

Vườn Quốc gia Cúc Phương (rừng Cúc Phương) là khu bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng nằm trên ranh giới ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, cổng chính của vườn nằm ở huyện Nho Quan, Ninh Bình. Đây cũng là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam.

Cúc Phương có hệ động thực vật phong phú, mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây.

Vườn quốc gia Cúc Phương còn là một địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng, thu hút vài trăm nghìn lượt khách mỗi năm. Du khách đến Cúc Phương để khám phá hệ động thực vật, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, tham gia các chương trình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lửa trại, tour mạo hiểm, nghiên cứu văn hóa lịch sử. Cúc Phương từng được World Travel Awards vinh danh Vườn quốc gia hàng đầu châu Á trong 5 năm liên tiếp từ 2019 đến 2023.

Con đường chính dẫn vào trung tâm Vườn quốc gia Cúc Phương.

Con đường chính dẫn vào trung tâm Vườn quốc gia Cúc Phương.

Khí hậu

Vườn quốc gia Cúc Phương thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc trưng của miền Bắc, nhiệt độ trung bình năm là 24,7 độ C. Với địa hình đa dạng, trong đó chủ yếu là rừng nguyên sinh, nên nhiệt độ thấp hơn các khu vực lân cận. Du khách có thể đến Cúc Phương vào nhiều thời điểm trong năm. Mùa khô (từ tháng 9 đến tháng 12) thích hợp để trekking trong rừng, cắm trại. Mùa mưa (tháng 4-5) là mùa bướm trắng và đom đóm bay rợp trời.

Di chuyển

Vườn quốc gia Cúc Phương nằm cách Hà Nội gần 130 km, đường đi thuận tiện, khoảng 2,5 đến 3 tiếng. Du khách có thể di chuyển theo CT01, sau đó vào QL1A tại Phủ Lý rồi theo DT477. Một lựa chọn khác là đi theo đường Hồ Chí Minh.

Từ thành phố Ninh Bình, du khách đi qua Tràng An đến chùa Bái Đính (15 km) sau đó đi theo đường phía sau bãi đỗ xe của khu Bái Đính đến Cúc Phương (khoảng 25 km). Đường rộng, ít phương tiện giao thông.

Vườn tổ chức một chuyến xe khách chạy tuyến Cúc Phương – Hà Nội, loại xe 35 chỗ. Xe khởi hành từ bến Giáp Bát đến Cúc Phương lúc 15h và chiều ngược lại từ 9h. Các tuyến xe khách khác chạy từ bến Mỹ Đình và Giáp Bát.

Cổng Vườn quốc gia Cúc Phương

Cổng Vườn quốc gia Cúc Phương

Điểm tham quan

Trung tâm du khách

Là điểm dừng chân đầu tiên, Trung tâm du khách cung cấp thông tin về Vườn quốc gia, những thông điệp về bảo tồn thiên nhiên, các loài động vật hoang dã. Từ đây, du khách sẽ hình dung và xây dựng lịch trình tham quan, tìm hiểu và khám phá Cúc Phương phù hợp thời gian và sức khỏe, đồng thời nâng cao nhận thức về cứu hộ và bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Các chương trình cứu hộ bảo tồn động vật hoang dã

Khu trưng bày và giới thiệu các chương trình cứu hộ động vật hoang dã tại Cúc Phương.

Khu trưng bày và giới thiệu các chương trình cứu hộ động vật hoang dã tại Cúc Phương.

Cúc Phương có chương trình cứu hộ linh trưởng nguy cấp, chương trình bảo tồn rùa, thú ăn thịt và tê tê cùng nhiều loại động vật quý hiếm khác. Trong đó, công tác cứu hộ và chăm sóc linh trưởng nổi tiếng khắp thế giới. Cúc Phương còn là nơi cứu hộ và bảo tồn rùa chuyên biệt duy nhất tại Việt Nam. Ngoài ra chương trình đang cứu hộ, nuôi dưỡng nhiều loài thú ăn thịt nhỏ quý hiếm như cầy vằn, mèo rừng, cầy mực, rái cá.

Bảo tàng Cúc Phương

Bảo tàng Cúc Phương là địa điểm tham quan, nghiên cứu các mẫu vật cho học sinh, sinh viên, các chuyên gia về bảo tồn động, thực vật. Hiện bảo tàng đang lưu giữ hơn 50 mẫu khảo cổ học trong đó có mẫu dương bản bò sát răng phiến có niên đại 230-250 triệu năm trước, 122 mẫu ngâm, 82 mẫu động vật, 2.900 mẫu côn trùng các loại, hơn 12.000 mẫu tiêu bản thực vật.

Bên trong bảo tàng Cúc Phương

Bên trong bảo tàng Cúc Phương

Vườn thực vật

Vườn thực vật Cúc Phương là một trong ba vườn thực vật đầu tiên của Việt Nam được ghi trong danh lục vườn thực vật quốc tế, là nơi phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, học tập và tham quan du lịch. Đây là khu vực được xây dựng nhằm sưu tập gây trồng các loài cây quý hiếm của Cúc Phương, Việt Nam và thế giới. Tuyến đường thăm vườn có quãng đường đi bộ 3 km.

Khu vườn thực vật

Khu vườn thực vật

Đỉnh Mây Bạc

Đây là đỉnh núi cao nhất vườn quốc gia Cúc Phương, với độ cao 648 m so với mực nước biển. Từ trung tâm, du khách đi khoảng 3 km để leo lên đỉnh. Đứng trên đỉnh, có thể ngắm nhìn toàn cảnh của vườn quốc gia và cả cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính. Để đi lên đỉnh núi, thì du khách cần chuẩn bị trang phục phù hợp và đảm bảo sức khỏe vì có nhiều dốc đá gây khó khăn cho việc di chuyển. Tuyến đường này nên có hướng dẫn viên của Vườn đi cùng. Thời gian đi về khoảng 4 tiếng.

Đỉnh Mây Bạc

Đỉnh Mây Bạc

Động Người xưa

Hang động cách cửa rừng khoảng 4 km, là nơi lưu giữ những dấu tích sinh sống và mộ táng của người tiền sử, là trang văn hoá trong lịch sử phát triển của nhân loại. Nơi đây cũng là một di sản quý giá nằm trong phạm vi bảo vệ của rừng Cúc Phương. Động có nhũ đá, nếu bạn thử gõ vào sẽ phát ra âm thanh như tiếng cồng chiêng. Du khách đi bộ 300 m từ đường chính. Thời gian tham quan từ 30 phút đến một tiếng. Vườn chỉ cho phép tham quan nơi này khi trời sáng.

Cửa vào động Người Xưa

Cửa vào động Người Xưa

Cây sấu cổ thụ

Đây là cây đại thụ cao 45 m, hệ thống rễ bạnh vè được phân ra từ thân cây ở độ cao khoảng 10 m rồi phát triển chạy dài 20 m. Trên đường đến cây sấu, du khách cũng được chiêm ngưỡng những dây leo thân gỗ, những loài thực vật phụ sinh như tầm gửi, tổ diều, phong lan, các loài chim như gõ kiến đầu đỏ, đuôi cụt bụng vằn.

Rễ cây lan rộng hàng chục mét

Rễ cây lan rộng hàng chục mét

Lưu ý

Đi vào rừng cần lưu ý trang phục gọn nhẹ, giày đế bằng, quần áo chuyên dụng (quần dài, áo dài tay), đề phòng vắt và các loại côn trùng.

Mùa bướm trắng tháng 4 hằng năm du khách thường đổ về khá đông, lưu ý đặt các dịch vụ lưu trú sớm.

Mang theo các thuốc xịt côn trùng và các phương tiện hỗ trợ cấp cứu đơn giản.

Ở lại qua đêm hoặc nhiều ngày trong rừng, nên có các thiết bị cá nhân như ống nhòm, còi, đèn pin.

Nên lấy số điện thoại cứu hộ khi đến check in đề phòng trường hợp khẩn cấp.

Mùa bướm ở Cúc Phương thường vào tháng 4 hằng năm.

Mùa bướm ở Cúc Phương thường vào tháng 4 hằng năm.

Đọc thêm tại:

Focus Asia Travel